HỌC VIẾTTiếng Việt thực hành

Về sự biến đổi ngữ nghĩa của tiếng Việt ngày nay

Trong khoảng thời gian gần đây, tôi đặc biệt quan tâm đến tiếng Việt, vì tôi phát hiện ra rằng mình nói tiếng Việt như vậy chớ thiệt ra gần như chẳng hiểu gì về tiếng Việt. Trong quá trình tìm hiểu tiếng Việt thì tôi thấy rằng có một vấn đề thế này: nhiều từ hiện nay được dùng không còn đúng với nghĩa ban đầu của ngày xưa, nếu không muốn nói là dùng sai ngữ nghĩa. Để làm cơ sở, thì tôi chủ yếu dựa vào hai cuốn từ điển: một là cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, đây là cuốn từ điển uy tín nhất về tiếng Việt thời kì trước 1975; hai là cuốn Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh, chuyên về những từ Hán-Việt.

Một số biến đổi về ngữ nghĩa

Hiện nay trong tiếng Việt có một số từ Hán-Việt mà ngữ nghĩa của nó đã biến đổi khá xa với cái nghĩa gốc ban đầu, không rõ vì nguyên do gì, chỉ mới vài chục năm trôi qua mà ngữ nghĩa đã trôi dạt xa đến vậy.

Một từ tiếng Việt điển hình cho sự biến đổi ngữ nghĩa này là từ “khốn nạn”. Theo cả hai từ điển Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì từ “khốn nạn” đều mang cùng một nghĩa là “khó khăn, lúng túng”, có thể nói nó gần như đồng nghĩa với từ “khốn khổ” trong cái tựa “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (tôi đọc ở đâu đó nói rằng ngày xưa cái tựa Les Misérables ban đầu được dịch là “Những người khốn nạn”). Nhưng hiện nay tuyệt đại đa số mọi người dùng từ “khốn nạn” này với nghĩa miệt thị và đánh giá về tư cách đạo đức của một người (ví dụ như nói “thằng này thật là khốn nạn” nghĩa là bảo “thằng đó” tư cách đạo đức tồi). Căn nguyên của sự biến đổi này thật không rõ, nhưng theo suy luận logic thì tôi nghĩ có hai nguyên do thế này: người ta lâm vào cảnh khốn khó, nên có thể trong một số ngữ cảnh nào đó đã thốt lên rằng “Tôi thật khốn nạn”, và người nghe có thể đã hiểu sai ý của câu tự thán đó, sinh ra sự biến đổi về nghĩa; hoặc là chính vì cái sự khốn khó mà con người ta bị dồn vào cái thế làm những chuyện mất tư cách đạo đức, dần dần từ “khốn nạn” được chuyển sang cái nghĩa chỉ về tư cách đạo đức của một người.

Một từ khác mà trong quá trình tìm tòi tôi cũng phát hiện ra ngữ nghĩa bị biến đổi đi khá xa, đó là từ “tử tế”. Ví dụ cho một cụm tiếng Anh thế này: “a very kind person”, thì những người biết tiếng Anh đa số sẽ dịch sang là “một người rất tử tế”, nhưng nếu dò theo nghĩa đúng của từ “tử tế” thì sẽ thấy ngay cách dịch đó là không đúng với nghĩa gốc của “tử tế”, vì từ này mang nghĩa là “tinh mật, kĩ càng” (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh), hoặc nghĩa là “chu đáo, kĩ càng” (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức), chứ không hề mang nghĩa “tốt bụng” như nghĩa của từ tiếng Anh “kind”. Nếu phải dịch sang tiếng Anh cho đúng với nghĩa gốc của từ “tử tế” này thì từ tiếng Anh là “careful” có vẻ đúng nhất. Tuy nhiên, từ “tử tế” hiện nay vẫn còn được dùng đúng nghĩa gốc một phần nào đó, như cụm từ mà người ta hay nói “học hành tử tế” chính là “học hành kĩ càng” vậy.

Thêm một từ nữa để minh hoạ cho sự biến đổi ngữ nghĩa một cách khó hiểu của tiếng Việt: từ “nhất thiết”, hiện nay mọi người đều dùng từ này với nghĩa “tất yếu” hay “cần thiết”, đồng nghĩa với từ “necessary” bên tiếng Anh. Lại mở Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì cả hai đều bảo rằng “nhất thiết” nghĩa là “hết thảy, tất cả”. Từ “hết thảy” sang “tất yếu” thì quả là không tài nào đoán được nguyên do là vì đâu.

Có một từ mà khá nhiều người đã hiểu sai nghĩa của nó, đó là từ “cứu cánh”. Nhiều người không biết nghĩa của từ này thường hay hiểu từ này với nghĩa là “cứu giúp” hoặc “cứu vãn”, nhưng đây là một từ Hán-Việt, và nghĩa đúng của nó là “mục đích cuối cùng”.

Một từ nữa cũng hay bị dùng sai mà tôi để ý được, đó là từ “tự vẫn”. Đa số mọi người dùng từ này thay thế cho từ “tự tử”, cách dùng đó cũng đúng nhưng còn phải tuỳ trường hợp, vì từ “tự vẫn” nghĩa là “tự đâm vào cổ mà chết”, “vẫn” trong “tự vẫn” có nghĩa là “cắt cổ” (nghĩa này có ở cả hai từ điển của Đào Duy Anh và của Hội Khai Trí Tiến Đức). Cho nên từ “tự vẫn” chỉ có thể dùng trong trường hợp người đó dùng dao hay dùng vật nhọn gì đó để tự sát, còn nhảy sông mà “tự vẫn” thì không đúng (nhảy sông là “tự trầm”, chứ vừa nhảy sông vừa đâm vào cổ thì thảm quá).

Trong cách dùng từ sai, có một chuyện nữa là người ta hay có xu hướng đảo từ lại: như từ “nhân chứng” và từ “chứng nhân”, cả hai từ này đều được đa số dùng chung một nghĩa là “người làm chứng”, nhưng thật ra chỉ có từ “chứng nhân” mới mang nghĩa đó. Cấu trúc của một danh từ Hán-Việt là “phụ trước-chính sau”, cho nên khi đảo từ lại thì sẽ sinh ra nghĩa khác ngay. Từ “chứng nhân” nghĩa là “người làm chứng”, còn từ “nhân chứng” nghĩa là “vật chứng mà người làm chứng mang lại” (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh). Tương tự vậy những cặp từ như “yếu điểm” và “điểm yếu”, “nhân công” và “công nhân”, “nhân tình” và “tình nhân”, “nhân văn” và “văn nhân”, v.v. đều có nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Sài-gòn,
20110114.

Nguồn: chiecnon.wordpress.com

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *