Sáng tác trẻ

Truyện ngắn THI KỸ của Lục Nghiên

Lục Nghiên, tên thật là Nguyễn Thị Hà Thu

Sinh năm 2000 

Bắt đầu viết văn vào năm 2017

 


Kỹ nữ thức dậy giữa khuya. Trăng tròn và sáng lắm. Đã quá mười hai giờ, kỹ nữ thắp đèn ngồi viết. Tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Khách đã đi tự lúc nào không biết, bỏ lại xấp tiền giấy nhàu nhĩ trên bàn. Gió lành lạnh, trăng bàng bạc, cái mát mẻ sương đêm thấm ướt đôi tất lụa của kỹ nữ. Ánh trăng xuyên qua bức rèm thủy tinh thành những vệt lân tinh bàng bạc, khúc xạ ánh trăng thu sáng tỏ vào căn phòng tạo thành những mảnh tranh tối tranh sáng.

   Khách đi sao vội quá! Đêm rằm, yến tiệc thâu đến sáng, chàng thi sĩ dùng dằng muốn về sớm khi cuộc vui chưa tàn. Kỹ nữ suy cho cùng cũng chỉ là bạn lúc người ta đương say sưa men nồng, chứ vào cái thời tỉnh táo, thanh sạch như giờ thì nào còn cần đến nữa….  

   Chao nghiêng.              

*

   Kỹ nữ ngừng bút. Bên kia sông, ả Hằng trắng hơn hớn tắm suồng sã trên bãi bồi. Gió đung đưa những cụm lau bông vàng phơi phới. Hình như có một thời, kỹ nữ hãy còn là cô bé ở bên kia bãi bồi, đêm đêm trốn cha trốn mẹ lén chèo chiếc thuyền con con ra sông hóng gió ngắm trăng. Rồi những vần thơ cứ thế mà tuôn ra. Kỹ nữ chẳng còn nhớ làm sao mà mẹ không đánh, cha không mắng khi phát hiện ra, để rồi mấy năm sau gửi kỹ nữ lên một ngôi trường có tiếng trên thành phố, ngày ngày ngồi trong lớp chép những vần thơ ông giáo già ngâm nga lên giấy: Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương/Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi…

   Cô thiếu nữ ấy, ai cũng khen có cái nhìn sao mà xa xăm, tựa như gom cả mùa thu vào trong đáy mắt, ai nhìn vào cũng phải ngẩn ngơ. Em cứ hồn nhiên qua bao mùa thu lặng, mặc lá vàng rơi đầy sân trường. Em mơ một ngày kia em sẽ làm thi sĩ thổi hồn vào từng con chữ, mang những gì tinh túy nhất đến cho đời. Rồi cô bé ấy biết yêu, nhưng không đến với anh học trò hiền lành nền nếp nào mà phải lòng một người ngoài phố bảnh bao, lịch lãm.

   Quãng thời gian yêu nhau thế nào, đã chỉ còn lại là một thứ mờ mờ trăng trắng như sương trong trí của kỹ nữ. Những chuyến đi chơi, nụ hôn vụng trộm, những lần anh chàng người phố đưa kỹ nữ lượn khắp các nhà sách cũ, rồi những bó hoa hàng tuần,… tất cả mờ nhạt cứ như mặt hồ bị đóng băng, khi người ta không bao giờ nhìn qua được những thứ dưới lớp băng ấy. Từ bao giờ mà người ta gọi kỹ nữ là nàng thi kỹ – kỹ nữ thơ văn. Văn nhân đến với kỹ nữ nhanh như bóng câu qua cửa sổ, đến rồi đi, kỹ nữ cũng chưa một lần níu kéo. Gác lạnh chỉ có mình, kỹ nữ đã quen rồi.

   Với khách văn nhân, kỹ nữ không phải Nàng Thơ. Cũng chẳng phải một bến bờ neo đậu nào sất. Thuyền đi, không bao giờ buộc chặt.

*

   “Nếu vì anh ấy thì cô nên buông đi, hơn ai hết cô hiểu nhất điều này. Ở tuổi cô tôi còn lo học hành, không như cô. Trời mới biết cha mẹ cô dạy con kiểu gì.”

   Cô thiếu nữ cười lãng đãng rời khỏi căn nhà có phòng vẽ áp mái, ngơ ngẩn băng ngang đường. Phố lạnh, chẳng ai dung thứ đứa con gái lầm đường lạc lối. Mẹ khóc, cha cúi đầu cũng khóc. Bên má em nhói lên bỏng rát cái tát của cha. Em lang thang trong bộ váy trắng phiêu bồng như mây. Mọi thông tin về cô học trò là em bị gạch hết trong tài liệu nhà trường. Một học trò lớp Văn cứ thế biến mất.

   Chẳng có một ai tiếc thương cho cái tài, chỉ có tò mò về việc vì sao em bỏ học.

   Em đi đâu? Cha không biết, mẹ cũng không biết. Đến khi nhận ra, em đã đi mất rồi.

   “Sao cô không về làm chỗ chị nhỉ? Lương cao lắm, việc lại nhàn nữa”.

   Em nhếch môi cười. Ừ thì làm. Ám ảnh cơm áo gạo tiền chẳng bao giờ đùa cợt với khách thơ. Hay là về quê, ở với bà? Lòng bà như con sông quê hương, chẳng bao giờ xua đuổi những ai lầm đường quay đầu trở về.

   Em lắc đầu nguầy nguậy. Không, bà yếu lắm rồi. Bà chỉ muốn thấy em trong tà áo dài tinh khôi. Bộ dạng em bây giờ ai muốn ngó. Mà em trở về thì sao? Em chịu được khổ, nhưng bà thì sao chịu được lời ra tiếng vào.

   Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,…

   Em giật mình. Câu thơ vọng lại từ thời nào đó xưa lắm, em hình như đã từng nghe, từng viết. Chỉ là nó của ai, ai viết, em nghe, em chép lại bao giờ, em sao không nhớ nổi. Ừ thì không nhớ thì thôi, thân em chỉ như đồng kẽm bỏ rơi. Nên, thầy mẹ đừng thương, cứ quên em đi, đừng ngồi đó âu sầu.

   Vậy cũng tốt.

   Cuộc sống của em, giờ ngoài những ngày cười cợt tán tỉnh, triền miên trong những cơn say, chỉ còn mình em trên gác lạnh. Em là một thứ điếm thanh cao, một thứ trò vui mới. Em không biết. Em không quan tâm.

   Gần lắm với bị trêu hoa ghẹo nguyệt là chủ động cười cợt tán tỉnh. Gần lắm với tỉnh là say. Gần lắm với thứ điếm thô tục tầm thường là một thứ điếm mới gây tò mò. Gần lắm với bị cưỡng bức là để mặc cho người ta làm, người ta khám phá. Điếm, dù có thơ có văn, vẫn là điếm.

   Tiếng bước chân rõ dần trên từng bậc thang gác.

   “Anh là ai?”

*

  Anh tìm đến thi kỹ trong một phút tò mò và sự cười cợt của đám bạn văn nhân. Anh chưa bao giờ nghĩ một kỹ nữ lại có thể trở thành Nàng Thơ, bởi một thứ dung tục làm tiền chẳng đáng để sánh với sự cao quý của văn thơ. Anh sẽ nổi tiếng, sẽ viết một cuốn sách được giải Nobel văn chương và dịch ra mọi thứ tiếng trên thế giới. Chuyến đi đến chỗ thi kỹ chỉ là một chuyến đi tìm tư liệu như mọi ngày, xã hội này có thứ điếm nào là không vì tiền. Nàng ta là ai? Đâu phải vấn đề anh quan tâm. Nàng không phải Phùng Tiểu Thanh, cũng chẳng phải kỹ nữ tài hoa như Tô Tiểu Tiểu.

   Vậy mà trong một chốc, anh ngỡ mình đã gặp Nàng Thơ.

   Nàng mặc chiếc váy trắng dài chấm gót, lớp vải lụa che kín toàn thân chẳng một chỗ hở, vờn như sóng theo bước chân. Nắng chiều nhàn nhạt ánh lên những tia mềm mỏng, sượt trên mái tóc đen buông xõa. Nếu viết được một câu chuyện về nàng tiên, thì nhất định nàng tiên sẽ có gương mặt của cô gái này, gương mặt trong suốt như thiên thần. Nàng có cái đẹp không thuộc về trần thế. Mà anh ngửi thấy mùi phù sa. Làm sao ở chốn thị thành mà nàng vẫn giữ được cái mùi đậm đặc thuộc về quê hương như vậy? Chàng văn nhân như chìm vào cái mùi hoa cà hoa bí thoang thoảng đưa đến, chưa kịp định thần, Nàng Thơ đã đến trước mặt. Một khoảng cách không xa mà cũng chẳng gần.

   Anh liếc cuốn sách nàng cầm trên tay. Ồ, hóa ra là Felitsa.

   Căn gác của nàng, thứ nhiều nhất là sách, kế đó là hoa và đèn.

   “Chỉ là tôi thích mấy cái đèn này thôi.”

   Nàng hờ hững trả lời câu hỏi tò mò của anh. Giọng nàng êm như ru nhưng chẳng đọc được chút gì là quan tâm đến vị khách là anh cả.

   Cũng như những văn nghệ sĩ dỏm trước đó, chỉ lấy nàng làm thứ cười cợt, đùa vui.

   Nếu văn là chỉ để bán lấy tiền, được thôi, nàng tiếp. Tiếp xong, thì biến cho khuất mắt. Có ai hiểu nàng đâu? Nàng buồn. Nàng vui. Một mình. Nàng quen rồi.

   Một giờ ngồi với nàng mà anh lại có cảm giác khác lạ, cứ như anh đã lăn lộn trong chốn vũ trường, trong chốn quán xá, ồn ào chẳng bao giờ ngơi nghỉ mà anh vẫn coi khinh. Giống như anh đã sống thêm nửa đời. Anh rời đi với câu chuyện của nàng thi kỹ. Anh muốn gần nàng thêm một chút. Vì anh nghĩ anh đã gần nàng được một chút rồi.

   Nằm trên giường, anh mở mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Anh nhớ tới Felitsa mà nàng đọc lúc ban chiều. Felitsa tức là nữ thần hạnh phúc, là hiện thân của những lời tụng ca mà ca nhân Derzhavin dâng lên bà hoàng Ekaterina Vĩ Đại. Nàng tìm thấy gì ở đó? Nàng mong ước Felitsa những gì?

   Nàng mong hạnh phúc? Phải không?

   Anh ngồi bật dậy, thắp đèn ngồi viết. Viết liên tục suốt cả đêm không ngơi nghỉ, để rồi khi sáng lên, thành quả là bàn tay chi chít mực cùng tập giấy đầy những dòng xanh đen, cũng không thiếu những trang gạch xóa và những tờ giấy vò lăn lóc trên sàn. Anh run rẩy chép lại câu chuyện đẹp đẽ, nắn nót, mang đến chỗ thi kỹ. Anh mong nhận được lời khuyên từ nàng, dù là một câu nhiếc móc rằng anh tưởng tượng suy nghĩ lắm điều về riêng tư của nàng.

   Khác với anh nghĩ, lần đầu tiên thi kỹ nở nụ cười với anh. Nự cươi tươi sáng, lần đầu tiên nở trên khuôn mặt nàng. Anh đứng đơ ra như bị hớp hồn. Rồi tự bao giờ, thi kỹ trở thành người bạn văn chương của anh. Anh như thấy mình tìm được suối nguồn vạn hạnh của thơ ca. Anh viết, nghiền ngẫm không ngừng. Dường như mỗi lần đến bên nàng, anh đều có những phát hiện nho nhỏ mới. Dù chỉ nhỏ xíu, nhưng cũng đủ đổi lấy một nụ cười trên gương mặt nàng.

   Ai bảo đến khi quá một ngưỡng tuổi đời họ mới gặp nhau, tất cả ràng buộc giữa anh văn nhân và nàng thi kỹ chỉ là những lời đàm đạo văn thơ. Có thể, là cả tình yêu nữa. Nàng chẳng phải Tiểu Thanh, nhưng nàng cũng chẳng cần giống nàng Tô Tiểu Tiểu – cái hình tượng thi kỹ thanh cao một thời. Với anh, nàng là Nàng Thơ.

   Lần đầu tiên, nàng là Nàng Thơ của một ai đó. Chỉ là của một ai đó vô danh trên cái thi đàn càng lúc càng giống một cuộc rượt đuổi của con chữ với mấy đồng nhuận bút và vài lời bợ đỡ tán dương của cánh phóng viên, vậy mà làm nàng, và cả anh, vui hơn bất cứ thứ gì trên đời.

   Hơn cả lần đầu tiên nàng được khoác áo dài trắng.

*

   Nhờ Nàng Thơ, lần đầu tiên anh có cảm giác mình là một văn sĩ.

   Xung quanh anh tràn ngập phóng viên với vô vàn câu hỏi và những cái nháy nhiếp ảnh. Anh chưa bao giờ có nhiều bạn bè đến thế. Họ bắt tay, đàm đạo cùng anh, cùng tìm cái thú phong trần nơi trà dư tửu lậu. Nhà anh nhiều khách quý đến thăm viếng, thành ra anh bận suốt. Với anh, cái bận rộn đó là một niềm vui, còn với kỹ nữ, nó là một nỗi buồn.

   Tự bao giờ, anh không còn tìm đến Nàng Thơ để bàn luận, hay chỉ đơn giản là một lời hỏi thăm. Nàng cho anh tình yêu, anh cũng đã thề sẽ yêu nàng mãi, rồi đến lúc anh sống ổn định hơn, sẽ đón nàng về.

   Căn gác của nàng vẫn có khách văn nhân, cũng có cả những vị khách gàn dở chỉ muốn chiêm ngưỡng một thú vui mới, một ả điếm cao quý sống trong căn phòng đầy sách với đèn. Nàng vô hồn. Những cuốn sách nàng trân trọng giờ chỉ để ôm cho quên sầu.

   Rồi anh tìm đến nàng, cũng đột ngột như lần đầu gặp gỡ.

   Nàng vẫn chờ anh.

*

  Chẳng phải tự dưng mà anh tìm về chốn của thi kỹ. Anh say mèm. Còn nàng thì lần đầu tiên, trước anh, lộ ra vẻ cuống quýt mừng rỡ. Anh chẳng nhớ mình đã nói gì, chỉ nhớ khuôn mặt nàng bỗng thất thần rồi nhạt nhòa nước mắt.

   Anh đã nói gì vào đêm hôm trước?

   Tỉnh lại trong căn phòng sách, anh thấy nàng ngồi uống cà phê bên khung cửa, mặc độc chiếc váy tím mỏng manh, tóc rối chưa chải. Làn đầu tiên nàng có cái vẻ trần tục như bao người đàn bà trần thế. Nàng vừa giống một người phụ nữ thuần thục nhưng vừa giống một thiếu nữ mới vào đời. Giờ anh mới nhớ ra câu hỏi rất lâu anh muốn biết.

   “Em bao nhiêu tuổi rồi?”

   “Không nhớ. Không biết.”

   Giọng nàng khàn khàn. Nàng ngồi ngược nắng, chói quá, anh không nhìn rõ gương mặt nàng biểu lộ những gì. Tấm ga trải giường nhàu nhĩ, nhưng không có chút sắc đỏ mà anh đã nghĩ. Dù chỉ là một điểm chấm nhỏ nhoi.

   À ra thế, hóa ra thi kỹ cũng chỉ là một dạng cao cấp hơn của kỹ nữ mà thôi.

   Nàng chìm đắm trong cuộc vui. Nàng chẳng còn khái niệm về thời gian nữa rồi. Anh sửa soạn quần áo rồi ra về. Nàng vẫn đứng bên khung cửa, lẳng lặng nhìn xuống bóng anh dưới đường vắng.

   Cho tới lúc anh đi mất hút.

   Những ngày sau đó, anh chỉ tới trong những cơn say. Anh đẩy hộ hồn nàng triền miên trên sóng, trôi phiêu lưu chẳng vọng bến hay ghềnh. Nàng quen rồi với những tiếng bước chân anh trên thang gác, quen rồi cái lúc anh lăn lóc đảo chao trong làn tóc rối, quen rồi với cặp môi anh điên dại sặc bỏng rát hơi men. Nàng quen, vì vậy nàng biết. Anh bị ông văn nhân nào đó đâm thọc sau lưng. Rồi một lần nữa mất trắng. Ồ, muốn mục tiêu lớn, thì anh phải học cách ăn vài cái bánh nhún nhường. Đời có như xưa đâu, có tài như nàng mà cũng chỉ là một dạng gái cao cấp. Nàng chải tóc bên khung.

   Nàng, không còn là Nàng Thơ.

   Từ bao giờ? Nàng không nhớ, không biết mà cũng chẳng có tâm tư để biết.

   Nhìn gương mặt đẹp đến xao lòng trong gương, nàng thấy rờn rợn dù bây giờ trời đã sáng.

   “Cô là ai?”

   Nàng nói với người trong gương.

*

   Thi kỹ tỉnh dậy giữa đêm. Anh đi tự lúc nào. Anh đến chia vui với nàng, có lẽ là lần cuối. Nàng biết, vì anh lại viết. Nghe đâu được giải thưởng lớn, rồi anh được cử đi học ở nước ngoài.

   Nếu biết níu giữ không được thì cứ đi đi, vướng mắc nhau chi cho rắc rối. Tóc xanh chẳng phải dây tình để mà níu người ta. Nàng lần tìm trên giá sách. Nàng chọn Xuân Diệu. Nàng ngồi đọc thơ. Nàng chẳng phải bến đợi, cũng giống như người giai nhân. Anh là khách làng chơi, cũng giống như du khách. Nhưng nàng vẫn giữ cái tôi cao ngạo của mình, có ra sao thì ra, nàng chưa một lần muốn cung kính đặt cốc rượu dưới chân anh như nàng kỹ nữ cung kính đặt nó dưới chân hoàng tử.

   Ai tỉnh? Ai say? Ai thương nàng? Thay vì hỏi thì nàng tự thương mình. Tự thương mình có phải tốt không, nàng tự đem mình về giấc mộng tả tơi. Anh đi, anh đi rồi. Bao năm một mình, bao kẻ đến lại đi, nàng có sao đâu. Ấy vậy mà nàng tự dưng sao mà cô độc. Dưới ánh đèn tù mù, nàng ngồi viết. Viết. Và viết.

   Nàng không rõ mình viết bao nhiêu trang, cũng chẳng nhớ nàng đã ném đi bao nhiêu tờ giấy. Đời nàng từ lâu mặc định chỉ vì khách làng chơi, đến giờ nàng chưa hối hận. Mà hình như có rồi. Bây giờ thì có. Cuộc yêu đương cứ gay gắt vì làng chơi. Anh chỉ đến bên nàng lúc say, vì lúc không say anh đâu ở đây. Lúc say, lúc buồn, anh chỉ cần một bầu ngực ấm dựa vào là đủ, để ngày mai lại theo đuổi thứ mình mong muốn.

   Đời lãng tử, chỉ cần mua vui trong giây lát. Và thi kỹ, là hợp với việc đó nhất còn gì?

*

   Xao xác tiếng đêm về sáng. Trăng ngà càng lạnh buốt. Tiếng chổi tre sàn sạt quét từng nhát mạnh trên nền đường. Nàng bỏ bút, chạy xuống mở bung cánh cửa. Nàng chạy trong đêm.

   Trời hửng sáng. Nàng lạnh lẽo đứng bên sông. Mắt run mờ, thi kỹ thấy sông trôi. Du khách đi.

    “Du khách đã đi rồi.”

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *