Tác phẩm Việt NamTHƠ HAY

THƠ NGUYỄN TRÃI, NHỮNG BÀI CHỮ HÁN HAY NHẤT

Nguyễn Trãi 阮廌 (1380-1442) hiệu Ức Trai là nhà thơ lớn nhất Việt Nam dưới thời Lê, đồng thời cũng là nhà chính trị lừng lẫy đã đưa khởi nghĩa Lam Sơn đến thắng lợi cuối cùng. Thơ Nguyễn Trãi có phong thái của một bậc anh hùng chí lớn lại có được vẻ tiêu diêu tự tại của con người vượt thoát vòng danh lợi. Những bài thơ chữ Hán của ông đạt đến mức độ điêu luyện về ngôn từ và đại diện cho tinh thần Nho giáo.

Dưới đây là những bài thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Trãi.


THÍNH VŨ

Tịch mịch u trai lý,
Chung tiêu thính vũ thanh.
Tiêu hao kinh khách chẩm!
Điểm trích sổ tàn canh.
Cách trúc xao song mật,
Hoà chung nhập mộng thanh.
Ngâm dư hồn bất mị,
Đoạn tục đáo thiên minh.

Dịch nghĩa 

Vắng vẻ trong phòng tối tăm,
Suốt đêm nghe tiếng trời mưa.
Tiếng não nùng làm kinh động gối khách,
Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn.
Cách bụi trúc tiếng khua nhặt vào cửa sổ,
Lẫn tiếng chuông vẳng vào giấc mơ nhẹ nhàng.
Ngâm rồi vẫn không ngủ được,
Nghe đứt nối cho đến trời bình minh.

Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh

Vò võ trai phòng vắng,
Suốt đêm nghe tiếng mưa.
Não nùng rung gối khách,
Thánh thót mấy canh dư.
Cách trúc khua song nhặt,
Hoà chuông động giấc mơ.
Ngâm rồi vẫn chẳng ngủ,
Đứt nối đến tờ mờ.


QUAN HẢI

Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.
Kiền khôn kim cổ vô cùng y,
Khước tại Thương Lang viễn thụ yên.

Dịch nghĩa

Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt cũng được trầm dưới nước để phong toả như thế
Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước
Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời
Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày
Anh hùng để lại mối hận nghìn năm
Xưa nay ý trời đất thì vô cùng tận
Lui về chốn cây cỏ mây trời ở đất Thương Lang xa xôi.

Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn:

Cọc gỗ trùng trùng trước sóng khơi,
Ngang sông khoá sắt uổng mà thôi.
Lật thuyền mới biết dân là nước,
Cậy hiểm khôn xoay mệnh tại trời.
Hoạ phúc có nguồn đâu một buổi,
Anh hùng để hận mấy nghìn đời.
Càn khôn nay trước vô cùng ý,
Lại ở khơi xa cây khói vời.


GIANG HÀNH

Tây tân sơ nghĩ trạo,
Phong cảnh tiện giang hồ.
Vũ quá sơn dung sấu,
Thiên trường nhạn ảnh cô.
Thương Lang hà xứ thị?
Ngư điếu hảo vi đồ.
Hồi thủ Đông Hoa địa,
Trần ai giác dĩ vô.

 

Dịch nghĩa

 

Vừa ghé bên bến phía tây
Quả là cảnh đẹp tiện ngao du
Dáng núi gầy đi sau cơn mưa
Bên trời xa lẻ loi một bóng nhạn
Dòng sông Thương Lang ở đâu đây?
Vui đánh bạn với dân chài cũng tốt lắm
Nghoảnh lại nhìn đất Đông Hoa
Tự thấy ta như rũ sạch bụi trần.

Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh

Bến tây thuyền mới ghé,
Phong cảnh đã giang hồ.
Mưa tan vẻ non sắc,
Trời quang bóng nhạn cô.
Thương Lang nơi nào nhỉ?
Chài cá bạn ta đua.
Ngoảnh lại Đông Hoa thấy,
Lâng lâng sạch bụi mù.


MỘ XUÂN TỨC SỰ

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai.
Ðỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai.

Dịch nghĩa

Nhàn rỗi suốt ngày đóng cửa phòng sách
Ngoài cửa vắng khách tục đến
Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn
Cả một sân hoa soan nở dưới mưa phùn.

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Ðầy sân mưa bụi nở hoa xoan.


VÃN HỨNG

Cùng hạng u cư khổ tịch liêu,
Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu.
Hoang thôn nhật lạc, hà thê thụ.
Dã kính nhân hy, thuỷ một kiều.
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.
Quy lai độc bẵng lan can toạ,
Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu.

Dịch nghĩa

Trong ngõ cùng, ở nơi vắng vẻ, buồn nỗi quạnh hiu,
Khăn đen, gậy trúc đi dạo chơi buổi chiều.
Nơi thôn vắng, mặt trời xế, ráng đậu trên cây,
Con đường ngoài nội ít người qua lại, nước ngập cầu.
Xưa nay thời gian không cùng như sông chảy xuôi mờ mịt,
Anh hùng mang hận như tiếng gió thổi cây lá nghe vu vu.
Trở về một mình ngồi tựa lan can,
Một mảnh trăng sáng lạnh như băng treo trên nền trời biếc

Bản dịch của Xuân Diệu

Ở xóm xa cùng, khổ quạnh hiu,
Khăn đen gậy trúc dạo quanh chiều.
Thôn hoang bóng xế cây nâng ráng,
Đường ruộng người thưa nước ngập cầu.
Kim cổ không cùng sông lặng lặng,
Anh hùng ôm hận lá lao xao.
Quay về, một chắc lan can tựa,
Trăng sáng như băng trời biếc treo.


CÔN SƠN CA

Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lí thuý đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai,
Bán sinh trần thổ trường giao cốc ?
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.
Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ,
Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc.
Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề,
Thú Dương ngạ tự bất thực túc ?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kì sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục.
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.

Bản dịch thơ của nhóm Đào Duy Anh

Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm.
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trên núi có thông,
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.

 

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *