Tác phẩm Việt NamTHƠ HAY

Thơ Nguyễn Trãi, những bài Nôm hay nhất

Nguyễn Trãi 阮廌 (1380-1442) hiệu Ức Trai là nhà thơ lớn nhất Việt Nam dưới thời Lê, đồng thời cũng là nhà chính trị lừng lẫy đã đưa khởi nghĩa Lam Sơn đến thắng lợi cuối cùng. Thơ Nguyễn Trãi có phong thái của một bậc anh hùng chí lớn lại có được vẻ tiêu diêu tự tại của con người vượt thoát vòng danh lợi. Thơ ông, đặc biệt là thơ chữ Nôm, đã có những cách tân đặc sắc về phong cách ngôn ngữ Việt và nghệ thuật thơ ca.

Dưới đây là những bài thơ Nôm hay nhất của Nguyễn Trãi.

THỦ VĨ NGÂM

Góc thành Nam, lều một gian,
No nước uống, thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn, dường ai quyến,
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá,
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,
Góc thành Nam, lều một gian.

Bài thơ này có thể là làm trong lúc Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan theo bài tựa của Nguyễn Khắc Kiệm hay là trong lúc ông bị Lê Thái Tổ ruồng bỏ sau khi bị giam vì bị nghi có liên quan với án Trần Nguyên Hãn, tuy được tha và vẫn giữ chức quan, nhưng không được làm việc gì. Chúng tôi (nhóm Đào Duy Anh) đoán là làm trong trường hợp thứ hai, vì trong thơ đã có vẻ chán chường lắm, không thể là giọng thơ của một người thanh niên 30 tuổi còn đầy tráng khí (lúc bị giam lỏng ở Đông Quan) mới gặp khó khăn nhất thời. Vả chăng nếu là bị giam ở Đông Quan thì không thể có câu “Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải”.

MẠN THUẬT kỳ 4

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trong thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người cực hiểm thay.

THUẬT HỨNG bài 6

Cảnh cũ non quê nhặt chốc mòng,
Chiêm bao ngờ đã đến trong.
Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt,
Mai rụng hoa đeo bóng cách song.
Gió nhặt đưa qua trúc ổ,
Mây tuôn phủ rợp thư phòng.
Thức nằm nghĩ ngợi còn mường tượng,
Lá chưa ai quét cửa thông.

THUẬT HỨNG bài 24

Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

TỨC SỰ bài 4

Giậu thưa thưa hai khóm trúc,
Giường thấp thấp một nồi hương.
Vượn chim kết bạn non nước quạnh,
Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường.
Hài có đẹp chân đi đủng đỉnh,
Áo bô quen cật vận xuềnh xoàng.
Bốn dân nghiệp có cao cùng thấp,
Đều hết làm tôi thánh thượng hoàng.

BẢO KÍNH CẢNH GIỚI bài 28

Nghìn dặm xem mây nhớ quê,
Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về.
Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại,
Hai chữ công danh biếng vả vê.
Dẫn suối nước đầy cái trúc,
Quẩy trăng túi nặng thẳng hề.
Đã ngoài chưng thế dầu hơn thiệt,
Chẳng quản ai khen chẳng quản chê.

BẢO KÍNH CẢNH GIỚI bài 31

Chân mềm ngại bước dặm mây xanh,
Quê cũ tìm về cảnh cũ thanh.
Hương cách gác vân thu lạnh lạnh,
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh.
Ơn tư là ấy yêu dường chúa,
Lỗi thác vì nơi luỵ bởi danh.
Bui có một niềm trung hiếu cũ,
Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh.

BẢO KÍNH CẢNH GIỚI bài 41

Đôi lần đã mấy áng phồn hoa,
Dầu ngặt ta vui đạo ta.
Ngắm xem mai hay tuyết đến,
Say thưởng nguyệt lệ thu qua.
Ba thân hương hoả nhờ ơn chúa,
Một nửa thi thư dõi nghiệp nhà.
Thấy bể triều quan đà ngại vượt,
Trong dòng phẳng có phong ba.

BẢO KÍNH CẢNH GIỚI bài 52

Chép hết bao nhiêu sự thế ư?
Ai ai đã biết được hay chưa?
Kim ngân ấy của người cùng muốn,
Tửu sắc là nơi nghiệp há chừa.
Thế sự trai yêu thiếp mọn,
Nhân tình gái nhớ chồng xưa.
Chẳng say chẳng đắm là quân tử,
Người hiểm lòng thay! Hãy sá ngờ.

TIẾC CẢNH bài 6

Ba bảy mươi nào, luống nhọc thân,
Được thua đã biết sự vân vân.
Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.

TIẾC CẢNH bài 7

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ,
Một phen liễu rủ một phen mềm.

BA TIÊU

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Ðầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem..

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *