Bình thơTHƠ HAY

“ĐÂY THÔN VĨ DẠ” – THỰC HAY LÀ ẢO, ĐỜI HAY LÀ MỘNG?

Với Hàn Mặc Tử khi cảm nhận thơ nếu chỉ dùng lí trí tỉnh táo và tư duy phản ánh luận để soi rọi xem ra sẽ giết đi nhiều giá trị thẩm mĩ trong sáng tác của ông. Cứ nhắc đến Đây thôn Vĩ Dạ là nhiều người lại cho rằng đó là bài thơ ca ngợi xứ Huế thơ mộng, sông Hương huyền ảo. Với tôi, nếu tên bài thơ có đổi thành Đây thôn An Lạc hay Đây thôn xyz…bài thơ vẫn không bị kết án là phản ánh sai hiện thực. Bởi Vĩ Dạ chỉ là một cái cớ, một xuất phát điểm của đời thực để ảo ảnh thăng hoa.

Căn cứ vào một số tài liệu, người ta cho rằng bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn với một cô gái quê ở Vĩ Dạ, bên dòng sông Hương. Vì cảm thương lúc thi sĩ buồn tủi trong bệnh tật, nàng đã gửi vài tấm bưu ảnh chụp về thôn Vĩ, kèm theo vài lời trách móc.  Rất có thể điều đó đã là chất men xúc tác để bài thơ này ra đời. Song, nếu cảm thụ thơ ca mà chịu gò ép bởi yếu tố tiểu sử, đời thực đôi khi sẽ thành ra khuôn sáo. Bởi thơ có quy luật hình thành và vận động của riêng nó. Bỏ qua yếu phi văn học như thế này để đi sâu vào thế giới biểu tượng thì mới đúng nghĩa là cảm thụ thơ ca.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Ở khổ thơ đầu này có lẽ không ai có thể chối cãi được, dĩ nhiên hình ảnh ấy được gợi lên là nói về thôn Vĩ. Nhưng chưa chắc những chất liệu đó là lấy từ thôn Vĩ. Cái đáng bàn ở đây là những hình ảnh đó từ đâu mà có. Do Hàn trực tiếp nhìn thấy chăng? Không thể, bởi khi ông viết bài thơ này Hàn đang trong cảnh bệnh nặng, không thể về thôn Vĩ. Hay đó là hồi quang của kí ức? Tức Hàn hẳn đã từng đi đến thôn Vĩ. Nhưng xét đến cùng dù hiểu theo nghĩa nào thì ta cũng đã bị hai chữ hiện thực ám ảnh đến không có lối thoát. Trong cơn đau triền miên, trong nỗi choáng ngợp của cõi lòng u sầu, bi lụy, thần trí chìm mờ, những ảo ảnh của tiềm thức được thăng hoa thì có gì là lạ lùng? Hàn chẳng cần phải đi đâu cả, chưa lần nào ghé thăm thôn Vĩ vẫn có thể viết nên 4 câu thơ như thế. Cảnh ấy chỉ là biểu tượng của một tâm hồn khát khao cháy bỏng muốn hòa nhập với cuộc sống trong lành. Nắng hàng cau, vườn nhà ai, lá trúc, mặt chữ điền…tất cả là những biểu tượng gợi lên một thiên đường tinh khôi trong ước vọng, trong nỗi lòng thiết tha muốn tắm mình trong ánh nắng ban mai, tươi sáng của đời thường. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, là viễn cảnh được xây đắp bằng ẩn ức tiềm thức…

Quy luật này vốn chẳng có gì xa lạ đối với văn học nước ta. Từ thời trung đại, chính thơ thất ngôn bát cú Đường luật há chẳng phải cũng lựa chọn phương thức tượng trưng ước lệ đó sao? Ví dụ trong bài thơ Qua đèo Ngangcủa bà Huyện Thanh Quan:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sống rợ mấy nhà

Thật ra những hình ảnh này có chắc là sự lựa chọn có một không hai làm đặc trưng cho quan cảnh đèo Ngang? Ta có thay danh từ này thành đèo Ngang hay đèo cả, đèo dài gì thì giá trị thẩm mĩ của bài thơ không hề thay đổi. Bởi chúng chỉ là những hình ảnh tượng trưng để gợi ra sắc thái của ngoại cảnh bị chi phối qua lăng kính tâm trạng thi sĩ. Mà cũng bởi như vậy nó đúng là bản chất của thơ. Nguyễn Trãi viết bài thơ Ba tiêu đâu có nghĩa là ông ngồi ngắm cây chuối rồi đặt bút tả ngay. Tất cả là một dạng tri thức tiềm năng ở dạng kinh nghiệm được tái sinh, biến hóa theo dụng ý nghệ thuật. Cái quan trọng của hình ảnh thơ không phải ở đường nét cụ thể của nó mà ở ý nghĩa biểu hiện sắc thái tâm trạng. Cảnh chỉ là phương tiện được cấu thành từ dụng ý nghệ thuật để phóng chiếu nội tâm chủ thể trữ tình. Nó trước hết là trí tưởng tượng. Nó là kinh nghiệm được bày trí, nhào nặn từ tư duy thẩm mĩ nhà thơ. Tuyệt đối cảnh trong thơ không phải là bản sao trực tiếp, một kiểu copy như máy chụp ảnh. Nếu chỉ sao chép hình ảnh thì thơ chỉ là một xác chết.

Cảnh trong khổ thơ đầu được định danh là của thôn Vĩ, nghĩa là thôn Vĩ được dựng nên theo cảm xúc, theo cách nghĩ và trường liên tưởng của Hàn Mặc Tử chứ không phải thôn Vĩ được phản ánh xơ cứng, trung thực tới mức thiệt thà tội nghiệp. Nhà thơ không phải là nhiếp ảnh gia, không cần thấy rồi mới “chụp”. Còn một thế giới phảng phất bóng hình thế giới mà ta đang sống trong nó nhưng không trùng lặp một kiểu hình dạng, bản chất, đó là thế giới nghệ thuật của thơ ca, của những quy luật phi logic, phản lí trí tỉnh táo. Nó là ảo mộng, là cơ mê, là ái tình đổ vỡ, là ẩn ức tiềm tàng, sâu kín.

Sang khổ thơ thứ hai:

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Nhiều người lại cả tin cho rằng đây 4 câu thơ này gợi tả về sông Hương huyền ảo. Căn cứ vào đâu mà lại nghĩ rằng đó là hình ảnh của sông Hương để rồi sống sượng áp đặt cho bài thơ cái giá trị cũ kĩ là ca ngợi vẻ đẹp của xứ Huế mộng mơ, là bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước? Đối với giá trị thẩm mĩ của hình ảnh sông trăng đúng là không có gì bàn cãi, song cái đẹp ấy không phải cái đẹp của cảm hứng ngợi ca mà cái đẹp thuộc tính, thường hằng của tạo hóa, mà nhất là của hồn thi sĩ. Sông hay là trăng? Mà ai lại khéo léo chuyển hóa, giao hòa để hai hình ảnh ấy kết hợp tạo nên vẻ đẹp mông lung, bàng bạc nửa đời, nửa mộng. Đó không phải là tượng đài hiện thực được tô vẻ theo mẫu, nó phải là tòa tháp ảo mộng được thêu dệt lên từ một tâm hồn tinh nhạy, khác đời, là đứa con tinh thần của riêng thi sĩ họ Hàn. Dòng sông ấy hiện lên trong tâm hồn như vô thủy, vô chung, không rõ danh xưng cũng không biết ở phương nào. Đó là dòng sông của nỗi lòng khắc khoải mối hoài nghi, là dòng sông của nỗi buồn run rẩy, cảnh ấy tự lòng người mà phát sinh, hay nói đúng nó là một dạng biểu tượng của hồn thi sĩ. Chính vì thế, bài thơ đạt đến cường độ biến động lạ lùng của mạch cảm xúc và đưa người đọc đến trạng thái chơi vơi. Cảnh mới rạng ngời ấm áp đó rồi bỗng tối tăm, u ẩn. Người mới vui mừng, rạng rỡ đó rồi lại bi quan, thiểu não, và đặc biệt là rơi vào trạng thái lạc loài không có điểm bám víu. Vì cô đơn, vĩ sợ hãi, vì vực thẳm của tự ti, đau xót, chán chường, người thơ ấy chỉ còn điểm tựa duy nhất là trăng. Để rồi thảng thốt hối thúc, réo gọi, ngóng chờ: Có chở trăng về kịp tối nay. Trăng không phải là vật thể của tự nhiên nữa, mà là nhịp cầu hay cũng chính là đối tác giao cảm. Trăng  là biểu tượng của tri kỉ, tri âm. Bởi thế trăng này mang giá trị ảo, nó thoát khỏi cái thuộc tính của một vật thể ngoài vũ trụ. Cho nên không có chuyện Hàn Mặc Tử ngồi tả trăng ở đây.

Nếu như xét về hình ảnh khổ thơ 1 được cho là mang hơi hướng tả thực (mà thật ra cũng chẳng phải), khổ 2 đã có sự pha trộn nửa thực nửa ảo thì khổ 3 hoàn toàn đi vào cõi mộng.

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?

Và rồi nhiều người lại tiếp tục nhầm lẫn. Ai mơ? Hàn mơ về người con gái nơi thôn Vĩ hay là người ta mơ về thi sĩ? Mới ở khổ thơ đầu giọng điệu thân mật, thì thào thế kia mà đã nhanh chóng trở nên xa lạ (khách đường xa). Và khách đường xa là ai? Ở đây sương khói mờ nhân ảnh? Ở đây là ở đâu? Người ta sẽ phán đoán theo hai chiều. Nếu là người con gái thôn Vĩ mơ về thi sĩ thì ở đây tức là ở thôn Vĩ. Rồi có thể suy diễn ở đây là ở trại phong ngoài Quy Nhơn, nơi Hàn tay run run cầm bức ảnh người con gái, mắt mờ vì bệnh tật nên nhìn nhân ảnh không thấy rõ hình hài. Cả hai cách hiểu đó đều đẩy thơ Hàn đến con đường tận diệt hết mọi ý vị tinh tế. Bóng hình ai kia hiện lên trong sắc trắng nhạt nhòe, trong khói sương mờ mịt chỉ là hình ảnh của tư duy nghệ thuật để gợi ra sự xa xôi, cách trở. Đó là hình ảnh trong tiềm thức, trong cơn mê sảng, trong nỗi thất vọng, nghi ngờ. Nói tóm lại, chỉ có một mình thi sĩ độc bạch cùng ảo ảnh do mình dựng nên chứ không có cảnh thôn Vĩ, sông Hương, hay người con gái nào cả.  Cả bài thơ là một giấc mộng đầy kịch tính, biến tấu và xáo trộn, méo mó: vui đó rồi buồn bã bi quan, cảnh và người mới gần gũi trìu mến rồi bỗng vụt mất như cách xa ngàn dặm… Hàn Mặc Tử không cần phải về thôn Vĩ để ngắm nhìn “nàng” hay ngồi ở Quy Nhơn lần mò bức ảnh. Hãy bỏ hết những chi tiết đời thực vụng về đó. Tất cả là sự chưng cất của những biểu tượng được chọn lừa bằng con đường vô thức. Chính cái trạng thái tâm bệnh hoang mang, thần trí chìm mờ, tâm hồn dao động là lúc hồn thơ thăng hoa và kết tinh thành những hình ảnh mơ màng, lấp lánh như vậy.

Cho đến khi nào người ta không ảo tưởng về hình ảnh một thi sĩ ngồi ngắm trăng để tả trăng, nhìn hoa để vịnh hoa thì mới chấp nhận những hướng tiếp cận khác về thơ Hàn Mặc Tử. Thơ Hàn giàu tính tượng trưng và biến ảo khó lường. Nếu cứ đeo bám lấy hình hài thô cứng của cái gọi là đời thực, hiện thực thì thơ ca sẽ mãi chỉ là nơi sắp xếp những con chữ vô hồn. Đây thôn Vĩ Dạ đích thị là thiên đường trong cõi mộng, nhân gian trong ảo ảnh. Thế nên dù cảnh ấy vô tình có đẹp đến mức nào cũng đừng gắn cho bài thơ nào những kèn trống ồn ào để khẳng định tình yêu thiên nhiên, đất nước. Đây đơn thuần là bài thơ tình, không phải tình yêu thì tình đời, tình người, là linh cảm về thế thái nhân tình…

Linh Sơn

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *