GIỚI THIỆU SÁCHPhê bình

Nhân vật ma quái trong Thánh Tông Di Thảo và Truyền Kì Mạn Lục (1): Thể loại truyền kỳ và nhân vật ma quái

Gần đây loại hình văn học kì ảo đang thu hút sự quan tâm của các nhà sáng tác cũng như giới nghiên cứu văn học. Sự chuyển biến của một giai đoạn, thời kì văn học, theo Bakhtin, được đặc trưng bởi sự thay đổi của đời sống thể loại. Thế nhưng, thể loại đang sống trong hiện tại bao giờ cũng nhớ đến quá khứ của nó bởi “đằng sau mỗi một loại văn học đều có một truyền thống lớn lao tuy ẩn mà hiện”.

Tìm về với truyền kì, người ta nhận ra đây là một “đặc sản” của văn học phương Đông so với văn học phương Tây. Ở phương Tây, chỉ đến cuối thế kỷ XVIII, truyện ma và văn học kì ảo mới thực sự ra đời (dẫn theo Ngô Tự Lập, [30]). Trong khi đó, ở phương Đông, ngay từ thế kỉ IX ở Trung Quốc, văn học kì ảo đã phát triển mạnh mẽ và kết tinh ở thể loại truyền kì. Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông) và Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) là những tập truyện truyền kì giữ vai trò đặc biệt trong quá trình phát triển của thể loại này. Đây là hai tác phẩm truyền kì sớm nhất và đồng thời cũng là kết tinh của truyền kì Việt Nam, đưa giai đoạn văn học thế kỉ XV – XVII trở thành “thế kỉ của truyện ngắn truyền kì” [34, 33].

Nhân vật ma quái xuất hiện khá nhiều trong các truyện truyền kì. Có thể nói không một tập truyền kì nào lại vắng bóng loại nhân vật này. Đi vào truyền kì ta có thể thấy cả một thế giới ma phong phú. Đây có thể coi là một loại nhân vật chính của thể loại. Tuy nhiên lại chưa có một công trình nào nghiên cứu sâu về loại nhân vật ma quái trong truyện truyền kì.  

Loại nhân vật ma quái giữ một vai trò quan trọng trong thi pháp truyện truyền kì. Nó gắn liền với đặc trưng của thể loại: sự kết hợp cái kì và cái thực. “Viết về chuyện người xuống cõi ma hay người gặp gỡ, yêu đương với ma; ăn ở, vui thú với ma giữa cõi người, các tác giả truyền kì đã đưa chuyện ảo, cảnh ảo xâm nhập thế giới người; đưa thế giới “phi hiện thực” hiện hữu trong thế giới hiện thực. Vậy là, tính chất kì ảo của từng tác phẩm nằm ngay trong nội dung cốt truyện và hình thức “phi nhân” của nhân vật” [24].

Đằng sau mỗi nhân vật, nhất là những nhân vật tưởng tượng bao giờ cũng là một quan điểm, tư tưởng. Tìm hiểu về nhân vật ma quái là tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, văn hóa dân gian, đến tư tưởng, tôn giáo, quan niệm, cách tư duy của con người trung đại. Nhân vật ma quái trong truyện truyền kì là một phương tiện nghệ thuật thể hiện quan niệm về con người, về xã hội của mỗi tác giả. Mượn chuyện ma nhưng thực chất cũng là để nói chuyện con người trần tục.

Văn học Việt Nam thời trung đại một mặt kế thừa các giá trị tinh thần thiêng liêng trong văn học dân gian, mặt khác phản ánh toàn diện tư duy, quan niệm của con người Việt Nam trong suốt mười thế kỉ tồn tại xã hội phong kiến. Trong từng giai đoạn khác nhau, quan niệm của các tác giả về con người cũng khác nhau. Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục thuộc giai đoạn đầu của văn học trung đại Việt Nam, khi tư tưởng Nho giáo còn chi phối khá lớn đến tư tưởng của các tác giả nên cách thức xây dựng và quan niệm về nhân vật ma quái của họ sẽ có những khác biệt nhất định so với truyện truyền kì giai đoạn sau và các thể loại ra đời muộn hơn.

Các tác phẩm thuộc thể loại truyền kì được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông chiếm số lượng không nhỏ, xuất hiện ở cả hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn hiện nay thực chất là đổi mới cách dạy và học, không chỉ tập trung vào nội dung một tác phẩm mà dạy theo thể loại, dạy từ góc độ thi pháp, đặc trưng thể loại nhằm hình thành và rèn luyện kĩ năng đọc các loại văn bản. Các tác phẩm truyền kì được xếp vào nhóm văn bản tự sự trung đại, mà nhân vật là “linh hồn” của một tác phẩm tự sự. Vì vậy nghiên cứu nhân vật ma quái trong truyện truyền kì là một công việc hữu ích và cần thiết. Đây cũng là tính thực tiễn, khả năng áp dụng của đề tài.

 

KHÁI QUÁT VỀ THỂ LOẠI TRUYỀN KÌ VÀ NHÂN VẬT MA QUÁI TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

1.1. Thể loại truyền kì trong văn xuôi trung đại Việt Nam

1.1.1. Truyền kì – khái niệm, nguồn gốc, quá trình phát triển

Truyện truyền kì có nguồn gốc từ truyện kể dân gian Trung Quốc, sau đó được các tác giả ghi chép lại, nâng cao thành một thể loại văn học. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa truyền kì là “thể loại tự sự ngắn cổ điển của văn học Trung Quốc thịnh hành ở thời Đường (…) Kì có nghĩa là không có thực, nhấn mạnh tính chất hư cấu” [18, 286]. Các tác giả Từ điển văn học (bộ mới) giới thuyết về khái niệm này đầy đủ, chi tiết hơn: “Một hình thức văn xuôi tự sự Trung Quốc, bắt nguồn từ truyện kể dân gian, sau các nhà văn nâng lên thành văn chương bác học, sử dụng các môtip kì quái, hoang đường lồng vào trong cốt truyện có ý nghĩa trần thế (…) Tuy nhiên trong truyện bao giờ cũng có nhân vật là người thật và chính nhân vật mang hình thức phi nhân thì cũng chỉ là sự cách điệu, phóng đại của tâm lí, tính cách một loại người nào đấy, và vì thế truyện truyền kì mang đậm yếu tố nhân bản, có giá trị nhân bản sâu sắc” [20, 447]. Như vậy, định nghĩa về thể loại này khá thống nhất. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều thống nhất truyền kì là một thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại được đặc trưng bởi tính chất hư cấu, kì lạ trong nhân vật, cốt truyện, nhằm phản ánh hiện thực.

Truyện truyền kì không chỉ là đặc sản riêng trong văn xuôi tự sự Việt Nam mà còn phát triển ở toàn bộ vùng văn học Đông Á. Nói đến truyện kì ảo Đông Á, trước tiên, phải nói đến truyện kì ảo trong văn học Trung Quốc – trung tâm văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài nhất đến văn học của các nước trong khu vực. Lịch sử truyện kì ảo Trung Quốc chia làm các thời kì: truyện chí quái thời Lục triều, truyện truyền kì thời Đường – Tống, truyện chí dị thời Minh – Thanh. Chí dị, thực ra là giai đoạn tiếp theo của truyền kì. Truyền kì đạt được thành tựu rực rỡ vào đời Đường. Cách xây dựng nhân vật, tình tiết, ngôn ngữ đều có những khai phá và sáng tạo. Hồng Mại (đời Tống) đã đánh giá truyền kì đời Đường là “kì diệu một thời”. Thời kì Minh – Thanh cũng là một trong những giai đoạn phát triển đến đỉnh điểm của truyền kì, chí dị, trong đó nổi bật hai tên tuổi lớn là Cù Hựu – tác giả Tiễn đăng tân thoại và Bồ Tùng Linh – tác giả Liêu trai chí dị.

Hơn mười thế kỉ hình thành và phát triển, truyện truyền kì Trung Quốc đã để lại những thành tựu rực rỡ và có sức ảnh hưởng lớn đến nền văn học của các nước đồng văn trong khu vực. Trong đó, tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu có sức lan tỏa mạnh nhất, rõ rệt nhất, thúc đẩy sự ra đời các tập truyện truyền kì ở ba nước Đông Á còn lại như Kim Ngao tân thoại của Kim Thời Tập (1435 – 1493, Triều Tiên), Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (đầu thế kỉ XVI, Việt Nam), Già tỳ tử của Asai Ryohi (1612 – 1691, Nhật Bản). Kim Ngao tân thoại, hoàn thành vào khoảng giữa thế kỉ XV, là tiểu thuyết Hán văn đầu tiên của Hàn Quốc, có giá trị cao trong văn học cổ điển nước này. Già tỳ tử cũng có một vị trí quan trọng trong văn học Nhật Bản, dù không phải là truyện thần quái đầu tiên, nhưng là tác phẩm điển hình theo kiểu truyện truyền kì của Nhật.

1.1.2. Đặc trưng thể loại

Đặc trưng quan trọng nhất của truyền kì là sự kết hợp yếu tố kì và thực. Cái kì là một phạm trù mĩ học, đặc trưng tư duy của người phương Đông và là thế giới quan thời kì cổ trung đại. Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu của phương Đông đều chứa đựng nhiều cái kì (“vô kì bất truyền”). Cái kì trong truyện truyền kì đã phát triển từ thụ động đến tự ý thức: từ ảnh hưởng của văn học dân gian, sử kí, tôn giáo đến việc được nhà văn sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật, một hạt nhân tự sự quan trọng trong kết cấu tác phẩm. Kết hợp chặt chẽ với cái kì trong hạt nhân của thể loại là cái thực và xu thế phát triển tất yếu của truyền kì là gia tăng yếu tố thực. Tuy nhiên, cái kì không mất đi mà hòa quyện chặt chẽ với cái thực trong một kết cấu thống nhất làm nên đặc trưng của thể loại. Nếu thiếu cái kì, truyện dễ trở thành truyện kí; thiếu cái thực, truyện truyền kì không thể vượt thoát khỏi giới hạn của chí quái. Vai trò của yếu tố kì và thực trong hạt nhân cơ bản của truyện sẽ biến đổi và có những đặc điểm riêng qua từng giai đoạn phát triển của thể loại.

Đặc trưng thứ hai của truyền kì, với tư cách một thể loại văn học nghệ thuật là sự kết hợp nhiều thể loại văn chương. Trong tác phẩm bên cạnh các thể văn xuôi còn bao gồm văn vần, thơ, từ, phú, lục… tạo nên một chỉnh thể thẩm mĩ “hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu”. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khái quát: “truyện truyền kì dùng văn xuôi để kể, đến chỗ tả cảnh, tả tình thì dùng văn biền ngẫu, khi nhân vật bộc lộ cảm xúc thì thường làm thơ” [41, 294].

Một truyện truyền kì thường có dung lượng không lớn (Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Đăng Na xếp truyền kì vào thể loại truyện ngắn). Bố cục mỗi truyện thường chia thành ba phần: mở đầu giới thiệu danh tính, nguồn gốc nhân vật, giữa truyện kể lại hành trạng, cuộc đời nhân vật và phần kết khẳng định tính chân thực của câu chuyện. Phần lời bình nằm cuối mỗi truyện cũng được xem là một bộ phận hữu cơ trong kết cấu chỉnh thể của thể loại.

1.1.3. Vị trí của Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục trong quá trình phát triển của truyền kì Việt Nam

Truyện truyền kì Việt Nam vốn có nguồn gốc từ thể loại truyện kì ảo Trung Quốc nh­ưng có một quá trình hình thành và phát triển nội sinh gắn liền với nền văn hóa và văn học dân tộc. Văn hóa dân tộc như­ cái nôi nuôi dưỡng truyện truyền kì Việt Nam trong suốt quá trình hình thành, phát triển, giúp cho thể loại truyện này ở Việt Nam khác với truyện truyền kì các n­ước đồng văn trong khu vực. Bên cạnh những cốt truyện phóng tác theo truyện truyền kì Trung Quốc, các tập truyện truyền kì Việt Nam có rất nhiều cốt truyện, tình tiết, mô tip được tiếp thu từ văn học dân gian. Nhiều nhân vật trong truyện truyền kì có nguyên mẫu từ trong truyện kể dân gian. Tất nhiên, các tác giả truyền kì chỉ sử dụng các yếu tố của văn học dân gian làm nguyên liệu để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật của văn học viết.

Con đường của truyện kì ảo Việt Nam thời trung đại từ Lý Tế Xuyên, qua Trần Thế Pháp, đến Thánh Tông, Nguyễn Dữ … là những bước phát triển liên tục.

Giai đoạn đầu tiên (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV) là giai đoạn đặt nền móng cho văn xuôi trung đại Việt Nam, trong đó có thể loại truyền kì. Truyện ngắn giai đoạn này chưa vượt khỏi ảnh hưởng của văn học dân gian và văn học chức năng. Các tác phẩm chủ yếu dừng ở việc sưu tầm, ghi chép, chưa có sự sáng tạo và gia công về nghệ thuật. Các tác phẩm tiêu biểu là Việt điện u linh tập (Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái(Trần Thế Pháp)…

Truyện truyền kì chỉ thực sự xuất hiện vào thế kỉ XV – XVI với sự ra đời của hai tác phẩm Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục, trong đó Thánh Tông di thảo được xem là “bước đột khởi” (Vũ Thanh) và Truyền kì mạn lục là “đỉnh cao” của thể loại. Ở giai đoạn này, truyền kì đã thoát khỏi ràng buộc của văn học dân gian, yếu tố kì ảo được sử dụng một cách điêu luyện và kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố thực. Các tác giả viết truyện với cảm hứng sáng tạo thực sự, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ về nội dung và nghệ thuật, “phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quỹ đạo nghệ thuật” (Nguyễn Đăng Na). Quá trình đó được đánh dấu bằng sự xuất hiện của hàng loạt những nhân tố mới, cũng là quá trình tiến tới hoàn thiện những quy chuẩn thể loại. PGS.TS Nguyễn Đăng Na hoàn toàn có căn cứ vững chắc khi khẳng định: “Thế kỉ XV – XVII là thế kỉ của truyện truyền kì” [34, 33].

Từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX, lịch sử Việt Nam có nhiều biến động, chế độ phong kiến mục ruỗng, thối nát. Văn học thời kì này chuyển sang phản ánh những điều mắt thấy tai nghe, văn xuôi có xu hướng ngả sang truyện kí. Các tác giả truyền kì như Đoàn Thị Điểm, Vũ Trinh, Phạm Quý Thích đã đưa truyền kì sang một bước phát triển mới, cố gắng viết về người thật, việc thật. Cái kì vẫn là một trong hai hạt nhân cơ bản của thể loại nhưng ngày càng có xu hướng phai nhạt hơn so với cái thực.

Cuối thế kỉ XIX là giai đoạn chuyển giao giữa văn học trung đại và văn học cận hiện đại. Cùng với sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ và ảnh hưởng của văn học phương Tây, truyện truyền kì nói riêng và các thể loại văn học trung đại nói chung bị suy yếu và kết thúc vai trò lịch sử của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận thấy các yếu tố, bút pháp của thể loại này trong các tác phẩm văn học hiện đại.

1.2. Nhân vật ma quái trong văn học trung đại Việt Nam

1.2.1. Khái niệm “nhân vật ma quái”

Trong tác phẩm, các tác giả truyền kì ít dùng đúng khái niệm “nhân vật ma quái”. Loại nhân vật này xuất hiện dưới những hình thức tên gọi khác nhau như ma, hồn ma, linh hồn (Chuyện cây gạo, Chuyện yêu quái ở Xương Giang), quỷ (Người trần ở thủy phủ, Chuyện tướng Dạ Xoa, Chuyện gã Trà Đồng giáng sinh), quỷ sứ (Chuyện Lý tướng quân, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên), yêu (Chuyện một giấc mộng), yêu tinh (Chuyện yêu nữ châu Mai), yêu quái (Chuyện nghiệp oan của Đào thị, Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều), tinh (Chuyện tinh chuột), hồn hoa (Chuyện kì ngộ ở trại Tây)… Vì vậy, để đi đến được với khái niệm nhân vật ma quái, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu một số khái niệm liên quan.

Có thể nói rằng hồn, ma, quái, quỷ, yêu tinh… là những từ khá phổ biến trong ngôn ngữ của các dân tộc. Mặc dù vậy, để đi tìm định nghĩa cho nó không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, ma quái thuộc thế giới tâm linh của con người, vì thế, khu biệt rõ ràng khái niệm của các từ này là điều gần như không thể. Vì vậy, những sự phân chia, phân biệt trong luận văn chỉ mang tính chất tương đối. Trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu đi tìm định nghĩa của những khái niệm trên thông qua các bộ tự điển Hán Việt và từ điển Tiếng Việt.

Linh hồn:

Từ điển Hán Việt từ nguyên (Bửu Kế chủ biên) định nghĩa:

Hồn  (bộ quỷ, 14 nét): Phần hồn trong con người, tinh thần của con người có thể lìa khỏi thể xác mà vẫn tồn tại mãi mãi [23, 830].

Linh  (bộ võ, 24 nét): Tinh anh của khí âm, chỉ người đã chết [23, 1063].

Linh hồn: hồn người chết [23, 1063].

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), cũng định nghĩa linh hồn là “hồn người chết” [38, 705].

Như vậy, nếu hồn chỉ phần tinh thần của con người nói chung thì khi nói đến linh hồn thường nói về hồn của người đã chết. Trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục linh hồn cũng được dùng theo nghĩa này.

Theo Hán Việt tự điển Thiều Chửu “hồn” có hai nghĩa: phần thiêng liêng của con người và phần tinh thần của sự vật. Chữ “hồn hoa” mà Nguyễn Dữ dùng để chỉ những nhân vật do cây, hoa biến thành trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây là dùng theo nghĩa “phần tinh thần của sự vật”.

Ma: Chữ Ma do chữ Phạn Mâra mà ra. Người Nhật cũng gọi là Ma hay Hajun, người Trung quốc thường âm từ tiếng Phạn và gọi là Ma-la.

Từ điển Hán Việt từ nguyên định nghĩa: Ma  (thuộc bộ Quỷ, gồm 21 nét): là chữ gọi tắt Phạm ngữ Ma la, có nghĩa là ngăn hại, phá hoại, gọi chung những việc thành thói quen không trừ bỏ được [23, 1112]. Còn ma trong cụm từ ma quỷ được dùng biến nghĩa chỉ người chết hiện hình.

Hán Việt tự điển Thiều ChửuMa (trong Ma quỷ): các cái làm cho người ta mê muội, làm mất lòng đạo gọi là ma cả [11, 792].

Theo Việt Nam tự điển của nhóm Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ soạn và hiệu đính thì ma có ba nghĩa: Thứ nhất, là hồn người chết không được cúng giỗ, không nơi nương tựa, hiện ra phá quấy người sống; thứ hai, ma tức là ý xấu, phần vô hình trong con người giục làm bậy; thứ ba, dùng chỉ lễ chôn cất người chết: đám ma.

Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê)ma là danh từ có hai nghĩa: 

  1. Người đã chết, đã thuộc về cõi âm
  2. Sự hiện hình của người chết, theo mê tín [38, 746].

Như vậy, ma trong từ điển có nhiều nghĩa nhưng nét nghĩa được sử dụng thông dụng nhất là chỉ hồn người chết hay sự hiện hình của người chết. Chúng tôi cũng sử dụng nét nghĩa này của khái niệm khi tiến tới xác lập một định nghĩa về nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục.

Quỷ:

Từ điển Hán Việt từ nguyên: Quỷ  (bộ quỷ, có 10 nét): người chết hóa thành; Quỷ sứ: những con quỷ vua Diêm vương thường sai khiến [23, 1544].

Hán Việt tự điển Thiều Chửu: Ma, người chết gọi là quỷ [11, 791].

Như vậy, các tự điển Hán Việt không có nhiều phân biệt giữa ma và quỷ. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa rõ hơn: Quỷ: con vật tưởng tượng ở dưới âm phủ, hình thù kì dị và dữ tợn, hay hiện lên quấy nhiễu và làm hại người; Quỷ sứ: quỷ dưới âm phủ, chuyên hành hạ linh hồn những người có tội [38, 1008]. Tất nhiên, sự phân biệt này chỉ mang tính chất tương đối. Trong sử dụng đôi khi không có sự phân biệt rạch ròi ma – quỷ mà ma quỷ hợp lại thành một từ ghép chỉ chung.

Quái, yêu quái, quái vật:

Theo Từ điển Hán Việt từ nguyên: Quái  (bộ tâm, 8 nét): lạ lùng, khác thường; Quái vật: đồ vật hay thú vật lạ lùng không mấy khi trông thấy [23, 1499].

Theo Hán Việt tự điển Thiều Chửu chữ “Quái” mang ba nghĩa:  Lạ (quái sự: việc lạ); Yêu quái; Ngờ hãi [11, 202]. Ở đây chúng tôi sử dụng theo nghĩa thứ hai.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa:

Quái: lạ, rất đáng ngạc nhiên, khó có thể hiểu nổi [38, 989].

Quái vật: con vật tưởng tượng có hình thù quái dị trông đáng sợ và độc ác, hay hại người [38, 990].

Yêu, yêu tinh, yêu ma:

Từ điển Hán Việt từ nguyên:

Yêu  (Bộ nữ, 7 nét): người hoặc vật sống lâu năm, biết biến hóa và hay hại người [23, 2407].

Yêu tinh: những vật quái dị linh thiêng thường dọa nạt hoặc làm hại người [23, 2408].

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ): Yêu là loài tinh quái, thú hay cây cối sống lâu năm biết hiện hình người và giả người để phá quấy thiên hạ.

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê):

Yêu: vật tưởng tượng có hình thù quái dị, chuyên làm hại người [38, 1440].

Yêu quái: quái vật làm hại người [38, 1440].

Yêu tinh: vật tưởng tượng có hình thù quái dị, có nhiều phép thuật và độc ác [38, 1440].

Như vậy, yêu hay yêu tinh, yêu ma đều chỉ những vật quái dị, thường có khả năng biến hóa và hay hại người.

Tinh:

Từ điển Hán Việt từ nguyênTinh  (bộ mễ, 14 nét): thần linh, phần linh thiêng [23, 1795].

Từ điển Tiếng Việt: Tinh: con vật sống lâu năm trở thành yêu quái chuyên hại người, theo tưởng tượng [38, 1233].

Khái niệm này trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục được sử dụng ở cả hai nét nghĩa: chỉ phần linh thiêng trong cây cối, hoa cỏ (Chuyện kì ngộ ở trại Tây) hay loài vật đã sống lâu năm trở thành yêu quái (Chuyện tinh chuột).

Ma quái:

Theo Từ điển Tiếng Việtma quái là “ma và quái vật (nói khái quát); có tính chất bí ẩn, có vẻ khó hiểu đến mức đáng sợ” [38, 747].

Trong luận văn này, chúng tôi quan niệm nhân vật ma quái là một loại nhân vật được miêu tả trong tác phẩm văn học, chúng không phải là người mà là hồn người chết, tinh khí của vật, có khả năng biến hóa thành người, có tính chất bí ẩn, khó hiểu và thường tác động xấu đến con người, khiến con người sợ hãi.

Vì vậy, chúng tôi không xếp vào loại hình nhân vật ma quái những nhân vật cũng là hồn ma của con người nhưng sau khi chết được phong là thần coi giữ đền miếu như Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu), anh em Nguyễn Sinh (Chuyện hai thần hiếu đễ) hoặc được ban chức tước và cho cai trị chúng quỷ một vùng như nhân vật Tướng quân trong truyện Người trần ở Thủy phủ, Văn Dĩ Thành (Chuyện tướng Dạ Xoa), hay những nhân vật cũng là vật đội lốt người nhưng vốn có nguồn gốc từ thần tiên như Ngọa Vân (Chuyện lạ nhà thuyền chài), chàng trai đội lốt dê trong Chuyện chồng dê.

1.2.2. Cơ sở hình thành nhân vật ma quái trong văn học trung đại Việt Nam:

Các tác giả văn học trung đại nói chung và tác giả Thánh Tông di thảoTruyền kì mạn lục nói riêng đều là những nhà nho, thấm nhuần tư tưởng Nho gia. Vậy mà trong khi Khổng Tử “bất ngữ quái, lực, loạn, thần”, các tác giả lại miêu tả một thế giới ma quái phong phú trong tác phẩm của mình? Để lí giải hiện tượng này chúng ta phải tìm về với bản chất của nền văn hóa sản sinh ra những tác phẩm đó. Nhân vật ma quái gắn liền với quan niệm về linh hồn và sự tưởng tượng của con người về một thế giới khác, việc hình thành loại nhân vật ma quái trong truyện truyền kì có nguồn gốc từ trong chính văn hóa Việt Nam.

1.2.2.1. Từ tín ngưỡng dân gian

Như mục 1.1.3 đã đề cập, truyện truyền kì Việt Nam có mối quan hệ khá mật thiết với văn học dân tộc, đặc biệt là văn học dân gian. Đến lượt nó, một số tập truyền kì, như tập truyện của Nguyễn Dữ đã được đón nhận, diễn Nôm và truyền tụng trong dân gian. Những tác phẩm này đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa văn học dân gian – văn học thành văn và tín ngưỡng dân gian.

Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên phong phú, đa dạng, lại là ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người, nhiều luồng văn minh. Trước sự du nhập của các tôn giáo ngoại lai, người Việt không tiếp nhận một cách thụ động mà luôn có sự cải biến cho gần gũi với tư tưởng, tôn giáo bản địa. Vì vậy, ở Việt Nam tồn tại một nền văn hóa đa tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó các tín ngưỡng dân gian vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.

Có thể nói, ý niệm về ma quỷ, ma quái đã hình thành từ rất lâu trong tín ngưỡng và tâm linh người Việt. Có lẽ bởi nó có sự gần gũi đặc biệt với những cảm giác và trăn trở, với nỗi sợ hãi của con người nguyên thủy.

1.2.2.1.a. Thuyết vạn vật hữu linh và tín ngưỡng sùng bái tự nhiên

Phổ biến và cổ xưa nhất, thuyết vạn vật hữu linh (animism – còn gọi là thuyết duy hồn, thuyết vật linh) coi thế giới bên kia là bộ mặt khác của cuộc sống trần gian vì sự sống là một nguyên lý vũ trụ: tất cả vạn vật (đất đá, cỏ cây, sinh vật…) đều có linh hồn.

Sùng bái tự nhiên là lớp tín ngưỡng cổ xưa nhất, là giai đoạn tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người trong đó có người Việt cổ. Trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên thì tự nhiên là cái có trước, con người được sinh ra từ tự nhiên và cần có tự nhiên để sinh tồn, phát triển. Khi mới xuất hiện, loài người cảm thấy mình bé nhỏ, họ vừa sợ hãi vừa tin tưởng vào sự che chở của các thế lực siêu nhiên. Nếu như người phương Tây coi tự nhiên là thù địch, cần phải chinh phục, thống trị và biến đổi tự nhiên thì các nền văn minh phương Đông lại có xu hướng tôn trọng tự nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên. Với người Việt Nam sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước nên sự gắn bó với tự nhiên lại càng dài lâu và bền chặt. Việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hệ quả trong lĩnh vực tư duy là lối tư duy tổng hợp và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần. Người Việt Nam thờ thần Mưa, thần Gió, thần Sấm, Ngọc Hoàng, thần Nước, thần Đất… Không chỉ thế, người cổ đại còn cho rằng con người có nguồn gốc từ tự nhiên. Vì vậy mới có thuyết Bái vật tổ – thờ tổ tiên là vật tự nhiên. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên không phải chỉ có ở Việt Nam mà có ở nhiều nước khác, chẳng hạn như người Ai Cập tôn sùng mèo như thần, người Ấn Độ thờ chuột, người Châu Phi thờ chim vẹt, người Triều Tiên thờ thần ba ba…

Người xưa chủ yếu sống ở rừng, cây cối và thú dữ là những thế lực đáng sợ, luôn đe dọa cuộc sống con người. Sức mạnh bí ẩn của tự nhiên, đặc biệt là những cây cao và những loài vật sống lâu năm (hổ, vượn, cáo, hồ ly…) trong trí tưởng tượng của  người xưa được hình tượng hóa thành những loại yêu tinh, yêu quái có phép lạ và hay hại người. Trong truyền thuyết dân gian chỗ yêu tinh sống thường là các cây cao, vì thế để trừ họa cho dân, Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi đánh, yêu tinh chạy, chuyền từ cây này sang cây khác, Thiên Lôi phải dùng lưỡi búa đánh ba bốn cái mới diệt được. Câu chuyện này dân gian dùng để giải thích hiện tượng sét đánh.

Đến thời trung đại, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên không còn sâu sắc như thời nguyên thủy nhưng vẫn không hoàn toàn mất đi. Và trong tư duy của người Việt, mọi cây cối, loài vật trong tự nhiên đều có linh hồn, thậm chí có quyền phép hoặc ma thuật. Một số yếu tố của tự nhiên ấy sẽ “hóa thân” thành các nhân vật của thể loại truyền kì, trong đó có loại nhân vật ma quái. Trong thế giới nhân vật ma quái ở Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục, có những nhân vật do tinh của động vật (chuột, thuồng luồng…) hay cây cối (hoa) biến hóa mà thành, lại có những nhân vật là yêu thần của các loại kim khí (vàng, bạc…).

1.2.2.1.b. Quan niệm về linh hồn và tín ngưỡng sùng bái con người

Theo quan niệm của một số tôn giáo và nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, con người gồm thể xác (mang tính chất vật chất) và linh hồn (mang tính chất phi vật chất). Khi phần xác chết thì phần hồn sẽ lìa khỏi xác và phần này được gọi là linh hồn. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, nếu linh hồn chưa hoặc không có cơ hội đầu thai mà vẫn ở lại thế giới của người sống thì gọi là ma, hồn ma, quỷ… Sau khi con người chết, các linh hồn đến thế giới người chết bị chia cắt với thế giới người sống bởi sông sâu, biển rộng hoặc lên các tầng trời, nói cách khác là thế giới bên kia – có thể giống hoặc khác thế giới người sống, nhưng cơ bản là một thế giới được tưởng tượng dựa trên thế giới thực. Và có cả những trường hợp xâm nhập qua lại giữa hai thế giới, đó là sự xuất hiện những sinh vật ma quái giữa con người, hay ngược lại là các chuyến thăm viếng âm giới của con người.

Quan niệm về linh hồn thể hiện thái độ tiếp nhận cái chưa biết của một nền văn hóa. Linh hồn, ma quỷ là sự nhận thức thế giới sơ khai của con người. Khoa học có thể không chấp nhận nó nhưng tâm linh thừa nhận nó, với niềm tin vào sức mạnh của một quyền lực không được biết tới nhưng vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta.

Ma hay hồn ma, là một khái niệm trừu tượng, khi nói đến ma người ta thường diễn tả thấy một dáng người trắng bạc, hay một cái bóng lờ mờ, hoặc một đống đen thùi lùi. Chỗ ở của ma là những ngôi mộ, nhưng ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ. Quỷ là một khái niệm đáng sợ hơn. Truyện kể dân gian các nước thường lưu truyền những câu chuyện về những con quỷ giết và ăn thịt người. Đặc biệt là hồn ma những người không sống được hết thời hạn của mình, chưa giải phóng hết năng lượng cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân của việc xuất hiện dấu hiệu độc ác. Ma quỷ có thể có quan hệ yêu đương với con người (và theo qui luật thường để lại cho vật hi sinh những hậu quả tồi tệ).

Từ hai quan niệm trên (ma quái vốn xuất phát từ hồn người chết và ma quái thường có năng lực siêu nhiên có thể giúp người hoặc hại người) dẫn đến những cách ứng xử khác nhau với linh hồn, ma quỷ, yêu quái: kính trọng và sợ hãi. Cả hai thái độ này đều dẫn đến một hành động khá phổ biến trong đời sống tâm linh người Việt: thờ cúng người chết – một biểu hiện của tín ngưỡng sùng bái con người.

Người Việt Nam thờ người có công, thờ ông bà tổ tiên – những bậc có thể hiển linh phù hộ cho đất nước, cho con cháu. Việc thờ cúng này ban đầu xuất phát từ niềm tin tự phát của người dân, đến thời Lý (thế kỉ XI) mới có lệ phân loại và sắc phong những người có công với đất nước thành Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần và giao cho các làng thờ cúng. Nhưng bên cạnh những vị thần đó dân gian vẫn thờ cả linh hồn những người chết đường chết chợ, người chết oan, chết bất đắc kì tử, thậm chí cả những người phạm tội như ăn trộm, ăn cướp, dâm dục, loạn luân. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục có viết: “Ngoài ba bậc thần ấy còn nhiều nơi thờ bậy, thờ bạ, nơi thì thờ thần bán lợn, nơi thì thờ thần trẻ con và thần ăn xin, thần chết nghẹt, thần tà dâm, thần rắn, thần rết… Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân ngu xuẩn tin bậy mà thờ chớ không được vào từ điển, không được phong tặng gì”. Cách cắt nghĩa thông thường cho hiện tượng này là những con người ấy chết vào giờ thiêng nên trở thành những linh hồn hay gây bất an cho xã hội, vì vậy phải thờ cúng để bảo vệ sự an toàn cho xóm làng.  

Chúng ta có thể tìm thấy sự gần gũi trong tín ngưỡng dân gian này của người Việt với một số dân tộc khác trong khu vực. Theo tín ngưỡng đạo Shinto (Thần đạo) ở Nhật Bản, tất cả mọi người đều có một linh hồn gọi là reikon. Khi một người chết đi, linh hồn sẽ rời khỏi thể xác và kết hợp với các linh hồn của tổ tiên. Khi một người đột nhiên bị ám sát, bị chết trong các trận chiến, tự tử, hoặc khi anh ta hay cô ta không được chôn cất đàng hòang, reikon có thể trở thành một yuurei tìm cách trả thù. Nhiều yuurei là các ma nữ, là người đã trải qua sự đau khổ tồi tệ trong cuộc đời từ tình yêu, lòng ganh ghét, nỗi đau khổ do mất mát, hay từ nỗi ân hận.

Tuy nhiên, dưới tín niệm phổ biến trong dân gian, những vong hồn cô độc (cô hồn) do không có người tế tự bị đói khát, lạnh lẽo nên thường lang thang vơ vẩn trên trần thế, gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ. Trong tín ngưỡng dân gian, người ta thường dùng các loại bùa chú, máu chó, tỏi, củ hành, cây dâu… để trừ ma. Người trừ ma thường là các pháp sư Đạo giáo hoặc Phật giáo. Viết trên giấy là loại bùa phổ biến nhất. Bùa còn được viết trên giấy vàng xếp nhỏ lại trong bọc vải, kết với hai đầu dây ngũ sắc se lại, đeo trên cổ như dây chuyền (thường dùng cho trẻ con) có tác dụng cầu bình an, chống lại ma quỷ. Loại bùa này có khi được đốt lên lấy tro pha với “nước thánh” để uống chữa bệnh.

Loại nhân vật có nguồn gốc từ linh hồn người chết là loại nhân vật ma quái chiếm số lượng đông đảo nhất trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục. Đa số những nhân vật thuộc loại này đều reo rắc tai họa, gây hại cho con người nên đều bị diệt trừ.

1.2.2.2. Từ tôn giáo

Tìm về với tôn giáo, chúng ta càng thấy sáng rõ nguồn gốc của quan niệm về ma quái. Một hiện tượng đặc biệt trong văn hóa các nước Đông Á nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng trong suốt thời kì trung đại là hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” – ba tôn giáo cùng tồn tại và phát triển song song, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Đó là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (hay Lão giáo), trong đó, Nho giáo đóng vai trò chủ đạo, giải quyết những vấn đề xã hội còn Phật và Lão giáo chủ yếu thuộc lĩnh vực tâm linh. Tuỳ thời, có cái đậm cái nhạt, nhưng bộ ba này gắn bó rất lâu bền trong tư tưởng và văn học của các quốc gia chịu ảnh hưởng của Hán học. Các tác giả truyền kì Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo này. Những cuộc hành trình của tư tưởng tam giáo trong mỗi cuộc đời nhà văn để viết ra các tác phẩm truyền kì có khác, nhưng chúng đã có những gặp gỡ thú vị tại điểm hẹn tâm linh đã được con người kí thác vào văn học.

1.2.2.2.a. Phật giáo

Khái niệm ma quỷ vốn có nguồn gốc từ Phật giáo. Kinh Bát Đại Nhơn Giác nói đến bốn loại ma, đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma  tử ma. Bốn loại ma này, làm chướng ngại cho người tu hành rất lớn. Trong đó có ảnh hưởng đến sự hình thành loại nhân vật ma quái trong truyện truyền kì phải kể đến ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma.

Ngũ ấm ma gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Năm thứ này vốn không thật có mà người ta cố chấp cho là thật có, rồi từ đó mà tạo nghiệp thọ khổ nên gọi là ma. Trong kinh Phật ma tượng trưng cho dục vọng, ham muốn, không chỉ là những dục vọng hiển hiện mà còn những thèm khát tiềm ẩn bên trong, thuộc về bản năng con người. Phật học đặc biệt nhấn mạnh đến con ma Ái dục (Kâma). Con ma ấy là một thứ bản năng, hiển hiện một cách tuyệt đẹp, hiến dâng cho ta những ảo giác biến động kèm theo mọi thứ lạc thú của thế tục. Ma không bao giờ chú ý đến hậu quả nó tạo ra. Nó rất hào phóng, cho không tiếc tay, tham bao nhiêu nó cũng cho, yêu bao nhiêu nó cũng khuyến khích thêm. Ma cho ta lạc thú, nhưng đồng thời cũng tập cho ta thèm khát lạc thú, khiến ta bị lệ thuộc và bị kích động bởi lạc thú.

Thiên ma là loại ma vương ở cõi trời Dục giới. Chúng có khả năng biến hóa quấy phá nhiễu loạn làm trở ngại sự tiến đạo của hành giả vì bọn chúng không muốn cho ai thoát khỏi ngũ dục. Vua các loài Thiên malà Ma vương. Hình ảnh Ma vương và Diêm vương có nét tương đồng, gần gũi.

Tử ma là ma chết. Con người sau khi chết thành loài ma quái yêu tinh khuấy nhiễu làm người ta sợ hãi sinh bệnh… Hoặc người đang tinh tấn tu hành, bỗng bị vô thường xảy đến bệnh hoạn hay tai nạn rồi ngã ra chết làm trở ngại, dở dang sự tu hành đó cũng thuộc về tử ma.

Cũng theo Phật giáo, ma gọi đúng hơn là Ngạ quỷ, một trong lục đạo luân hồi, xếp trên Súc sanh và Địa ngục. Ngạ quỷ (Pettivisaya) không phải là ma quỷ vô hình, chúng có sắc thân nhưng mắt người không thể thấy được. Loài Ngạ quỷ có hai nơi ở, một là nước Diêm La của nó, hai là sống trên dương gian cùng với người, vì vậy người ta hay nói đi đêm có khi gặp quỷ. Chúng sống ở nhiều nơi khác nhau: nhà dân, rừng núi, hang động hay các chỗ nhớp nhúa. Chúng không có cảnh giới riêng và luôn luôn bị đói khát.

Tư tưởng luân hồi đầu thai chuyển kiếp, niềm tin vào con người có nhân duyên quả nghiệp của Phật giáo cũng góp phần vào việc hình thành nhân vật ma quái trong truyện truyền kì Việt Nam. Luân là bánh xe, hồi có nghĩa xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một tượng trưng rất rõ ràng, mà đức Phật đã dùng để ví cho sự lên xuống xoay vần của chúng sanh trong lục đạo. Tất cả loài hữu tình đều theo luật sanh, trụ, dị, diệt, sự sống chết mãi tiếp nối như bánh xe lăn không biết khi nào cùng tận. Chết không phải là hết mà chỉ là một khâu trong bánh xe luân hồi. Sau khi chết con người sẽ đầu thai thành kiếp khác, có thể vẫn là người, có thể không phải là người. Những nhân mà con người gieo ở kiếp này có thể gặt ở kiếp sau. Hiện tượng đầu thai chuyển kiếp cũng là một trong những nguồn gốc của nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục.

Như vậy, Phật giáo đã chỉ ra nguồn gốc của ma quỷ, đặc biệt nhấn mạnh vào tác hại của ma quỷ. Phật giáo, bổ sung cho tín ngưỡng dân gian, cho thấy ma quái không chỉ có nguồn gốc từ linh hồn người chết mà từ chính những dục vọng trong tâm thức chúng ta. Rất nhiều nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục như yêu nữ Châu Mai, hồn ma Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ… chẳng phải chính là biểu tượng cho những khao khát, dục vọng trần thế ấy? Kinh Phật cũng chỉ Phật có thể diệt trừ ma quái. Tất cả những điểm trên đều thấp thoáng trong hình bóng nhân vật ma quái ở Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục.

1.2.2.2.b. Đạo giáo

Ma quái cũng xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ), phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh huởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.

Đạo giáo chia không gian hoạt động của con người thành ba thế giới: “Trên là tiên, giữa là người, dưới là quỷ. Người thiện được hóa thành tiên, tiên bị biếm trích lại trở thành người, người ác bị hóa thành quỷ, quỷ làm điều phúc lại trở thành người. Quỷ bắt chước người, người bắt chước tiên, xoay vòng qua lại, cứ vậy mà suy. Đấy là sự cách biệt nho nhỏ giữa cõi u và cõi hiển” (Đào Hoằng Cảnh: Chân cáo) [58]. Như vậy, dẫu phân thành ba thế giới nhưng giữa người và tiên, quỷ và người có thể hóa thân, chuyển hóa lẫn nhau. Và giữa cõi u với cõi minh chỉ có sự cách biệt nho nhỏ. Cho nên tư tưởng Đạo giáo sẵn sàng thu nhận những chuyện kì thú, thần tiên, ma quái.

Người và vật cũng có thể có sự chuyển hóa. Trong Tề vật luận Trang Tử viết: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất” (Trời đất với ta cùng sinh ra; vạn vật với ta là một). Cũng trong sách này, Trang Tử đã kể lại tích Trang Chu mộng hồ điệp (Trang Chu mộng thấy mình thành bướm) rồi kết luận: “Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư? (…) Thử chi vị vật hóa” (Chu mộng thấy biến thành bướm, hay bướm mộng thấy biến thành Chu? (..) Đó gọi là sự chuyển hoá qua lại giữa sự vật). Với quan điểm “vật hóa”, Trang Tử đã “đem lại sắc thái mộng ảo cho ngụ ngôn của ông” [2, 47]. Chính Trang Tử cũng là tác giả của những nhân vật “hoang đường không có trong hiện thực, các loài ma như Võng Tượng, Quỳ…” [2, 46]. Truyện truyền kì đã tiếp thu sắc thái mộng ảo ấy của Đạo giáo mà sáng tạo nên những chuyện thần tiên, ma quái.

Có thể làm cho thể xác và linh hồn trường thọ là ước vọng lớn nhất của tín đồ Đạo giáo. Bên cạnh hình thức tu tiên, còn một dạng thức nữa: sau khi chết, hóa thành vật khác. Đạo giáo tin rằng người sau khi chết chẳng những có thể biến thành những giống có sinh mệnh mà còn có thể biến thành những thứ không có sinh mệnh như cát, đá… Thiên Hoàng bạch quyển sách Bão Phác tử có nói: “Người là giống tối linh, nhưng nam nữ hình dạng khác nhau, hóa thành hạc, thành đá, thành hổ, thành vượn, thành cát, thành ba ba lại không phải ít”. Biến hình là một thủ pháp nghệ thuật thường thấy trong ngụ ngôn Trang Tử: Côn hóa Bằng, Trang Chu hóa  bướm, đầu lâu khô hóa linh hồn… Chúng ta có thể bắt gặp quan niệm này trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục ở những hình tượng nhân vật sau khi chết hóa thành hồn ma như Nhị Khanh, Trình Trung Ngộ, Đào Hàn Than, Thị Nghi… hay sự hóa thân của loài cáo và vượn trong Truyền kì mạn lục. Đấy đều là những nét bút tài tình, lãng mạn trong việc xây dựng hình tượng nhân vật.

1.2.2.2.c. Nho giáo

Kinh sách Nho giáo không bàn nhiều về ma quỷ hay yêu quái. Nhà nho xem đó là những chuyện mê tín không đáng bàn. Trong Nho giáo chỉ có khái niệm quỷ thần nói chung. Quỷ thần vốn không có gì khác hơn là cái khí được kết tụ của trời đất. Do tiếp thu yếu tố tôn giáo của Phật, Lão, Nho giáo cũng đưa ra thế giới thần linh, gồm: Thánh, Thần, Quỷ… Theo đó, con người khi chết đi, Khí tiêu tan. Phần xác thịt sẽ tan biến vào đất tạo ra Quỷ;  Lý bay lên trời toả sáng tạo ra Thần.

Nho giáo xem việc quỷ thần là việc sâu xa u ẩn, người ta không thể lấy mắt thường mà xem thấy, không thể lấy ý thức thường mà đo lường, chỉ nên lấy lòng thành kính đối với quỷ thần là đủ. Khổng Tử nói: “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi” (Cốt yếu là làm việc nghĩa cho dân, còn việc quỷ thần thì hãy nên kính cẩn mà tránh xa – Luận Ngữ). Nho giáo dạy con người kính sợ quỷ thần, thờ cúng quỷ thần nhưng chỉ để cầu phúc: “tế Thần như Thần tạ” (cung kính Thần như sinh ra Thần). Sau này, Mạnh Tử đưa yếu tố duy tâm khách quan vào, củng cố quan niệm về linh hồn, thần, quỷ, con người có số mệnh…

Ở nước ta mọi tập tục, lễ nghi trong tang ma đều theo sách Nho giáo, có pha trộn một ít lễ nghi Lão giáo (yểm bùa người chết, cầu hồn, lễ tạ, đàn chay…). Dưới triều Trần, vua Trần Nhân Tông đã đi khắp nước, xem xét phong tục dân tình và chính nhà Vua đích thân ra lệnh phá hủy những đền miếu dâm thần, nữ quái trong khắp cả nước theo đúng tinh thần truyền thống của nhà Nho: Chánh và Tà, không thể lẫn lộn đứng chung.

Dương vốn là dương, âm vốn là âm, đâu có cái lý thần, người lẫn lộn;

Tà vẫn ở tà, chính vẫn ở chính, có bao giờ ma thánh đứng chung!

Bọn tà ma ấy

Gần ly sở ta

Hồn nương miếu nát luôn gây họa cho con trẻ đàn bà

Dấu dựa cõi trần, chuyển thành tai cho là lũ người ngu xuẩn.

 (Đặng Huy Trứ)

Theo Đặng Huy Trứ sở dĩ có chuyện nhập hòa lẫn lộn giữa dương và âm, chánh khí và tà khí, thánh thần thiêng mà ma quỷ cũng thiêng, là do bởi cái gốc lâu đời khó cải hóa xuất phát từ lòng tin tưởng mù quáng của đa số dân chúng và đàn bà con trẻ ít học, thiếu hiểu biết. Các nhà nho có đề cập đến chuyện ma quái đa số chịu ảnh hưởng từ Phật giáo và Đạo giáo:

Cổ tới nhẫn nay,

Sinh thì có hóa.

Ấy vậy: Hồn là thần, phách là quỷ.

      (Lê Thánh Tông, Thập giới cô hồn Quốc ngữ văn, Bài Mở đầu)

Có thể thấy, nếu Nho giáo chỉ có thể chấp nhận một thực tại duy nhất, đơn điệu, nhỏ hẹp, quen thuộc thì Phật giáo và Lão giáo có khả năng tiếp cận với nhiều thực tại khác nhau, tuy con người không phải dễ dàng trông thấy. Điều đó giải thích tại sao các tác giả truyền kì đều là nhà nho nhưng sáng tác của họ ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo. Mà trong việc xây dựng nên thế giới ma quái thì phần ảnh hưởng này khá đậm nét. Người biên soạn cuốn Đường đại truyền kì đã chỉ ra một trong những nguyên nhân hình thành truyện truyền kì đời Đường là sự phát đạt của Phật giáo và Đạo giáo, đặc biệt là về mặt “giải phóng tư tưởng và sức tưởng tượng” [40, 9]. Tuy vậy, phần lời bình cuối mỗi truyện trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục thì lại được viết từ góc độ luân lí Nho giáo hoặc luân lí phổ biến. Trong đó, các tôn giáo và tín ngưỡng trong các truyện dường như không được chú ý và đánh giá đúng mức: “Theo về dị đoan chỉ là có hại” (Nho giáo coi các học thuyết không phải đạo Nho đều là “dị đoan”), “Than ôi! Cái thuyết nhà Phật thật là vô ích mà có hại quá lắm. Nghe nói năng thì từ bi quảng đại, tìm sự ứng báo thì bắt gió mơ hồ”. Tuy nhiên, trong các câu truyện, những hé mở của cuộc sống kì bí là không ít, và dường như chúng hiện diện ngoài chủ định của nhà nho Thánh Tông, Nguyễn Dữ hay các tác giả truyền kì khác.

1.2.2.3. Từ bản chất thể loại truyền kì

1.2.2.3.a. Cái Kì – đặc trưng của thể loại

Cơ sở lớn nhất, quan trọng nhất cho việc hình thành loại nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục nằm ở chính đặc trưng, bản chất của thể loại. Đúng như tên gọi, tác phẩm truyền kì được xem là loại truyện “kì văn dị sự” chứa đựng những tình tiết li kì, quái dị mà tiêu biểu nhất chính là môtip ma quái. Một tác phẩm truyền kì bao giờ cũng phải có trong nó “môtip kì quái, hoang đường lồng trong một cốt truyện sinh hoạt thế sự hoặc đời tư” [1, 642].

Xưa nay các thể loại văn chương đích thực đều có những đặc thù trong quan niệm về tự nhiên, xã hội và con người. Trong văn xuôi Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại, truyện truyền kì là thể loại có nhiều khác thường nhất về các phương diện trên, mặc dầu đại đa số tác giả của nó là nhà nho, những người mà tư duy duy lí ngự trị. Bản chất của thế giới, sự tồn tại của con người và mối quan hệ của nó với thế giới xung quanh, ranh giới giữa hữu hạn và vô hạn…là những câu hỏi đã cũ và đã từng được tìm hiểu trong suốt chặng đường phát triển của tư tưởng và văn học các dân tộc. Nhưng đó là những câu hỏi đặc biệt, vì chúng đã chưa bao giờ có thể được giải đáp thoả đáng bằng triết học, bằng tôn giáo, và vì thế, luôn luôn cần những lời giải mới. Những tác phẩm truyền kì đã được hình thành từ những niềm băn khoăn dằng dặc, những say mê, hiếu kì muốn tiếp cận với cái đã từng được xem như là không thể. Người ta sống trong đời sống tầm thường nhạt nhẽo, nên cái kì mở ra một thế giới khác, ghê rợn hay đẹp đẽ khác thường. Quái dị trở thành cái thu hút người ta, bằng sự sợ hãi, hồi hộp mà cuộc đời thường không có được. Ở thể loại này thế giới siêu hình tồn tại đan xen với thế giới thực của con người, được sáng tạo nên bằng sự mô phỏng thế giới thực. Đồng thời, với trí tưởng tượng phóng túng các tác giả của thể loại này còn sáng tạo nên thế giới khác so với thế giới hiện sinh. Đây không phải là đặc điểm độc hữu của thể loại truyền kì nhưng quả thật trong văn học trung đại không thể loại nào có thể sánh được với truyền kì về mặt này.

1.2.2.3.b. Ảnh hưởng của các tác giả, tác phẩm truyền kì Trung Quốc

Ảnh hưởng của các tác giả, tác phẩm truyền kì Trung Quốc đến sự hình thành loại nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục nói riêng và truyền kì Việt Nam nói chung đầu tiên cũng thể hiện ở quan niệm về thể loại. Hồng Mại, trong lời tựa Dung trai tùy bút khẳng định yếu tố quỷ vật chính là đặc trưng cơ bản của truyền kì đời Đường “quỷ vật giả thác dĩ tác hiếu kì” – lấy nhân vật là ma quỷ để gợi tính hiếu kì. Trong lời tựa Tiễn đăng tân thoại, Lăng Vân Hàn cho rằng nội dung sách mang nét đặc trưng là “thuật kì kí dị” – thuật điều kì lạ, ghi sự khác thường. Thang Hiền Tổ đời Minh, trong lời tựa sách Điểm hiệu Ngu sơ chí đã tổng kết lại, truyền kì đời Đường mang các yếu tố: phi tiên – tiên bay, giai dã – người đẹp trang điểm, hoa yêu mộc mị – hoa biến thành yêu, cây biến thành ma, ngưu quỷ xà thần – trâu biến thành quỷ, rắn hóa ra thần. Quan niệm về đặc trưng thể loại như trên, thông qua các tập truyền kì Trung Quốc được lưu truyền sang Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm và sáng tác của các tác giả truyền kì, trong đó đầu tiên phải kể đến là Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ.

Không chỉ dừng lại ở quan niệm sáng tác, ảnh hưởng của truyện truyền kì Trung Quốc đối với việc hình thành nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục còn phải kể đến hệ thống môtip, cốt truyện, thậm chí cả hình tượng nhân vật. Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục đã vay mượn không ít những cốt truyện và mô tip của truyền kì Trung Quốc trong đó có những mô tip về nhân vật ma quái như nằm mộng xuống âm phủ, người lấy ma, hàng phục yêu quái, biến hóa khôn lường. Mô tip hóa thân, biến dạng của nhân vật ma quái xuất hiện rất nhiều trong truyện truyền kì đời Đường. Một câu chuyện Ghi chép về chiếc gương cổ của Vương Độ đã liệt kê ra không biết bao nhiêu dạng yêu quái biến hóa thành người từ hồ ly, rùa đen, vượn trắng, giao long (cá), sói, chuột, thạch sùng… Chuyện người gặp gỡ, ân ái với ma, hồ ly, yêu quái… cũng là mô tip đặc trưng của truyền kì đời Đường. Nàng Nhậm Thị (Truyện nàng Nhậm Thị) chẳng phải là hồ ly hóa thành người rồi kết duyên cùng Trịnh lục đó sao? Thế giới quỷ sứ được miêu tả trong nhiều truyện ở Truyền kì mạn lục có điểm gần gũi với Tiễn đăng tân thoại. Tất nhiên yếu tố này không phải chỉ chịu ảnh hưởng của truyền kì Trung Quốc mà còn do những tương đồng trong tín ngưỡng dân gian của cả hai dân tộc.

Một số nhân vật ma quái trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục có nguyên mẫu từ truyền kì Trung Quốc như hồn ma Nhị Khanh, Trình Trung Ngộ (Chuyện cây gạo) có nguyên mẫu từ hồn ma hai nhân vật Lệ Khanh, Kiều Sinh trong Mẫu đơn đăng ký (Tiễn đăng tân thoại).

1.2.2.3.c. Quan niệm sáng tác của các tác giả truyền kì Việt Nam

Quan niệm sáng tác của các tác giả truyền kì Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc trưng của thể loại và ảnh hưởng của truyền kì Trung Quốc.

Như trong lời tựa Thánh Tông di thảo có viết: “Khổng Tử không bao giờ nói những truyện quái dị, thần kì vì những truyện ấy mắt không trông thấy, mọi người sinh ra ngờ vực. Nhưng thử nghĩ xem: trong bốn bể, biết bao núi thẳm, đầm to, thì những truyện quái dị, thần kì kể sao hết được?” Cho nên Sơn Nam Thúc khi bình luận về Chuyện chồng dê trong Thánh Tông di thảo đã viết: “Trong khoảng trời đất, hết thảy giống bay, giống lặn, giống chạy, giống náu tuy là vật mà không phải là vật. Những giống ấy hoặc là duyên xưa chưa hết, hoặc vì oán cũ chưa tan, có khi đội lốt để tìm nhau, có khi thoát hình biến hóa (…) Ta nên lựa tâm xét kỹ, không nên coi giống vật là vật”.

Nguyễn Dữ cũng có quan niệm như vậy: “Nay ta bảo cho anh biết: trong khoảng trời đất báo ứng luân hồi, chỉ có hai loại thiện và ác. Người chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế Đình; người hay làm ác, không đợi đến chết, án đã thành ở Địa Phủ” (Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào).

1.2.3. Hình tượng nhân vật ma quái từ văn học dân gian đến văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam

Cũng như các nền văn học, văn hóa khác trên thế giới, hiện tượng ma quỷ, nhân vật ma quỷ xuất hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam. Những câu chuyện dân gian về các linh hồn và ma quỷ nằm trong số những thể loại dân gian ra đời sớm, có hiệu suất cao và không bị mất đi tính thực tế. Sự tồn tại của chúng vẫn tiếp diễn ngay từ thưở ban đầu của các truyền thống viết truyện và không bị ngắt quãng trong quá trình phát triển. Từ văn học dân gian đến văn học thành văn với hơn một nghìn năm phát triển, nhân vật ma quái vẫn thường xuyên góp mặt và để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức người đọc, người nghe.

1.2.3.1. Nhân vật ma quái trong văn học dân gian

1.2.3.1.a. Nhân vật ma quái trong truyện kể dân gian

Có lẽ nhân vật ma quái xuất hiện đầu tiên là trong các thần thoại khi tư duy con người còn rất nguyên sơ. Tất cả những gì người nguyên thủy không giải thích được đều cho đấy là việc làm của thần hay ma quái. Nếu thần linh là lực lượng tạo nên các hiện tượng tự nhiên và cứu trợ cho con người thì ma quái lại là những lực lượng gây hại cho con người. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập), Nguyễn Đổng Chi dành hẳn phần VII (ông phân truyện cổ tích Việt Nam thành 10 loại) để kể truyện Thần tiên, ma quỷ và phù phép. Phần này gồm 24 truyện (từ truyện 116 đến truyện 139), trong đó có 6 truyện có sự xuất hiện các nhân vật có thể xếp vào loại nhân vật ma quái như thành hoàng Ma-la (truyện Hà Ô Lôi), Từ Vinh (truyện Từ Đạo Hạnh), con tinh (Chàng đốn củi và con tinh), ba con quỷ (Người học trò và ba con quỷ), bọn quỷ (Hai cô gái và cục bướu), mụ Chằng (Người thợ săn và mụ Chằng)… Ngoài ra, khảo sát những phần khác, chúng tôi thấy, yếu tố ma quái vẫn xuất hiện, chẳng hạn như Người cưới ma (Ở phần IX: Tình yêu và nghĩa vụ); Thạch Sanh chém chằn tinhSự tích cây huyết dụ, Tinh con chuột, Âm dương giao chiến… đều thấp thoáng bóng dáng của ma quỷ, yêu tinh… tham gia vào.

Nhân vật ma quái cũng xuất hiện nhiều trong truyện cổ các dân tộc ít người. Theo số liệu nghiên cứu trong báo cáo tổng kết đề tài Tìm hiểu thế giới nhân vật kì ảo trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc ít người Việt Nam [13], khảo sát trên 150 truyện cổ tích của các dân tộc thì số lượng nhân vật ma quái là 54 nhân vật với tần số xuất hiện là 127 lần. Đây là những con số không nhỏ, nói lên sự phổ biến của loại nhân vật ma quái trong truyện cổ dân gian Việt Nam.

Ma quái trong truyện cổ dân gian xuất hiện chủ yếu như một loại nhân vật chức năng, chưa phải nhân vật có hành động, cảm nghĩ thực sự. Ma quỷ, yêu tinh đều là những nhân vật đại diện cho cái ác, có chức năng gây khó khăn, cản trở, đe dọa cuộc sống con người, thậm chí là cướp đi mạng sống của con người. Chỉ có hồn ma con người trong một số trường hợp (hồn ma người mẹ, người cha, người chị, người vợ,…) là đại diện cho cái thiện, thường hiện ra trong giấc mộng, giúp đỡ những con người có hoàn cảnh khổ đau, bất hạnh. Điều đặc biệt ở nhóm nhân vật hồn ma con người này đa số là nữ giới. Những nhân vật này thường xuất hiện để giúp đỡ những chàng trai, người học trò có mơ ước thi đỗ, mong muốn thành danh trên con đường khoa cử và thỏa mãn ước nguyện yêu đương, hạnh phúc. Đây lại là một điểm tương đồng với nhân vật ma quái trong truyện truyền kì sau này.

Ma quái trong truyện cổ sẽ bị diệt trừ, nhiều khi do chính con người khuất phục. Bọn quỷ trong truyện Những con quỷ chó đã bị người học trò vốn chỉ là một chàng thư sinh suốt đời chỉ quen cầm bút đánh cho thảm hại đến hai lần. Cũng thế, các cuộc chiến giữa mụ Chằng và người thợ săn trong truyện cổ tích Người thợ săn và mụ Chằng, giữa người học trò và ba con quỷ trong truyện cổ cùng tên phần thắng cuối cùng bao giờ cũng thuộc về con người. Tinh thần này cũng sẽ được các thể loại văn học viết trung đại, trong đó có thể truyền kì tiếp thu.

Thể loại truyện cười, dân gian kể chuyện thầy pháp đi cúng đuổi ma ở làng bên, khi thầy về, bị bà vợ giả làm ma trơi, chọc thầy, thầy quăng cả oản xôi, tay nãi, bỏ chạy mà mồm vẫn “Úm ba la! Úm ba la, ma đuổi thầy!

Xin đề cập tách riêng ở đây một thể loại đặc biệt: truyện ma. Bởi nó đánh vào tâm lí sợ hãi và sự tò mò của con người nên loại truyện này có một sức hấp dẫn kì lạ: người ta sợ nó nhưng lại rất thích nghe kể nó. Loại truyện này có sự hấp dẫn mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Trên khắp đất nước Việt Nam không vùng nào không lưu truyền những câu chuyện ma, thậm chí từng ao hồ, sông suối, từng bụi tre, gốc đa… đều mang trong mình bao nhiêu câu chuyện ma quái. Chính vì vậy nên loại truyện này được lưu truyền rất nhiều trong dân gian.

Những sáng tác dân gian, văn học nhiều thế kỉ của dân tộc cũng là suối nguồn cung cấp cho Nguyễn Dữ rất phong phú những cốt truyện, môtip, chi tiết ly kì (lấy vợ kì dị, hồn ma hiện hình, người bị ma làm, loài vật thành tinh, sự trừng phạt của Diêm vương…).

1.2.3.1.b. Nhân vật ma quái trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, từ ma, quỷ, ma quái được dân gian dùng khá phổ biến và sử dụng với nhiều nét nghĩa đa dạng, không chỉ dừng lại trong nội hàm của từ điển. Tả người xấu thì nói “xấu như ma” hoặc xấu đến nỗi “ma chê quỷ hờn”, người lười tắm gội, dân gian so sánh với ma “bẩn như ma lem”, một việc làm vụng trộm khéo léo đến mức không để lại dấu vết gì được dân gian ví như “ma ăn cỗ”, dùng phê phán hạng người hay chọc ghẹo, không đứng đắn có thành ngữ “ma chê quỷ chọc”. Để chỉ cảnh hoang vu, mông quạnh người ta nói nơi ấy là chốn “ma thiêng nước độc”, có khi đưa cả địa danh vào một cách hẳn hoi: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Đặc biệt, dân gian đồng bằng Bắc Bộ đã khái quát lại những nơi sinh sống của ma quái trong câu “thần cây đa, ma cây gạo”. Đây có lẽ là một gợi ý cho Nguyễn Dữ để dân tộc hóa một cốt truyện vay mượn văn học nước ngoài (Chuyện cây gạo).

Xã hội xưa có những người chuyên làm nghề trừ tà, yểm quỷ. Hình ảnh những tay pháp sư “bói ra ma quét nhà ra rác” xuất hiện trong tiếng cười mỉa mai: “Sống thì thầy cứu người ta / Đến khi thầy ốm chẳng ma cứu thầy”. Kẻ cầm quyền trị dân hay đi đêm thì có khác gì là người của thế giới cõi âm: “Ban ngày quan lớn như thần / Ban đêm quan lớn tần mần như ma”…

Ma cũng xuất hiện trong ca dao hài hước:

Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi

Tiên ở với cú, người cười với ma

   Thân anh như ngọc như ngà

Vợ anh ở nhà như thể ma trơi.

1.2.3.2. Nhân vật ma quái trong văn xuôi tự sự trung đại

Những tác phẩm văn xuôi đầu tiên thời trung đại như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập chịu ảnh hưởng khá lớn của truyện dân gian. Trong các sách này có chép lại nhiều truyện về công tích của các vị thần, các anh hùng giúp dân diệt trừ yêu quái như Lạc Long Quân diệt trừ Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh… để cứu dân, thần Kim Quy giúp An Dương Vương diệt trừ gà tinh để dựng Cổ Loa Thành. Tuy nhiên, loại nhân vật ma quái xuất hiện chưa nhiều và nhìn chung về nhiều phương diện vẫn giống với những nhân vật chức năng như trong văn học dân gian.

Nhân vật ma quái trong văn học trung đại chỉ thực sự gây ấn tượng bắt đầu từ thể loại truyền kì. Trong truyện truyền kì chúng ta bắt gặp rất nhiều môtip kì ảo có liên quan đến nhân vật ma quái như nằm mộng đi xuống âm phủ, người lấy ma, hàng phục yêu quái, luân hồi báo ứng, tu luyện thành tiên, thi thố pháp thuật, kêu mưa gọi gió, biến hóa khôn lường, … Bên cạnh Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục – đối tượng nghiên cứu của luận văn có thể kể ra những tập truyền kì tiêu biểu như Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề, đầu thế kỉ XVIII); Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm, thế kỉ XVIII); Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh, cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX), Tân truyền kì lục (Phạm Quý Thích, thế kỉ XIX) và hàng trăm truyện khác có sự tham gia của các yếu ma quái. Có thể kể đến: Dì ghẻ bị quả báo, Khách chôn của (Nam thiên trân dị tập – Khuyết danh); Ma trành, Ma thắt cổ, Hài cốt nữ hiệp dưới gốc hồng mai (Vân nang tiểu sử – Phạm Đình Dục); Thác oan (Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ)…

Truyện truyền kì nói về ma quái nhưng kì thực là nói chuyện con người nên nhân vật ma quái trong truyện truyền kì hiện lên sinh động, cũng có tình cảm, hành động, suy nghĩ. Những vấn đề này sẽ được chúng tôi triển khai cụ thể trong các chương sau.

Như vậy, ma quái là sản phẩm của trí tưởng tượng của dân gian (thuyết vạn vật hữu linh, quan niệm về linh hồn, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và con người) và các tôn giáo (Nho – Phật – Đạo). Ma quái là loài quỷ sứ chốn âm phủ, là hồn người chết chưa được đầu thai mà vẫn vương vất trên trần gian hay những lực lượng tự nhiên có tính chất bí ẩn, có vẻ khó hiểu đến mức đáng sợ, thường xuyên đe dọa cuộc sống con người. Có cả một thế giới nhân vật ma quái phong phú từ văn học dân gian (thần thoại, cổ tích, ca dao …) đến văn xuôi trung đại Việt Nam. Tuy nhiên trong các tác phẩm đó ma quái chủ yếu xuất hiện như một loại nhân vật chức năng. Ma quái chỉ thực sự trở thành nhân vật văn học được tác giả dụng tâm xây dựng và mang chiều sâu tư tưởng với thể truyền kì (mà mở đầu là Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục) bởi loại nhân vật này rất phù hợp với bản chất của thể loại.

Truyền kì là một thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại, một “đặc sản” của văn học kì ảo Đông Á với đặc trưng là sự kết hợp giữa yếu tố kì và yếu tố thực trong hạt nhân cốt truyện và nhân vật. Trong quá trình phát triển của truyền kì Việt Nam, Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục giữ vai trò đặc biệt, là bước đột khởi và cũng là đỉnh cao của thể loại.

Trích từ “Nhân vật ma quái trong Thánh Tông Di Thảo và Truyền Kì Mạn Lục” – Đặng Thị Thanh Ngân

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ An

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lại Nguyên Ân (chủ biên) (2001), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỉ XIX, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  2. Trần Lê Bảo (2002), Giáo trình Văn học châu Á 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Phan Kế Bính (2006 – tái bản), Việt Nam phong tục, NXB Văn học, Hà Nội.
  4. Đỗ Hữu Châu (2007), Đại cương Ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  5. Nguyễn Đổng Chi (1958), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Namquyển II, NXB Văn – Sử – Địa.
  6. Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam(5 tập), NXB Văn học, Hà Nội.
  7. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam(tập 2, tập 3), NXB Giáo dục, Hà Nội.
  8. Nguyễn Huệ Chi (2003), “Mấy đặc trưng loại biệt của văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX”, Tạp chí Văn học, số 5.
  9. Trần Bá Chí (2006), “Về sáchThánh Tông di thảo, Tạp chí Hán Nôm, số 5.
  10. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
  11. Thiều Chửu (1998), Hán Việt tự điển, NXB tp Hồ Chí Minh.
  12. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Văn học, Hà Nội.
  13. Nguyễn Thị Dung (2011), Tìm hiểu thế giới nhân vật kì ảo trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc ít người Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  14. Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỉ XX – những vấn đề lịch sử và lí luận, Chương Truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  15. Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (1970), Việt Nam tự điển,Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
  16. JA Gurevich (1996), Các phạm trù văn hóa trung cổ, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  17. Mai Xuân Hải (biên soạn) (1998), Lê Thánh Tông – thơ văn và cuộc đời, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
  18. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  19. Nguyễn Thị Việt Hằng (2006), Nghiên cứu giá trị nội dung và nghệ thuật của Thánh Tông di thảo, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  20. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2003), Từ điển văn học (Bộ mới),NXB Thế giới, Hà Nội.
  21. Cù Hựu, Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại – Truyền kì mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội.
  22. Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  23. Bửu Kế (1999), Từ điển Hán – Việt từ nguyên, NXB Thuận Hóa, Huế.
  24. Đinh Thị Khang (2007), “So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong “Tiễn đăng tân thoại” và “Truyền kì mạn lục”, Tạp chí Văn học, số 4.
  25. Toàn Huệ Khanh (2004), Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kì Hàn Quốc – Trung Quốc – Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục,NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  26. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1997), Văn học Việt Nam (Thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII), NXB Giáo dục, Hà Nội.
  27. Lê Kinh Khiên (1980), “Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian – văn học viết”, Tạp chí Văn học, số 1.
  28. Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
  29. Kawamoto Kurive (1996), “Những vấn đề khác nhau liên quan đến Truyền kì mạn lục”, Tạp chí Văn học, số 6.
  30. Ngô Tự Lập (1999), “Ma với tư cách là nhân vật văn học”, http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_Ma.htm
  31. Lưu Sơn Minh (biên soạn) (2003), Truyện không nên đọc lúc giao thừa, NXB Văn học, Hà Nội.
  32. Nguyễn Đăng Na (1999), Văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  33. Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  34. Nguyễn Đăng Na (chủ biên) (2007), Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam tập 2, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  35. Trần Nghĩa (chủ biên) (1995), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội.
  36. Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục, NXB Văn học, Hà Nội.
  37. Trần Thị Hải Ninh (1999), Bước tiến của thể loại truyện ngắn truyền kì Việt Nam qua Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
  38. Hoàng Phê (chủ biên) (2009), Từ điển Tiếng Việt, TT Từ điển học – NXB Đà Nẵng.
  39. N Pospelov (1992), Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  40. Phùng Quý Sơn (biên soạn) (1995), Đường đại truyền kì, NXB Đồng Nai.
  41. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  42. Trần Đình Sử (2006), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  43. Bùi Duy Tân (biên soạn) (2007), Lê Thánh Tông về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  44. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những nghĩ suy từ văn học trung đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  45. Vũ Thanh (1994), “Những biến đổi của yếu tố “kì” và “thực” trong truyện truyền kì Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 6.
  46. Vũ Thanh (1996), “Thánh Tông di thảo– Bước đột khởi trong tiến trình phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam trung đại”, Tác phẩm mới, số 8.
  47. Vũ Thanh (2011), “Đóng góp của Nguyễn Dữ cho thể loại truyện truyền kì Đông Á”, http://vienvanhoc.org.vn
  48. Vương Thị Phương Thảo (2011), Văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – đầu XIX với vấn đề cái chết, Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  49. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam,NXB Giáo dục, Hà Nội.
  50. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  51. Lương Thị Huyền Thương (2009), Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
  52. Trần Minh Thương (2011), “Ma quỷ trong văn học Việt Nam”, www.vanchuongviet.org
  53. Todorov (2004), Dẫn luận về văn chương kì ảo, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  54. Lê Thánh Tông (2001), Thánh Tông di thảo,Nguyễn Bích Ngô dịch và chú thích, Phạm Văn Thắm giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội.
  55. Bùi Thanh Truyền (2011), “Hành trình của nhân vật ma trong văn học Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 3.
  56. Trần Ngọc Vương (1997), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  57. Trần Ngọc Vương (chủ biên) (2007), Văn học Việt Nam thế kỉ X – XIX, những vấn đề lí luận và lịch sử, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  58. Thân Tải Xuân (1998), Thọ Nhân (dịch), “Đạo giáo và truyền kì đời Đường”, Tạp chí Hán Nôm, số 4.
  59. Lê Thu Yến (tuyển chọn) (2003), Văn học Việt Nam – Văn học trung đại những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  60. Phạm Thu Yến (chủ biên) (2004), Giáo trình Văn học dân gian, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *