Cùng với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông là một trong những nhà thơ Nôm đầu tiên của Việt Nam. Thơ Nôm của ông vượt thoát khỏi những câu kiểu cách, nhiều bài sử dụng lối nói cổ của dân gian, và có phần thể hiện rõ khẩu khí của ông hơn. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài thơ Nôm điển hình của Lê Thánh Tông.


BUỔI CHIỀU TRÔNG RÁNG MÂY ĐỎ

Trước đông rỡ thoáng ngàn tiên,
Ban tối cây lồng khuất cửa thiền.
Lẻ tẻ đầu non người quẩy củi,
Lao xao cuối bãi khách về thuyền.
Mõ vang cốc cốc bên kia bến,
Chuông đóng coong coong mái nọ chiền.
Năm thức hồng vân, kìa đế sở,
Thân sơ hương hỏa có nhân duyên


BUỔI SÁNG NGẮM SÔNG CHÀI

Sông lồng lộng, nước mênh mênh,
Lườn lượn chèo qua nép nép mình.
Gió hiu hiu, thuyền bé bé,
Mưa phun phún, nón kềnh kềnh.
Chuông chiền mỗi mỗi coong coong gióng,
Mõ xã lâu lâu cốc cốc lềnh.
Bến liễu đâu đâu tìm mộng mộng,
Đường về than thán, nguyệt chênh chênh.


CANH HAI kỳ 2

Nước cạn đồng hồ canh chuyển hai,
Đêm dài đằng đẵng tựa năm dài.
Vang ngõ nọ chày cao thấp,
Nhộn lầu kia địch bẻ bai.
Trăng sáng ba ngàn thế giới,
Gió đưa mấy xóm lâu đài.
Sẩy nằm khi ấy còn mường tượng,
Văng vẳng thiều quân tiếng ở tai.


CANH BA kỳ 1

Đêm chia nửa, khéo hai là,
Giữa giáp canh, ban trống ba.
Đường quạnh phất phơ cây ngất gió,
Trên không lác đác tuyết bay hoa.
Bâng khuâng kẻ mệt hồn thần nữ,
Phảng phất trời cao bóng tố nga (trăng).
Nhớ chúa kìa ai nằm chẳng nhắp,
Thâu đêm trằn trọc đợi canh gà.


CANH BỐN

Kế lậu canh mấy khắc dư
Đêm dài đằng đẵng mới sang tư.
Gió lay chồi ải khua chim thức,
Nước chảy trăng tà giục sóng đưa.
Vạc thẩn thơ tìm nội quạnh,
Trời lác đác vẻ sao thưa.
Một bầu thế giới hây hây lạ,
Mấy kẻ chung tình đã thức chưa ?


CHÓ ĐÁ kỳ 2

Lần kể xuân thu biết mấy mươi,
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt,
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi.
Cắn kẻ tiểu nhân, nào đoái miệng ?
Chào người quân tử, chẳng phe đuôi.
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng,
Dầu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.


DỆT CỬI

Thấy dân rét mướt, nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng dận dạn máy âm dương.


HOA SEN NON

Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương,
Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương.
Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc,
Chàm nhuộm nên màu, tán chửa giương.
Lạt biếc mới khai mày Thái mẫu,
Thắm hồng còn kín má Vương Tường.
Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ,
Mười trượng hoa thì mười trượng hương.


VỊNH NẮNG MÙA HÈ

Mai gầy liễu guộc, cỏ le te,
Biết chạy làm sao khỏi nắng hè ?
Đậu lá, võ vàng con bươm bướm,
Ấp cây, gầy guộc cái ve ve.
Thốt chi kẻ đã nằm trên gác,
Thương một người còn lội dưới khe.
Càng điểm mây mưa càng lõi lục,
Hay làm cho bõ khách màn the.


LÚC ĐẦU THU Ở ĐẤT KHÁCH

Một trận kim phong mới mới vây,
Mối sầu kia ắt kẻ làm bây.
Trăng kề cửa hay lòng sạch,
Gió xuyên rèm tỏ ý tây.
Chăn lạnh dậy nương con cháu vắng,
Đêm dài ngồi nhẫn khắc canh chầy.
Lòng thu bát ngát trong khi ấy,
Hầu cắt làm khuây lại chẳng khuây!


MÀN HÒE

Trời hè đằng đẵng thuở ngày chầy,
Rợp rợp màn hòe bóng mới xoay.
Chói chói hoa vàng đưa gió,
Đùn đùn tàn lục giương mây.
Trong nhà tể tướng: sum họp,
Ngoài cửa công hầu: chật vây.
Thêm có cầm ve dặng dõi,
Khiến người hóng mát động niềm tây.


MẤY MẦM LIỄU ĐỎ MỘT THUYỀN CHÀI

Hai ba ngọn, một điểm mưa,
Một chiếc thuyền chài diễn nước đưa.
Khuất cụm câu buông cần nhè nhẹ.
Kề hoa mui ngỏ cửa thưa thưa.
Với then phong nguyệt mùa mùa đủ,
No miếng ngư hà bưa bữa thừa.
Mựa nói giang hồ yên mỗ thú,
Chạnh lòng ngụy khuyết tiếng chuông sơ.

liễu đỏ: Một thứ rau mọc ở bãi nước hoặc đồng nội, vị cay đắng (cây dăm dại).

Ý hai câu cuối: dầu thân ở chốn giang hồ mà trong bụng vẫn hướng về cung khuyết của triều đình.


NẮNG HÈ

Cũng thì đất chở, cũng trời che,
Nóng nảy làm chi bấy hỡi hè?
Khắc khoải đã đau lòng cái quốc,
Băn khoăn thêm tức ngực con ve.
Người nằm trướng vóc, bồ hôi mướt,
Kẻ hái rau tần, nước bọt se.
Nào khúc Nam huân sao chửa gẩy ?
Chẳng thương bồ liễu phận le te.


NẮNG MÙA HÈ

Buồn nghe dặng tiếng, tiếng cầm ve,
Gióng khách chào ai bấy, hỡi hè ?
Bẻo lẻo đầu ghềnh con bố cốc,
Lênh đênh mặt nước cái đè he,
Ngày chầy phảng phất hồn hồ điệp,
Đêm nhắp mơ màng tiếng tử qui,
Nóng nảy làm chi cờ dạo cuộc,
Nam huân sao chửa lọt song the ?


NGƯỜI BÙ NHÌN kỳ 2

Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ,
Vốn lòng vì nước há vì dưa.
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Dẹp giống chim muông xa phải lánh,
Dể quân cầy cuốc gọi không thưa.
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi,
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.


TỚI ĐÂY

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc, không tuy bụt, hãy lòng người
Chày kềnh một tiếng lan niềm tục
Hồn bướm năm canh lẩn sự đời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười

Bốn câu cuối bài cũng có trong bài Chơi Khán Đài hiện chưa rõ của Hồ Xuân Hương hay Bà huyện Thanh Quan.


TỰ THUẬT

Lòng vì thiên hạ những sơ âu,
Thay việc trời, dám trễ đâu ?
Trống dời canh, còn đọc sách,
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến, xem người biết,
Chứa thuở kinh quyền, xét nhẽ mầu.
Mựa biểu áo vàng chăng có việc!
Đã muôn sự nhiêm trước vào tâu.

Hai câu cuối sử dụng nhiều từ cổ, ý muốn nói: Chớ bảo làm vua là không làm việc, mọi sự đã được trù tính trước khi nói ra rồi.


TƯỢNG BÀ BANH

Chốn long cung cảnh giới này,
Uẩy, ai đứng đấy lõa lồ thay!
Miệng cười hơn hớn hoa in nhuỵ.
Má đỏ hồng hồng tóc vén mây.
Ây rắp phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay toan bốc gạo thử thung thầy.
Chẳng lên bảo điện ngồi thong thả,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây ?

 

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *