Tác phẩm Trung QuốcVăn học phương Đông

Kim Dung nhân vật – Tuyệt đỉnh thần công của Vi Tiểu Bảo

Tuổi thơ Kim Dung không biết có tổn thương gì, mà các nhân vật chính trong tiểu thuyết ông đều kẻ cô nhi. Những trẻ đó, tùy căn cơ trải nghiệm riêng, mà hình thành tính cách khác nhau: hoặc ngờ nghệch chất phác (Quách Tĩnh, Thạch Trung Ngọc), hoặc ranh ma tinh quái (Dương Quá, Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo)… Mà ngộ ở chỗ, trong số đó, các nhân vật tinh quái lại chiếm phần hơn cảm tình người đọc.

Dương Quá linh lợi cổ quái, công nhiên vượt cả luân thường để yêu chính sư phụ mình, nhân vật này đáng cho là đạt ba phần cốt khí, xứng mặt dân chơi playboy. Lệnh Hồ Xung xuất thân chính phái nhưng kết giao bằng hữu toàn Ma giáo du côn, xưng huynh gọi đệ với cả dâm tặc Điền Bá Quang, lôi cả ni cô vô kỹ viện… nên đạt cảnh giới cao hơn, khoảng bảy phần cốt khí.

Riêng Vi Tiểu Bảo, xuất thân chốn nhớp nhơ nhà chứa, sơ sinh đã thấm nhuần phẩm cách hạ lưu. Hắn hễ mở miệng là buông lời tục tĩu, hành sự thì phóng túng bầu cua, lại lươn lẹo Mẹo Dậu tráo trở khôn lường. Kể về bản lĩnh, tên khốn này tinh thông đủ ngón ăn quỵt chơi lường, cờ gian bạc lận; võ công mèo quào nhưng miệng lưỡi và thủ đoạn thì thần xuất quỷ một. Ấy chính là đã đạt lư hỏa thuần thanh, tinh luyện đủ mười phần ngạo khí lưu manh, là nhân vật được khắc họa thành công nhất của Tra tiên sinh.

Lộc Đỉnh Ký lấy bối cảnh nhà Thanh, mượn nhân vật Vi Tiểu Bảo để khuynh đảo cả triều đại Khang Hy. Từ nhà thổ, thằng nhóc xảo quyệt lưu lạc vào tận hoàng cung. Nhờ miệng lưỡi dẻo quẹo và những cơ duyên kỳ lạ, hắn lập những công trạng lớn lao cà chớn không tưởng, nghiễm nhiên thành mệnh quan triều đình. Mô-típ Lộc Đỉnh Ký tương tự tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng ở ta, nhưng bối cảnh được mở rộng liên tục, từ cung cấm triều đình ra đến đảo hoang biên ải, thậm chí vượt biên giới qua tuốt nước Nga; và Vi Tiểu Bảo trở thành biểu tượng lưu manh chó táp phải ruồi độc đáo nhất mọi thời đại.

Ở bất cứ đâu, dù trong dòng xoáy trùng điệp âm mưu tranh quyền đoạt vị giữa thăm thẳm thâm cung, hay hiểm ác tao loạn kinh hồn chốn giang hồ bão táp, Tiểu Bảo cũng chỉ bằng một thân tuyệt kỹ kỳ quặc để chiến đấu sinh tồn. Khi cần, hắn chẳng ngần ngại xuất thủ bẻ ngón tay, lôi bím tóc, móc mắt, cắn tai; thậm chí sẵn sàng chộp ngọc nhũ, bóp tinh hoàn đối phương để thủ thắng.

Vũ khí tùy thân của Vi Tiểu Bảo chỉ mỗi mũi chủy thủ giấu trong ống giày, nhưng ngọn chủy thủ ngàn năm bén ngót đó vẫn chưa thực sự đáng sợ bằng ba tấc lưỡi của hắn.

Tính cách của Vi Tiểu Bảo phức tạp đa dạng, lại tráo trở lật mặt thần tốc, kỹ năng nịnh hót xảo trá thiên biến vạn hóa, thêm khẩu tài linh hoạt sắc sảo; phân tích ngần ấy thứ dù gõ tám vạn chữ tràn lan vẫn chưa trọn ý, thớt này chỉ bàn riêng tuyệt kỹ chửi bới của hắn.

* * *
CHỬI CÓ CHỦ TRƯƠNG

Văng tục, chửi bới, là nét đặc thù truyền đời của văn hóa Trung Hoa, nó không chỉ phổ biến khắp dân gian, mà còn thâm nhập thăng hoa cả chốn đông đủ ba quân, thậm chí luồn sâu hý lộng luôn cả trong điện ngọc cung vàng. Sử ký từng mô tả Lưu Bang là “khinh sĩ thiện mạ” (xem thường kẻ sĩ, giỏi ngón chửi mắng). Trong Kim Bình Mai, Thủy hử truyện, Hồng lâu mộng…, những câu chửi mắng thô tục cũng thường được đệm vô, làm tính cách nhân vật thêm phần sống động lung linh.

Kim Dung thật đã thừa hưởng và phát triển phong cách chửi tục đó. Các nhân vật của ông, điểm sơ thì thấy: Dương Quá trong Thần điêu hiệp lữ, Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ, đều vận dụng thành công ngón “thiện mạ” này; nhưng phải tới Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký, ngón nghề chửi bới mới đạt mức thượng thừa, ngạo thị quần hùng.

Khác các nhân vật chính khác của Kim Dung, Vi Tiểu Bảo không hề có chút phong độ anh hùng đại hiệp hoặc tài tử phong lưu nào, mà chỉ là tên lưu manh chợ búa mạt hạng, đã vậy lại sinh trưởng nơi nhà thổ, nên ngón chửi của hắn càng kỳ tuyệt.

Môi trường hỗn tạp của Lệ Xuân viện tài bồi cho hắn thứ ngôn ngữ sắc bén dị thường, vượt ngoài sức tưởng tượng thông thường. Chỉ một điệu “Thập bát mô” thôi, đã đủ để Tiểu Bảo chinh phục giai nhân, khuynh loát giang hồ. Huống chi, kèm theo đó còn cả kho tiếng lóng với hình dung từ mô tả sinh thực khí mọi cấp độ, được hắn thuộc lòng trơn tru cháo chảy, thuận dịp là tuôn ra ào ào thác đổ; hỏi trên đời mấy ai đương cự nổi công phu bản lĩnh chửi tục thiên tài dường ấy?

Đã vậy, khóa trình đào tạo ngôn ngữ cho Vi Tiểu Bảo không chỉ toàn những lời thô tục, mà còn cả đống hào ngôn tráng ngữ các đời. Thành Dương châu là thủ phủ tỉnh Giang Tô, nơi đầu mối giao thông Đại Vận hà, nên cực kỳ phồn thịnh, đủ loại người khắp nơi tụ về, trong số đó có không ít nghệ nhân kể chuyện. Thằng nhóc Tiểu Bảo thông minh nhớ lâu lại thích la cà trà đình tửu điếm xem nghe kể chuyện. Những tích anh hùng hiệp nghĩa trong Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Đại Minh anh liệt truyện… hắn chỉ nghe qua một lần là thuộc. Thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ sòng bài nhà chứa của hắn nhờ đó hòa quyện với lối văn vẻ biện luận mạch lạc của nghệ nhân, càng khiến người ta phải điên đầu.

Ngay khi vừa xuất hiện, Vi Tiểu Bảo đã bộc lộ thiên tài thóa mạ. Đó là khi mẹ hắn, kỹ nữ Vi Xuân Hoa, bị tên buôn muối lậu xáng bộp tai xéo hàm, thằng nhóc 12, 13 tuổi đã nhảy ra chửi xối xả: “Con rùa đen, quân khốn kiếp này, dám đánh mẹ ta à! Ngươi ra đường thế nào cũng bị sừng đâm sét đánh cháy phỏng bàn tay. Tay ngươi sẽ bị ung nhọt trương lên, thối rữa từ đó sẽ lan lên tới lưỡi, rồi tụ máu chảy xuống bụng, làm ruột gan ngươi thúi hoắc, đứt thành từng đoạn!”[1]

Trong Lộc đỉnh ký, ngoài Vi Tiểu Bảo, còn có Mao Thập Bát cũng là cao thủ thiện mạ. Ở phần đầu bộ truyện, khi bị tên buôn muối lậu cho là không kể lý lẽ, Mao Thập Bát đáp: “Ta nói lý hay không thì can dự gì tới ngươi? Hay ngươi muốn kén ta làm anh rể chăng?” Đây là câu mắng người thậm tệ: đã đòi ngủ với đàn bà con gái nhà người ta, lại còn muốn chiếm luôn vai vế trên trước. Nhưng khi đụng độ Vi Tiểu Bảo, Mao Thập Bát cũng phải chịu lép vế.

Tính tần suất, thì Mao Thập Bát là kẻ được Vi Tiểu Bảo ưu ái chửi cho nhiều nhất, ở đây chỉ dẫn ra câu trả đũa của hắn thuở hai bên sơ ngộ. Khi bị Thập Bát lồng lộn chửi rủa vì Tiểu Bảo đã dùng kế hèn mạt, quăng vôi bột làm mù mắt đặng đâm chết Sử Tùng. Vi Tiểu Bảo liền xa xả một tràng biện luận đâu ra đó: “Con bà nhà ngươi! Nếu không phải ông đây giúp chặt bớt vài cái chân, thì mạng ngươi sớm đã không còn, giờ lại muốn trách ta! Dùng đao giết người cũng là giết, dùng vôi bột giết người cũng là giết, cái gì mà thượng lưu với hạ lưu? Nếu không phải thằng quỷ nhỏ ta dùng thủ đoạn hạ lưu cứu cho, thì tên quỷ già nhà ngươi đã nhờ thượng lưu mà thành quỷ sứ!”

CHỬI CÓ CHƯƠNG HỒI

Là đứa cô nhi lưu lạc, phải đối đầu toàn những kẻ địch lợi hại, Tiểu Bảo chỉ còn cách dùng chửi bới làm vũ khí tự vệ, trừng phạt lại đối phương, ngón nghề này trải va chạm thường xuyên khiến được mài giũa ngày thêm lợi hại.

Thường thì trong câu chửi, người ta hay bao hàm khuyến mại thêm ác ý rủa xả. Chỗ độc đáo của Vi Tiểu bảo là không chỉ rủa khơi khơi, mà phân thành chương hồi khúc chiết công phu. Hãy thử nghe hắn tự rủa mình trước đã, sau đây là lời phát thệ quyết lấy A Kha bằng được: “Trên có hoàng thiên, dưới có hậu thổ: ta đời này kiếp này dù có lên núi đao xuống chảo dầu, chịu ngàn đâm vạn róc, cả họ bị đày bị chém, phạm đại nghịch bất đạo, vướng mười tội ác lớn không thể khoan hồng, sinh trai thành trộm cướp, đẻ gái làm đĩ điếm, tuyệt tử tuyệt tôn, trời đánh thánh đâm, toàn thân mọc ngàn lẻ một ung nhọt, thì ta cũng quyết phải cưới nàng làm vợ”.

Tự rủa xong, hắn mới rủa ý trung nhân A Kha: “Ngươi tưởng chỉ cần một lòng một dạ muốn làm vợ của tên Trịnh công tử thối con bà nó tha kia, thì Vi Tiểu Bảo ta sẽ dễ dàng buông bỏ chịu thua ư? Ngươi muốn giết ta, nhưng có đâu dễ vậy. Hẵng đợi ông đây dùng phương kế giết chết tên chồng trong tâm khảm ngươi đi, để cho chưa kịp lấy ta thì đã thành quả phụ, thử xem rốt cuộc ngươi có chịu lấy ta chăng. Ông đây bất luận ngươi có là quả phụ cải giá, cũng quyết giành phần hơn với con tiện nhân này!”

Người thường lâm vào hoàn cảnh bị cự tuyệt, phần lớn đành cam tâm cắt đứt tình si, nhưng với kẻ cứng đầu trơ mặt như Vi Tiểu Bảo thì chẳng nhằm nhò cái đinh: “Nói tóm lại, ông đây kiếp này nhứt định phải ôm lấy ngươi, cưỡi lên mình ngươi, âm hồn quyết không tan, quấy nhiễu tới cùng, cho dù ngươi có cải giá mười tám lần, thì đến lần thứ mưới chín vẫn cứ phải lấy ta”. Với người yêu mà hắn còn trù ẻo tới vậy, thì với kẻ khác, hỏi còn độc địa cở nào?

TỰ TRÀO

Xuất thân hạ tiện nhưng Vi Tiểu bảo không hề lấy đó làm điều, thậm chí còn đắc ý với nguồn gốc của mình.

Chỗ này phải kể sơ qua “văn hóa chửi” của người Tàu, họ thường mượn hình tượng tính giao với mẹ đẻ đối phương, lấy đó làm đòn đả kích nhân phẩm. Với “phép thắng lợi tinh thần”, tự cho rằng hễ đã ngủ với mẹ người ta là đã thành bố người ta[2].

Còn Vi Tiểu Bảo, hễ tới cơn cũng thường văng “Con bà mày, quân đĩ điếm thối tha”. Đây là câu mạ lỵ nặng nề, ý nói: con mẹ, con bà mày là thứ sản phẩm tiêu dùng công cộng, bất kỳ ai cũng có thể cưỡi lên để làm bố, làm ông mày được. Nhưng ngược lại, khi có ai đó chửi động tới mẹ mình là con điếm, thì Tiểu Bảo lại cười ha hả lấy làm sảng khoái, bởi mẹ hắn quả làm điếm thật, khiến đòn công kích kia bị hóa giải, trở thành lãng xẹt ngu ngốc vô duyên.

Không chỉ vậy, với hắn, hai danh từ “kỹ nữ” và “mẫu thân” hoàn toàn trùng khớp, đồng nghĩa với nhau, tùy trường hợp đều có thể sử dụng để chiếm tiện nghi về mình. Bị Thái hậu giả hành hạ, khống chế, Vi Tiểu Bảo ngoài mặt tỏ vẻ sốt sắng phục tùng, gọi luôn bà ta là “mẹ”, nhưng Thái hậu giả kia có ngờ đâu mẹ hắn ta thiệt ra là gái điếm. Trong trường hợp này, gọi mẹ tức bằng chửi Thái hậu đồ con đượi.

Công phu hàm dưỡng tinh diệu vỗ ngực tự trào, chửi mình trước khi buột miệng chửi người này, khiến hầu hết những kẻ ăn chửi của Vi Tiểu Bảo đều phải cứng họng, dở khóc dở cười.

HƯ TÂM

Vi Tiểu Bảo hành sự vượt ngoài lễ giáo luân thường, miệng lưỡi cay nghiệt sắc sảo, nhưng bổn tính thiện lương, nên những câu chửi rủa tục tằn của hắn không những không làm người đọc khó chịu mà còn tạo nên thích thú.

Với Tiểu Bảo, toàn bộ tụi phụ nữ đều là gái điếm tiềm năng. Bởi từ nhỏ, nhờ được chăm sóc, dạy bảo bởi những cô gái điếm trong Lệ Xuân viện, nên gái điếm với hắn là hình tượng thân thương trân quý. Đàng sau lời thóa mạ nguyền rủa A Kha con điếm, là cả tấm chân tình sâu đậm, khiến nàng rốt cục xiêu lòng chịu làm vợ hắn. Lời thô tục chân thành của tên lưu manh Lệ Xuân viện, vì vậy hơn hẳn lời đường mật giả dối của phong lưu công tử Trịnh Khắc Sảng dòng dõi Bách tính gia.

Không chỉ có vậy. văng tục còn là phương tiện tịnh tâm của Vi Tiểu Bảo. Sau những ức chế trong quá trình đàm phán với Nga-la-tư, Vi Tiểu Bảo ở giữa ba quân bèn xả van, tuôn ra hàng tràng chửi rủa liên miên bất tuyệt. Đang tới cơn, hắn cứ thế tháo cống xổ ra ào ào những thành ngữ quàng xiên, kèm theo tiếng lóng của đám lưu manh thành Dương châu. Đừng nói các sứ thần Nga-la-tư, ngay cả các thông ngôn người Hán văn hay chữ tốt hiện diện đương trường, cũng không kịp nắm được chỗ sâu xa tinh diệu trong tràng liên thanh đùng đùng đó. Chửi xong một trận trút tâm tư, Tiểu Bảo bật lên cười sằng sặc, thống khoái vô biên, liền trở nên bình tĩnh sáng suốt lạ thường, bắt đầu thi triển kế độc đại phá địch quân…

* * *

Tác phẩm của Kim Dung được đông đảo dân chúng đại lục hâm mộ, nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký càng được tán thưởng, đó phần lớn nhờ vào “Lăng mạ thần công” độc bá thiên hạ, trấn áp quần hùng: Sống trong xã hội xảo trá đa đoan do đảng cầm cái, tận mắt ngó những bản mặt lãnh đạo khả kính lúc nào cũng đăm đăm nghiêm nghị, hễ há mồm ra là rao giảng đạo đức nhân nghĩa vì nước vì dân, nhưng bụng thì đầy cứt đái thối nát với những mưu toan tranh giành ti tiện; trong hoàn cảnh đó, những câu chửi tục tỉnh bơ của Vi Tiểu Bảo đã mang lại “phản cảm” sảng khoái, giải tỏa những ẩn ức chất chứa trong lòng người đọc.

So sánh những câu chửi ngoa ngoắt độc địa của Vi Tiểu bảo với giọng văn nghị quyết đạo mạo xạo ke con bà nó ba hồi thụt chín hồi lõ mười tám hồi lệ nhỏ ngoài cửa quan của đảng, lắm người phải phân vân: chưa biết bên nào tục tĩu hơn bên nào, à ha!

_______

[1] Các bản dịch Lộc đỉnh ký ở ta thường lược bớt những câu chửi của Vi Tiểu Bảo. Những đoạn trích trong bài, chủ thớt phục hồi đúng theo nguyên bản.

[2] Việt tộc cũng theo lối này, nhưng ở cấp độ sơ khai, quanh đi quẩn lại chỉ biết mỗi câu cửa miệng nghèo nàn thiếu sáng tạo “Đkm mày”).

* * *

PHỤ LỤC: THẬP BÁT MÔ

“Thập bát mô” nguyên là dân ca Phúc Kiến. Điệu ca miền núi này có 4, 5 bản, đại thể tương tự nhau. Đăng cả nguyên văn thì quá dài, dễ làm rối mắt, đây chọn dịch nghĩa bản văn chương tao nhã nhất:

THẬP BÁT MÔ (MƯỜI TÁM CÁI SỜ)

Đập trống dồn lên, khua chiêng nhặt lại; dừng luôn chiêng chống để nghe lời ca.
Hát lên tất tật những bài nhảm nhí, nghe ta ca đây mười tám cái sờ.

Đưa tay sờ lọn tóc mai nàng, như mây đen phủ nửa góc trời.
Đưa tay sờ trán nàng, vầng trán đầy đặn gây nghiện cho người.
Đưa tay sờ đôi mày cong xòe trên gương mặt nàng.
Đưa tay sờ đôi mắt nàng, vừa đen huyền vừa trong sáng.
Đưa tay sờ chiếc mũi nhỏ, mang hơi thở ấm áp nhẹ nhàng.
Đưa tay sờ khóe môi, nàng liếc mắt mỉm cười.
Đưa tay sờ cằm, cằm nàng vội kê lên ngực ta.
Đưa tay sờ vành tai, đôi bông tai nàng đong đưa.
Đưa tay sờ bờ vai nàng, đôi vai cân đối mềm mại.
Đưa tay sờ lên lưng, nàng uốn lưng duỗi thẳng vai ra.
Đưa tay sờ làn da nàng, mơn mởn mịn màng hơn cả lông cừu.
Đưa tay sờ lên ngực, ngực nàng liền ép sát vào mình ta.
Đưa tay sờ đôi bàn tay nàng đang che lấy hai bên ngực.
Đưa tay sờ núm vú nàng, cặp bánh bao vừa mới ra lò.
Đưa tay sờ bụng nàng, êm ả như cánh đồng phì nhiêu.
Đưa tay sờ eo nàng, chiếc eo mềm mại thích mắt anh.
Đưa tay sờ rốn nàng, rốn sâu hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Đưa tay sờ mông nàng, mềm mại êm ái như bông.
Đưa tay sờ đùi nàng, trắng nõn ngon lành như dưa gang.
Đưa tay sờ đầu gối nàng, sướng như trâu kéo cày trên bùn non.
Đưa tay sờ bắp chân, nàng chợt như khép vào rồi lại dạng ra.
Đưa tay sờ bàn chân, đặt chân nàng gác lên vai anh.
Sờ soạng khắp hết trên dưới người nàng rồi, tạm lướt qua hai bên đặng sờ ngay giữa.
Sờ bên trái sinh con trai, sờ bên phải đẻ con gái.

Bên đông một nhát bên tây một nhát, trồng cây cao lương hái yến sào.
Đâm chọc cho lút cán dài, đều nhịp như thoi dệt vải.
Bên trái một nhát, bên phải một nhát, cho thân thể nóng bừng lên giữa giá lạnh.
Dường như đang nhắp chén rượu ấm, cảm nhận thân hình đẹp như ngọc.
Đặt tay nàng gác bên cạnh, nghe cổ họng như vừa uống canh nóng.
Mông nàng như cái cối xay, ba gánh mè đen cho ra nửa cân rượu.
Hai bên bờ dương liễu, mở lối ở giữa mặc sức bon ngựa giong thuyền.
Hai bên dạng ra lối nhỏ, ở giữa có giàn rau dưa.

Người già nghe điệu Thập bát mô, nhớ thời tuổi trẻ đã qua.
Tuổi trẻ nghe Thập bát mô, ngày đêm thèm hoa khóc đòi vợ.
Kẻ góa vợ nghe Thập bát mô, phải ôm chiếc gối mà khóc vợ.
Thầy chùa nghe Thập bát mô, bèn bảo đồ đệ gọi mình bằng anh.
Ni cô nghe Thập bát mô, thức tới nửa đêm chịu không nổi.
Bọn hậu sinh các ngươi nghe qua rồi, thảy đều phải muốn lấy vợ.

Vinhhuy Le

Hoàng Dương
Tagsđọc sách ngẫm đờikim dungVăn chương hiện đạivi tiểu bảo
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *