ÁNG VĂN HAYTruyện ngắnTuyển chọn tác phẩm

Truyện hai Phật cãi nhau (Trích Thánh Tông Di Thảo)

“Thánh Tông Di Thảo” là những ghi chép về chuyện thần tiên ma quái, tương truyền là do Lê Thánh Tông viết. Các câu chuyện không chỉ ghi chép lại về thần tiên ma quái mà còn ẩn chứa những câu chuyện dụ ngôn sâu sắc, thể hiện cho tư tưởng của tác giả. Học Viết xin giới thiệu với các bạn một truyện trích từ tác phẩm “Thánh Tông Di Thảo” có tên tiếng hán là “Lưỡng Phật đấu thuyết ký”, dịch ra tiếng Việt là “Truyện hai Phật cãi nhau”.


Năm Quý Tỵ lụt to. Những nơi nước đến, rắn rết bò lên ngọn cây, người ta phải nuôi gà chó trên cành. Đền chùa phần nhiều bị nước cuốn đi hay là đổ nát.

Ngày hai mươi bảy tháng Tám, nước rút, ta đi thuyền xem xét nơi nào bị thiệt hại thì chẩn cấp cho dân. Buổi chiều, đến bến đò Văn Giang, gió mưa mờ mịt. Ta cho buộc thuyền trước chùa rồi nằm ngủ. Đến canh ba, bốn bên im lặng như tờ, ta bỗng nghe trong chùa có tiếng nói xì xào. Lúc ấy, quan hầu đều ngủ say. Ta lén đi lên bờ, tựa cửa chùa dòm trộm, thấy một tượng phật bằng đất, chân đạp lên đầu một con thú, tay cầm kiếm, râu ria tua tủa như những ngọn kích, mặt vuông đầy thước, lưng rộng ba ôm, sắc mặt giận dữ, chỉ thẳng vào mặt một tượng phật gỗ ngồi ở bên trên, mắng rằng:

– Khoảng tháng sáu, tháng bảy, Hà Bá gây ra tai vạ, chính thân ngươi cũng không thể chống nổi nước lũ, phải trôi dòng dạt bãi, lúc nổi lúc chìm, mũ hoa để lem nhem, hài vẽ để bùn lấm. Khi ấy, các mụ nhà quê trông thấy ngươi, ngờ là cây chuối nổi, thợ mộc trông thấy ngươi nghi là khúc gỗ trôi. Đã bao lâu, ngươi vẫn là chỗ để cho bọn áo nâu tay chùng nấp bóng, thế mà bây giờ ngươi không sao kiếm nổi một bữa cúng chay[1]. Cũng may mà thân nhà ngươi hãy còn, được nhà sư đem về sửa lại áo mũ, tô lại vàng son. Ta nghĩ: trước ngươi đã gặp cảnh ngộ nhường ấy, nay còn mặt mũi nào dám ở trên ta mà hưởng lộc ba phẩm nữa?

Phật gỗ cũng phát khùng đứng lên nói:

– Ngươi không nghe trong kinh có câu: “Thế gian vạn sự bất như thường, hựu bất kinh nhân, hựu cửu trường[2] hay sao? Ôi! Lụt và hạn là bởi thiên tai gây ra. Lụt thì ta cùng trôi theo nước, khi nước rút ta lại trở về ngôi cũ, dẫu bị xiêu dạt giang hồ, nhưng có hại gì đến “chân thân” của ta? Vậy chẳng phải là “làm chủ muôn hiện tượng, không theo luật bốn mùa”[3] hay sao? Khi ở trên dòng nước lũ, ta trông về cảnh chùa nhà mà thương thay cho nhà ngươi gặp bước truân chuyên. Nước đến chân thì chân ngươi nát rữa, nước đến bụng thì bụng ngươi vỡ lở, nước đến lưng thì lưng và vai ngươi đổ sụp. Trán rộng, mi dài, thôi còn đâu nữa! Hỡi ôi, thương thay! Thân hình không giữ nổi, còn cười người chi?

Hai Phật còn đương nói, chợt Phật Thích Ca tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, bước ra mà rằng:

– Chao ôi! Hai ngươi đều có lỗi cả. Trong khi nước lớn mênh mông các ngươi đã không biết vận ngũ thông, dùng lục trí[4] thét lui muôn dòng nước về biển Đông, mà chỉ biết giữ cái hình hài bằng gỗ đất, ngồi hưởng rượu thịt của dân chúng, như thế đã không biết xấu hổ, lại còn đấu khẩu với nhau, không sợ “vách có tai” ư?

Hai Phật bị Phật Thích Ca bẻ lý, toan tìm lời chống chế, bỗng nghe bên chùa có tiếng người, ai nấy im thin thít.

Ta đẩy cửa trông vào, chỉ thấy đèn nến sáng choang, hai Phật cùng Phật Thích Ca đều trơ trơ ba khối đất và gỗ thôi.

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC: Hai phật cãi nhau là việc lạ, Phật Thích Ca bẻ hai Phật, lời nói lại càng lạ. Kể thì hai phật đều là vô công, mà còn đem việc ngồi trên ngồi dưới, lộc hậu, lộc bạc để tranh nhau, nên Phật Thích Ca chê là phải. Nhưng tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, thì có công gì với dân? Chẳng qua cũng như hai Phật kia thôi! Thánh thiên tử ruồng những lời nói tà, chống những việc làm lệch, chép nên bài văn lạ này, lời lẽ sâu sắc. Chẳng những kẻ ngồi không ăn lộc đọc đến phải toát mồ hôi trán, mà cả những người xuất gia đọc đến, cũng tự biết trở lại đường ngay. Thực là “đầu đề nho nhỏ, mà văn chương lớn lao”.

Ghi chú:

[1] Nguyên văn chữ Hán viết “vu bồ”. Nhưng chữ “vu bồ” chỉ có nghĩa là đánh bạc. Có lẽ ở đây là chữ “y bồ” nghĩa là bữa cơm chay thì đúng hơn. Chữ “y bồ” từng được dùng ở bài ký Tạ An đi chơi núi  Kê Túc, trong bài ký ấy có nói việc nhà sư dọn cơm chay cho ăn, gọi là “y bồ soạn”, bữa cơm chay của người mộ đạo.

[2] Đây là hai câu kệ ở sách Phật, có hai cách hiểu:

Ý kiến thứ nhất: “Muôn việc ở trên đời, không chi bằng bình thường, đã không làm cho người ta kinh sợ, lại được lâu dài”. Cắt nghĩa như thế, câu trên và câu dưới xuôi nghĩa với nhau một chiều. Ý kiến thứ hai: “Mọi việc ở trên đời thay đổi luôn luôn (bất như thường), nhưng lại (hựu) không làm cho ai kinh sợ và giữ nguyên được bản thể lâu dài (bất kinh nhân-cửu trường)”. Phật gỗ đem câu này ra để chứng tỏ thân mình đã qua một phen trôi dạt, rồi lại trở về chốn cũ y nguyên như trước, như trong bài đã nói: “Lụt, thì ta cùng trôi theo với nước (bất như thường), khi nước rút, ta lại trở về ngôi cũ (bất kinh nhân-cửu trường). Dẫu bị xiêu dạt giang hồ (bất như thường), nhưng có hại gì đến chân thân của ta (bất kinh nhân-cửu trường)”.

[3] Đây cũng là một câu kệ. Nguyên văn chữ Hán là: “Hựu vật tiên thiên địa, vô hình bản tịch liêu. Năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu”. Dịch nghĩa: Có vật tồn tại từ trước khi có trời đất, không có hình mà vốn lại lặng lẽ, làm chủ muôn hiện tượng, không điêu tàn theo bốn mùa.

[4] Lục trí: Thần cảnh trí, Thiên nhãn trí, Thiên tâm trí, Túc trụ tùy niệm trí, Lậu tận trí. Ngũ thông: Đạo thông, Thần thông, Y thông, Báo thông, Yêu thông. Nói chung là những pháp thuật thần thông của nhà Phật.

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *