ÁNG VĂN HAYTruyện ngắn

GẶP TIÊN Ở HỒ LÃNG BẠC (Trích Thánh Tông Di Thảo)

Khi ta còn ở tiềm để (1), yêu gương nước phía tây thành tám cảnh thanh quang (2), tìm dấu thiêng của hồ tinh, ngắm đường bay của sâm cầm. Đêm thanh trăng sáng, thường cưỡi thuyền nhỏ đi choi. Ta có làm bài phú “Lãng Bạc hồ” và bài phú “Tây Hồ hoài cổ”, bảo viên học sĩ trong phủ làm thi với ta. Nay trích một đoạn như sau:

Núi đá vừa tan,

Hồ Tây thành thú,

Cảnh ấy tình này,

Rày kim mai cổ.

Nhìn xa, bóng núi bao trùm,

Ngó xuống, gương hồ sáng tỏ.

Lẫn một sắc với vòm trời,

Ngậm muôn hình trong viễn phố (3).

Phong cảnh ưa người,

Yên quang ai chủ?

Nhằm tháng tám buổi thanh thu,

Thả thuyền con mà ngoạn thưởng.

Lấp lánh trăng soi,

Hiu hiu gió thoảng.

Chợt nghe:

Tiếng địch ai đưa,

Điệu chài ai xướng?

Như oán như than,

Khi lên khi xuống.

Hồn yêu khóc ở đầm sâu,

Cánh diều xa trong vụ chướng. (4)

Dư âm văng vẳng, bỗng bặt tiếng ngân,

Mặt nước chơi vơi, khiến người mường tượng.

Than ôi, buồn thay!

Ta vẫn thường nghe:

Thành lớn Thăng Long chốn ấy,

Kinh đô triều đại xưa kia,

Là nơi danh thắng,

Cờ quạt đi về.

Nhờ triều Lý đương khi toàn thịnh,

Thường thả thuyền cưỡi sóng nhởn nhơ,

Nhớ ông chài là tay dũng liệt,

Săn được người hóa hổ giỡn vua (5).

Rồi kế đó nhà Trần trỗi dậy,

Đã đến đây trồng sen, vịnh thơ.

Nào điếu đài xây cao chót vót,

Nào cuộc chơi nghi vệ rườm rà.

Gặp buổi thái bình,

Thiên hạ an ninh.

Nên khi rảnh việc,

Choi bời mài miệt.

Vía dữ Phục ba rớt lại, cũng phải tan tành (6)

Nét sầu tiên nữ xưa kia, đến nay rửa hết (7)

Trâu nâng kiệu ngọc,

Phượng đỡ xe loan,

Chim âu lượn trên làn sóng biếc

Đàn cá nhô mặt nước chờn vờn.

Tia đội vừng ô lấp lánh,

Bóng chim ngọc bích (8) chập chờn.

Già ngũ lão đem hà đồ lại hiến (9)

Người kim nhân bưng kiếm báu dâng lên (10)

Thực là:

Hội lớn trong cuộc đời phồn hoa,

Cảnh đẹp của non sông gấm vóc.

Song le:

Đang lúc mảng vui,

Khói trần đã bốc.

Anh hùng hết rồi,

Hào hoa sạch róc.

Một vùng nước biếc

Bỗng biến hôi tanh.

Muôn đóa hoa tươi

Trở thành nát mục.

Chi thấy:

Hươu nai sớm chạy, dài nhật (11) tan hoang,

Chim chóc chiều về, đình hoa lăn lóc.

Từng trải tháng ngày được mấy?

Mà đã xơ xức như không!

Ngư tiều gạt lệ!

Tao khách chạnh lòng.

Than ôi!

Gió mây biến huyễn,

Sao vật đổi dời.

Non sông vẫn thế,

Phong cảnh khác rồi.

Phải chăng thịnh suy có số,

Hay là trong đục tự người?

Nếu không mải choi bời dật lạc,

Thì có đâu bằng lệch cách vời?

Nay người ở trăm năm sau,

Nghĩ lại việc trăm năm trước.

Chì còn:

Muôn khoảnh yên ba,

Một vành trăng bạc.

Hỏi đến việc cũ,

Thì hỡi ôi! Tuổi già còn ai mà biết được?

Rầu rĩ bóng chiều,

Ca khúc nghêu ngao.

Ca rằng:

Cuộc đời dâu bể xưa nay,

Việc dời như thể mây bay trên trời.

Được thua đã mấy phen rồi?

Thật chăng hay giả, ai người nhìn ra?

Sen kia đã nhạt màu hoa,

Si kia đã sạm ngoài da bụi trần.

Non sông cảnh đẹp mười phần,

Mà nay chỉ những tần ngần dấu xưa!

Mối sầu vương vít,

Mượn bến ngả lưng

Chợt thấy khách chào ta mà hỏi rằng:

Ngài đã thấy chăng?

Trước là núi đá trong quãng rừng,

Nay thành vực nước sâu muôn từng.

Thì còn lạ gì:

Cuộc thế lúc thăng lúc giáng,

Phong quang biến đổi không chừng.

Ta vội quay ra,

Khách đã lìa xa.

Tỉnh dậy nhìn theo,

Thì bóng người còn thấy đâu mà…

Chỉ thấy nước hồ bao la,

Lau xanh và sương mờ!

Bấy giờ đang mùa hạ tháng năm, hoa sen nở rộ, vừng trăng soi sáng giữa trời. Ta sai một tên tiểu tốt chèo chiếc thuyền tam bản, trong thuyền đặt một bầu rượu, nhằm chỗ có nhiều hoa sen nhất mà bơi đến. Khí nóng đã dịu, lòng trần lâng lâng, ta ở trong thuyền ngâm lên rằng:

Con thuyền vui dạo cảnh ban chiều,

Lơ lửng từng không bóng nguyệt treo.

Mình ở trên hoa mình thấy nhẹ,

Một bầu hào khí nước trong veo.

Lại ngâm rằng:

Hương thơm giúp văn khí,

Bao la nước một vùng,

Tài thơ như Lý, Đỗ,

Cũng phải nhụt ngòi lông.

Toan cầm giấy ra chép, chợt nghe xa ngoài mươi trượng có tiếng địch véo von khiến lòng ta ngây ngất. Ta liền ném bút xuống sạp thuyền, giục tiểu tốt bơi nhanh đến chỗ có tiếng địch thổi. Tiểu tốt rẽ hoa bơi đi, mới được vài mái chèo, thấy bên tả phía trước mặt có chiếc thuyền con lao vun vút. Trong thuyền một thầy một tớ. Người thầy cầm ngang ống địch mà thổi. Ta bảo tiểu tốt hỏi to rằng:

–        Khách thổi địch là ai vậy? Ty chức muốn bơi thuyền đến gần, xin ngài hoãn chèo để được theo kịp.

Người thổi địch nghe tiếng, quay lại nói:

–        Tôi đã biết ông là con vua rồi! Nhưng đêm nay gặp tiết Vạn thọ, mệnh vua như sấm sét, há dám chậm trễ phút giây. Nếu vương tử muốn nghe địch thì đến đêm 21 tháng chín có thể hẹn nhau ở chốn này. Tôi sẽ gắng bơi thuyền sánh đôi cùng vưong tử.

Nói xong phóng thuyền đi nhanh như tên bay, không kịp hỏi lại, chỉ nghe tiếng địch trong gió thoảng qua. Thật là phóng khoáng xuất thần, làm cho ta quên cả ngôi cao vạn thặng (12).

Ta ngồi nghĩ: “Đêm nay có khánh tiết gì mà người ấy lại nói như thế? Hoặc giả nói thác để lấy cớ từ chối chăng? Hay là thần thánh gì đây?”

Kinh rợn, lạnh toát cả người, ta bèn sai tiểu tốt quay thuyền lên bờ về phủ nằm nghỉ. Nhưng nằm không yên giấc thắp đèn lên ngồi. Một mình bâng khuâng nghĩ rằng: «Ta ở địa vị Đông cung là bậc quý, sau này sẻ lên ngôi nam diện (13) là bậc tôn, cả thiên hạ cung phụng một người giàu sang còn gì bằng nữa? Tại sao chỉ nửa thuyền hăng tỏ, khúc địch véo von, đã làm cho ta thay đổi, coi thường mọi vị trân cam không bằng một bầu mây nước. Nỗi lòng này là do từ đâu?”

Ngồi cho đến sáng, không hề chợp mắt.

Từ đó ở chay bốn tháng. Đến ngày hẹn, lại sai tiểu tốt bơi thuyền tìm đến chỗ cũ. Khi ấy son hồng tàn phấn, sương trắng đầy trời, bóng đêm mờ mờ, khắp hồ đây đó lá sen vàng úa… Đến cuối giờ Hợi sang đầu giờ Tý, ở núi đông hiện ra nửa vành trăng bạc, phương tây đưa lại gió mát hiu hiu. Tiểu tốt ngủ say, lay cũng không tỉnh. Ta bỗng thấy thấp thoáng dưới bóng trăng một chiếc thuyền con vun vút bơi đến và nghe có tiếng gọi rằng:

– Có phải vương tử gặp tôi năm tháng trước đó không?

– Phải! Phải!

Một lát hai thuyền giáp mạn. Người thổi địch bảo mở mui thuyền, cùng ta ngồi đối diện. Ta thấy người đó trạc hai mươi tuổi, tóc xòa chốn vai, môi son mắt phưọng, thoang thoảng có mùi hưong chi lan. Người đó đầu đội khăn vuông, mặc áo xanh, vận quần đỏ, ngang thắt lưng đeo một ống địch bằng trúc. Trong thuyền bày một ghế nhỏ, trên trải chiếu hoa. Ở bên cạnh có ngọn đèn xanh và một bầu rượu. Thoạt trông thấy ta, chàng mỉm cười mà rằng:

– Ngài thử nghĩ cái thân đêm trước là thân nào? Cái thân đêm nay là thân nào? Vương tử với ta, mỗi người một địa vị, mỗi người một sở thích. Gặp nhau lần đầu chưa thổi được ba cung địch trên ghế hồ sàng (14), thực đã phụ lòng tri âm. Vậy nên không dám ngại phiền, đúng hẹn mà đến đây.

Đoạn rút ống địch đeo ở lưng, thổi cho ta nghe. Thổi bài “Quan san”, thổi bài “Chiết liễu”, phảng phất như khúc “Hải phong độc tọa”, xúc động lòng người lìa xa quê cũ, cách biệt phòng loan. Vụt chuyển sang khúc “Đại hải ba đào”, dữ dội như dông tố, như sóng đổ ầm ầm, khiến cho người kinh hoàng khủng khiếp. Thế rồi lại dào dạt mênh mang, như muốn cho ta biết cái cảnh rủ áo chắp tay, nghĩ sao tìm cho được người bề tôi vun quén giúp mình. Sau cùng tiếng địch du dưong êm dịu, điệu thưa tiếng chậm, tản vào làn gió, là là trên mặt nước, mơ màng như trông thấy cảnh chim bay cá lượn trong hồ, hoa thơm cỏ lạ hầu như chìm đắm trong hơi đầm ấm của tiếng địch. Có khác gì cái cảnh thanh danh đầy rẫy ở trong nước, tỏa ra khắp miền mọi rợ không đâu không được đội ân quang? (15)

Nghe xong mấy khúc địch, ta nhìn ra mặt nước thì thấy sen trắng nở đầy, hương thơm ngào ngạt. Lúc ấy tâm thần sảng khoái, cảm giác đê mê, tưởng như đưong mùa tháng năm tháng sáu. Ta bước sang thuyền khách cầm tay nói rằng:

-Tài nghệ giỏi đến thế ư? Tài nghệ giỏi đến thế ư? Dám hỏi người làm ra ống địch có phải là Khâu Trọng đời Vũ Đế không? Đặt tên là địch là có ý nghĩa gì?

Khách nói:

– Xét sách Chu lễ, nhạc sư đã có bài dạy địch Chữ “địch” (篴 ) ấy tức là chữ “địch” (笛) này đó. Hán Cao Tổ vào cung Hàm Dương được một ống địch bằng ngọc dài hai thước ba tấc, 26 lỗ. Thổi lên như thể ngựa xe, rừng núi chuyển vần. Xem thế thì ống địch không phải tự Khâu Trọng chế ra. Đến đòi Đường Minh Hoàng mộng lên chơi cung trăng, ghi hình tượng chiếc địch ở đó, tìm khắp thiên hạ lấy thứ trúc hoa theo cách thức chế thành ống địch. Khi ấy có Lý Mô là người thổi địch rất hay. Về sau gặp loạn An, Sử (An Lộc Sơn và Sử Tư Minh), ống địch ấy bị tiêu hủy mất. Vương tử có biết chuyện ấy không? Vả lại, địch có nghĩa như chữ “địch” (滌) là rửa, ý nói rửa sạch lòng tà. Dầu có những tên khác nhau như Nhã địch, Khương địch, và những tên gần đây như Song địch, Viên tý địch (làm bằng cánh tay vượn, tiếng êm hơn địch trúc), Nghĩa chủy địch, nhưng cách thức chế ống dài một thước bốn tấc, có bảy lỗ, thì cái nào cũng như nhau.

Nói xong, khách sai tiểu đồng rót rượu cùng uống. Chén toàn vàng ngọc, rượu rất thơm tho, táo lớn bằng quả dưa, đào có vân như gấm. Uống rượu ăn quả thật thú vị. Ta thường ăn những vị bát trân, nhưng không thứ nào được ngon như thế. Thoạt còn ngờ là đạo sĩ cao tay, chưa biết là hên, nên ta thủng thinh bảo rằng:

-Thiếu niên phóng khoáng như chàng, có lẽ ngày nay chỉ có một người. Thật là ngựa bạch câu ở nơi hang vắng (16). Nếu muốn bay nhảy như chín ngựa bác trên đường Văn Vương (17), thì ta có thể tiến cử chàng lên làm bạn với thái tử. Chúng ta sẻ là người đồng điệu (18), sớm hôm gần gũi với nhau. Lại nhờ kiến thức của người hiền mà có thể bổ trợ cho ta những điều thiếu sót. Đợi khi ta lên ngôi đại bảo, sẽ trao cho trọng quyền, ban cho áo mặc trăm hoa, thức ăn năm vạc, thê phong tử ấm (19), há không hơn ngao du ngoài cõi đòi ru?

Khách lắc đầu đáp rằng:

– Vương tử không biết nghĩ, vừa vướng lưới trần đã bị niềm tục làm mê đến thế! Xưa nay có vua nào sống được vạn năm đâu? Tôi xin nói cho vương tử nghe, may ra vương tử nhớ được tiền thân chăng. Kìa: đài cao tàn vàng, ra thì đường tất (20), vào thì khua chuông, thảm lông, lầu rồng, nắm quyền cương của trời mà cầm quả ấn bằng ngọc, không phải là không cao quý. Nhưng so với xe mây, ngựa hạc, sáng đón mặt trời ở bể khơi, chiều trông mây núi ở Vu Giáp, thì đằng nào phóng khoáng hơn? Hải vị sơn hào, đủ thức trân cam trong bốn biển, gầm trời mặt đất, ai nấy quy phục về một người, thiên hạ còn ai hơn nữa. Nhưng so với rượu ngọc chén quỳnh, ăn tinh hoa của muôn loài cây cỏ, cùng những thứ bàn đào ba ngàn năm khai hoa, ba ngàn năm kết quả, thì đằng nào quý giá hơn? Núi non gấm vóc, ta làm chủ ông, đất sạch dòng trong, ta làm chỗ nghỉ; phàm những nơi cánh đồng loan phượng, non sông khuê bích trong bầu tròi, đều có vết chân ta đi tới. Nếu so vói phận định từ trời, trị vì có hạn, thì ai rộng, ai hẹp, ắt thấy rõ ràng.

Huống chi lá sen làm áo, mo rụng làm mũ, áo trời không may mà đưòng khâu tuyệt diệu. Thơ ngâm ngàn cuốn, ở rừng hổ báo không lo; ruợu quẩy một bầu, vượt biển ba đào không sợ. Ngâm trăng hát gió, thân rồng phượng há nhọc tinh thần; cũ đổi mới thay, chốn bồng doanh kéo dài ngày tháng. Kìa những người nát óc nhọc thân, một ngày muôn việc, bốn cõi hoặc có nơi ngang ngạnh, một người hoặc không được đội ơn, thì trời chưa sáng đã mặc áo, bóng tới trưa mới được ăn, cải trang du hành, suốt ngày chưa xong việc, chỉ những lo nghĩ mà già. So ra ai bận ai nhàn, cũng thấy rất rõ. Được một ngày nhàn rỗi, thì dù đem ngôi vạn thặng mà đổi cũng không thiết, huống chi là bạn với thái tử, huống chi là được trao trọng quyền?

Ta nghe rồi mới biết khách là người tiên, liền đổi sắc mặt, chắp tay hỏi rằng:

–        Được lời như cởi tấm lòng. Vậy thì thuật lên trời có thể truyền được không? Có thể học được không?

Tiên thổi địch cười nói:

–        Rồng hổ quấn vạc, đào khuê vào miệng, giữa ban ngày mọc cánh bay cao (21), tuy quên đời và tự cao, nhưng đối với thời thì vô dụng. Huống chi lúc bẩm sinh vốn đã sẵn thanh cốt, khi thành hình lại giữ trọn linh cơ, tất nhiên ngũ quan không tập thói xa hoa, chín vạc mới thành công tu luyện. Nhưng đã trót sa xuống giếng trần, pha nhiều niềm tục cho nên chưa thể thoát hình biến hóa bay lên ngay giữa ban ngày. Những bậc như thế, xưa nay đã hiếm rồi. Đại để chỉ có những người núi sông chung đúc, hoa cỏ kết tinh, khi đến có nguồn gốc, khi đi có duyên cớ (22), chết thì vía về dưới đất, thần lên trên trời. Những người như thế rất nhiều. Cho nên, có điều truyền được không học được; cũng có điều học được lại không truyền được. Hiện nay nhà nước vừa mói đại định, sát khí chưa tan hết, nên có thể có biến sinh trong gia đình (23). Vương tử phải giữ tấm thân trong sáng, chí khí tinh nhanh, cắt đặt hợp lòng người, ngôn hành đáng gưong mẫu, làm cho đời được thịnh trị, lên chốn xuân đài. Tinh hoa hưởng thụ được nhiều thì tuổi tiên lâu dài mãi mãi, cần gì phải dùng đến phép thuật bùa dấu? Phúc trạch nhà Lê, vưong tử được hưởng nhiều hon cả đấy. Duy phải phòng giữ một điều trong chỗ chăn gối mà thôi.

Ta còn muốn hỏi nữa, thì thoáng chốc đã không thấy khách đâu!

Lê Thánh Tông

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC

Phú quý có thể gây dựng cho người, nên người thường đắm đuối trong cảnh ấy, không thể ra được. Còn như những khách ngoài vòng, coi các thứ cung phụng ngọt ngon trong bốn bể không bằng thú vui chơi mây nước một bầu. Thuật lời mà tưởng đến người, phong vận thanh cao, khiến cho kẻ đương thời không thấy mình là hạng người tôn quý nữa. Lại thường xét sách Thánh Tông bản kỷ, thấy chép: “Khi xưa Ngô thái hậu sắp đến ngày sinh, nằm mộng thấy đến điện Ngọc hoàng thượng đế. Thượng đế bảo một tiên đồng giáng sinh làm con thái hậu. Tiên đồng có ý ngần ngại không chịu đi. Thượng đế giận,  cầm hốt ngọc ném vào trán chảy máu. Tỉnh dậy thì  sinh Thánh Tông, trên trán có vết như đã trông thấy trong giấc mộng”. Bởi thế biết tiền thân Thánh Tông tất có quen biết gã tiên thổi địch. Cho nên khi ở trên hồ kể lại mối tình keo son, lại vào trong mộng nêu rõ ý nghĩa phong thi. Và lại các đế vương nước Việt ta, thiên tư đĩnh ngộ, học hỏi uyên thâm, trong những câu nhả ngọc phun châu, đều có vẻ tiên phong đạo cốt. Nhưng so sánh thì không ai bằng vua Lê Thánh Tông.

Xem trong tập thơ có câu:

Cung thềm trong vắt như mâm ngọc,

Bóng sáng mây trùm vẩn lại trong.

Đề tập Thiên Nam du hạ của Thân Nhân Trung có câu:

Vải hỏa thử (24) ngàn sợi,

Tơ băng tàm (25) năm màu,

Lại tìm tay khéo nhất,

Lựa cắt may áo chầu.

Lại có bài di bút rằng:

Năm chục niên hoa bảy thước cao

Tấm lòng sắt cứng đã mềm sao!

Gió qua trước cửa hoa vàng rụng,

Sương gội ngoài sân liễu biếc hao.

Bích Hán mây mờ mòn khóe mắt

Hoàng lương canh vắng tỉnh chiêm bao

Non Bồng xa cách người cùng tiếng,

Băng ngọc hồn mơ biết có vào?

 

Lời lẽ ly kỳ tiêu sái biết là dường nào?

Đề miếu Hoằng Hựu có câu:

 Anh linh thấu đến cửu trùng thiên,

Thưởng phạt trời cho được giữ quyền.

Nhắc hỏi non mây hay nhuận vật,

Làm mưa giúp lúa tốt hàng niên.

Khẩu khí hùng hồn biết là dường nào!

Lại như chín bài ca Quỳnh uyển, tập thơ Tao đàn, tập Cổ tâm bách vịnh, Xuân vân thi tập, Cổ kim cung từ, các bài chiếu đi đánh Chiêm Thành, Bồn Man, Ai Lao, đường hoàng chính đại, tìmg chữ tinh vi, khiến cho người văn chương lão luyện đều phải chắp tay. Lại khi gặp kỳ đại hạn, nhà vua tự tay viết bốn chương trong tập thơ soạn ra, sai dán lên vách các thần từ, đến đêm thì mưa to. Người đời xưa có câu: “Văn chương khóc quỷ thần”. Ta cũng nói: “Văn chương cảm quỷ thần”. Nếu không phải là thánh học cao minh, quỷ thần cảm phục thì sao được như thế?

Trích từ “Thánh Tông di thảo”

CHÚ THÍCH

  1. Tiềm để: Con vua, khi chưa lên ngôi vua thì ở nhà riêng gọi là tiềm để.
  2. Theo bài phú “Tụng Tây Hồ” cùa Nguyễn Huy Lượng, hồ Tây có tám cảnh đẹp là:

-Quản Quan Ngư (quán xem đánh cá) có từ đời Trần

-Đường Dụ Tượng, dùng đề tập voi, cũng có từ đời Trần

-Lầu Túc Điểu, làm trên một chỗ đất hình con chim nằm

-Vũng Du Ngư, ở bên một chỗ đất hình con cá bơi,

-Xứ Bảy Cây ở chỗ giáp giới hồ Tây và hồ Trúc Bạch

-Bãi Mỏ Phượng,

-Đền Trấn Võ,

-Các chùa và tháp ở xung quanh hồ.

  1. Viễn phố: bến xa.
  2. Vụ chướng: đám sa mù.
  3. Lê Văn Thịnh, thái sư triều Lý, có ảo thuật. Khi vua Lý chơi thuyền ờ hồ Lãng Bạc, Thịnh hóa làm con hổ, toan lại vồ vua, người thuyền chài là Mục Thận chăng lưới bắt được.
  4. Phục ba tướng quân tức là Mã Viện, người đã cầm quân đánh nhau với Bà Trưng ờ hồ Lãng Bạc.
  5. Chưa rõ điển tích.
  6. Mặt trăng ví như ngọc bích. Thiên văn chí: “Bích nguyệt châu tinh”: trăng ngọc bích, sao hạt châu.
  7. Quàng sự loại chép: Nghiêu và Thuấn chơi núi Thú Dương rồi đi xem sông. Có năm ông già đem hà đồ đến dâng và mỗi ông tâu về một mục như: tuổi thọ, mưu, đồ, thư và phù lục.
  8. Quảng sự loại: Tần Mục Công đặt tiệc ba ngày ờ bến Hà Khúc. Người vàng ở sông hiện lên dâng thanh kiếm và nói: “Xin tặng nhà vua để làm bá chủ chư hầu”.
  9. Đài nhật: đài mặt trời.

   12. Ngôi vua, có hàng vạn cỗ xe.

   13. Đông cung: thái từ. Nam diện: ngoảnh mặt về hướng nam, chỉ vua, vì vua ngồi quay mặt về phía nam để cho thần liêu triều hạ.

  1. Sách Diễn phiền lộ: đời Tấn, Hoàn Y giỏi địch, Vương Hy Chi không quen biết bao giờ. Một hôm đậu thuyền ở bến, thấy xe Hoàn Y đi qua, cho người lên bảo Hoàn Y rằng: “Nghe ông giỏi địch, thử cho nghe một khúc”. Hoàn Y xuống xe, ngồi trên ghế tréo (hồ sàng) thổi ba bài địch, rồi lại lên xe đi thẳng, không nói với nhau một câu nào.
  2. Đây là trích một câu chữ liền ở sách Trung dung: ý nói bậc chí thánh trị vì, có những đức chính tốt thì kết quả được như vậy.
  3. Kinh Thi, “Tiểu nhã”: “Hiệu hiệu bạch câu, tại bỉ không cốc”, nghĩa là: ngựa câu bạch trắng tinh, ở nơi hang vắng; ngụ ý ví người hiền tài ẩn dật.
  4. Luận ngữ khảo dị: vua Vũ ruổi chín ngựa bác trên đường Văn Vương. Chín ngựa bác ví với chín ngưòi bề tôi tài giỏi của nhà Chu.
  5. Hai nhạc khí hòa hợp với nhau gọi là đồng điệu, ở đây có nghĩa là cùng một chí hướng với nhau.
  6. Thê phong tử ấm: theo chế độ phong kiến, những người làm quan to thì vợ được phong là “mạng phụ”, con được tập ấm gọi là “ấm tử”.
  7. Đuờng tất: đường dành cho vua đi, không ai được phạm.
  8. Đạo giáo có chép luyện đan làm thuốc trường sinh. Rồng hổ quấn vạc là hình dung lúc luyện đan; đao khuê vào miệng là hình dung lúc uống thuốc (đao khuê: thìa đong thuốc); mọc cánh cao bay là hình dung lúc thành tiên.
  9. Tới có nguồn gốc, đi có duyên cớ: Ý nói người tiên giáng thế nguồn gốc tự thiên đình, đến lúc chết đi, lại trở về thiên đình để làm việc thiên đình, không phải là sự ngẫu nhiên.
  10. Ám chỉ việc Nghi Dân cướp ngôi (lời chú cùa tác giả).
  11. Thần dị kinh: Tây Vực có thứ vải lông chuột, giống chuột nảy gọi là “hoa thử”, thường ở núi lửa, nặng hàng trăm cân, lông dải hai thước, mềm như tơ, dùng để dệt vài, gọi là “hỏa cán bố” (vải giặt lửa).
  12. Thập dị ký: ở núi Viên Kiệu có thứ tằm gọi là “băng tàm” dài bảy tấc, tổ kén dài một thước, và đủ năm sắc, dùng dệt gấm, vào nước không ướt, vào lửa không cháy.
Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *