Tác phẩm Việt NamTHƠ HAY

Thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông (1442-1497) là bậc minh quân Nho giáo nổi tiếng trong lịch sử đồng thời cũng là nhà thơ tài ba của nền văn chương Việt Nam. Ông đạt được thành tựu lớn trong cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Thơ chữ Hán của ông đài các, lộ rõ khẩu khí của bậc minh quân. Dưới đây, chúng tôi xin được giới thiệu những bài thơ chữ Hán hay nhất của Lê Thánh Tông.


ĐỀ ĐẠO NHÂN VÂN THỦY CƯ 1

Sổ duyên ẩn ẩn bạch vân oa,
Nghi thị cô sơn xử sĩ gia.
Tịch tễ tại thiên phong hốt khởi,
Tàn hà chiếu thuỷ nhạn hoành sa.

Dịch nghĩa

Mấy gian nhà lấp ló trong thung mây trắng
Ngờ là nhà xử sĩ ở trong núi một mình
Chiều hôm trời tạnh, gió bỗng nổi lên
Ráng chiều chiếu nước, nhạn bay ngang.


ĐỀ ĐẠO NHÂN VÂN THỦY CƯ 3

Giang thượng hà nhân lý điếu ty,
Song ngư hoán đắc tửu bôi thì.
Địch thanh lộng bãi nguyệt sơ thướng,
Lão nhục phù vinh tổng bất tri.

Dịch nghĩa

Ai người thả sợi dây câu trên kia nhỉ?
Khi đôi cá đổi được chén rượu rồi
Và lúc tiếng sáo vừa dứt, vầng trăng ló ra
Thì mọi nỗi vinh nhục thảy không hay biết


ĐỀ KÍNH CHỦ ĐỘNG

Dư thủ ngã Thái tổ chi thiên hạ, bất cảm hoàng ninh, khắc cật nhung binh, tư trắc Vũ tích, nãi thân suất châu sư, diệu võ giang ngoại. Phản bái chi nhật, lưu nhất thi vu Thạch Môn sơn, vân:

Thạch Môn sơn thượng đăng lâm xứ,
Hư thất cao song nhàn bạch trú.
Cự khẩu xá ha thổ phạn cung,
Ta nga quái thạch cao đê thụ.
Bất nhân thần quỷ phủ cân dư,
Khắc xảo công phu nguyên thái tố,
Hồi đầu diểu diểu bát hoang khoan,
Thanh thiên bất tận, sơn vô số.
Động môn bất toả trấn trường khai.
Biệt hữu nhất trùng thiên thượng khứ.
Tính tinh kim tự luyện sơ thành,
Nhân ngã sơn căn xứ xứ bình.
Giang thuỷ đạm ư tăng nhãn bích,
Hải sơn nồng tự Phật đầu thanh.
Kim ngao bối thượng Kỳ viên địa,
Bảo ốc quang trung Xá Vệ thành.
Quyện điểu hữu tình y mật diệp,
Nhàn vân vô ý lạc không đình.
Đông phong vũ tễ tình quang bạc,
Số điểm yên tiêu nhật sắc minh.
Kinh vũ dư nhàn truy thắng tiện,
Chung thân tâm tuý tạm hoàn tinh.

Dịch nghĩa

Ta coi thiên hạ của đức Thái tổ ta, không dám an nhàn, mà “phải lo công việc binh bị”, định “đi theo vết chân Hạ Vũ”, bèn thân chinh dẫn thuỷ quân diệu võ ngoài sông. Ngày trở về, để lại một bài thơ ở núi Thạch Môn, rằng:

Trên núi Thạch Môn, nơi ta leo lên,
Nhà rỗng, cửa cao, [ta] được thảnh thơi một ngày.
Miệng động há to, phô rõ ngôi chùa.
Đá núi cheo leo kỳ thú, cây cối nhấp nhô.
Chẳng phải nhờ rìu búa của quỷ thần,
Đẽo gọt công phu khéo léo từ xưa đã vậy.
Ngoái đầu nhìn tám hướng bao la.
Trời xanh vô tận núi non trùng điệp.
Cửa động không khoá mà luôn để ngỏ,
Có riêng một tầng trời để ta lên đó.
Tính tình tinh khiết như vàng tự luyện bước đầu thành công.
Người và ta luôn luôn vững chãi như chân núi.
Nước dưới sông nhạt hơn màu biếc của mắt tăng,
Núi giữa biển thắm tựa màu xanh của đầu Phật.
[Nơi đây chẳng khác gì]
Vườn Kỳ Thụ trên lưng Ngao vàng,
Thành Xá Vệ trong ngôi nhà ngọc.
Con chim mỏi cánh lưu luyến vương nhờ nơi cành rậm,
áng mây vô tình nhởn nhơ sà xuống khoảnh sân vắng.
Gió đông thổi, mưa tạnh, màu nắng nhạt,
Vài đám mây tan, sắc trời thêm trong sáng.
Lo việc võ bị xong, bèn rong chơi thoả thích,
Suốt đời lòng dạ đắm say, nay mới chợt tỉnh.


ĐỀ LONG HẠM SƠN

Thuý vi hữu địa khả bồi hồi,
Vọng viễn đăng cao vũ trụ khôi.
Khước nhạ cáo thành phong ngọc kiểm,
Thù phi thất lộ nhập Thiên Thai?
Nhàn vân mãn địa vô nhân tảo,
Hư thất lăng tiêu trấn nhật khai.
Yểu điệu giản cùng lâm tẩu ngoại,
Đặc yêu hoàng ốc, thuý hoa lai.

Bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải

Thuý vi có đất đủ dong chơi, 
Lên ngất, trông xa rộng đất giời. 
Riêng lạ việc xong niêm ngọc kiểm, 
Phải đâu đường lỡ tới Thiên Thai? 
Mây rơi đầy đất ai vơ quét? 
Nhà quạnh trên không cửa ngỏ hoài. 
Uốn éo hang sâu ngoài núi thẳm, 
Đâu riêng hoàng ốc thuý hoa thôi.


TAM CANH NGUYỆT

Tam canh phong lộ hải thiên liêu,
Nhất phiến hàn quang thượng bích tiêu.
Bất chiếu anh hùng tâm khúc sự,
Thừa vân tây tiến dạ thiều thiều.

Dịch nghĩa

Canh ba sương gió, trời biển xa xăm
Một mảnh trăng lạnh trên nền trời biếc
Chẳng soi đến tâm sự lòng người anh hùng
Chỉ theo mây về tây, đêm dài dằng dặc.


TỰ THUẬT

Ngũ thập niên hoa thất xích khu,
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,
Lộ ấp đình tiền lục liễu cù.
Bích hán vọng cùng vân diểu diểu,
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.
Bồng Lai sơn thượng âm dung đoạn,
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô.

Dịch nghĩa

Tấm thân bảy thước đã năm mươi tuổi,
Lòng cứng như sắt cũng hóa thành mềm.
Gió thổi ngoài cửa sổ khiến hoa vàng tàn tạ,
Sương đẫm trước sân, khiến liễu biếc héo gày,
Nhìn tít trời xanh, mây bay mờ mịt,
Giấc mộng kê vàng chợt tỉnh, lòng vời vợi lúc đêm khuya.
Trên đỉnh Bồng Lai, giọng nói dáng người đã khuất,
U hồn băng ngọc đã vào giấc mộng hay chưa?

Sử chép, tháng giêng năm Đinh Tị (1497), nhà vua ốm nặng, biết khó qua khỏi, ông bèn tựa ngọc kỷ mệnh cho thái tử Tăng (Lê Hiến Tông) lên nối ngôi và làm bài thơ tuyệt mệnh này. Đây là bài thơ cuối cùng trong đời ông. Ông mất ngày 29 tháng giêng năm Đinh Tị (1497). Qua bài này, tâm tư nhà vua rất trong sáng, khảng khái; nhận thức cuộc sống như những nhân sĩ, những thi sĩ bình thường; coi cuộc đời rút cục như giấc mộng, không hề có giọng “kẻ cả dạy đời”.


NGỰ CHẾ THIÊN NAM ĐỘNG CHỦ 

Cự tẩm uông dương triều bách xuyên, 
Loạn sơn kỳ bố bích liên thiên. 
Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ, 
Tín thủ dao đề tốn nhị quyền. 
Thần bắc khu cơ sâm hổ lữ, 
Hải đông phong toại tức lang yên. 
Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại, 
Chính thị tu văn yển vũ niên.

Bản dịch của Trần Nhuận Minh

Nhận nước trăm năm sóng cuộn đầy
Núi bày cờ thế, biếc liền mây
Xưa theo người khác luôn bền chí
Giờ đã tung hoành một chớp tay
Đế chủ điệp trùng quân hổ mạnh
Hải Đông đã tắt khói lang bay
Trời Nam muôn thuở non sông vững
Yển vũ tu văn dựng nước này.

Bài thơ này viết bằng chữ Hán trên vách núi Bài Thơ, được viết lúc Nhà vua 26 tuổi (đã lên ngôi được 8 năm): “Tháng hai, mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ta chỉ huy sáu quân duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió hoà cảnh đẹp, biển không nổi sóng, ta vượt qua Hoàng Hải, đi tuần An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng (tức núi Bài Thơ), bèn mài đá đề một bài thơ”. Bài thơ này lâu ngày đã bị hao mòn, chữ mờ nên có một số dị bản.

Thiên Nam động chủ tức vua Lê Thánh Tông (tác giả). Các bài thơ đề ở danh thắng của Lê Thánh Tông đều ký tên này.

 

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *