Trần Nhân Tông (Trần Khâm) là vị vua được đánh giá là anh minh nhất triều Trần, đồng thời cũng là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Sớm bộc lộ tư chất của một vị vua anh minh, nhưng Trần Nhân Tông cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền của Trần Thái Tông (tác giả “Khóa hư lục”) và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Do đó, Trần Nhân Tông sớm có xu hướng Thiền học. Theo “Thánh đăng ngữ lục” kể lại thì Trần Nhân Tông đã nhiều lần từ chối ngôi thái tử và trốn lên Yên Tử để tu tập nhưng vua Trần Thánh Tông (cha ông) không đồng ý và bắt ông phải quay trở lại triều đình. 

Sau khi cùng triều đình nhà Trần bảo vệ Đại Việt khỏi hai lần xâm lượng của quân Nguyên Mông và đặt nền móng xây dựng thời kỳ thịnh trị, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lui về Yên Tử, thành lập Thiền phái Trúc Lâm, chuyên tâm tu đạo. Có lần, ông còn đi khất thực tới tận Chiêm Thành. Bài dẫn của Trần Quang Chỉ trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ đã mô tả về chuyến đi này rằng: Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước…

Dưới đây là một số bài thơ Thiền xuất sắc của Trần Nhân Tông:


SƠN PHÒNG MẠN HỨNG

I

Thuỳ phọc cánh tương cầu giải thoát, 
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên. 
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão, 
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Dịch nghĩa 

Ai trói buộc mà phải tìm phương giải thoát, 
Phẩm cách chẳng phàm tục cần gì tìm thần tiên. 
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già, 
Vẫn một chiếc giường thiền ở am mây cũ.

II

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc, 
Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn. 
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch, 
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Dịch nghĩa 

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm, 
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm. 
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch, 
Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn.


XUÂN HIỂU 

Thụy khởi khải song phi, 
Bất tri xuân dĩ quy. 
Nhất song bạch hồ điệp, 
Phách phách sấn hoa phi.

Dịch nghĩa 

Ngủ dậy mở cánh cửa sổ, 
Không ngờ mùa xuân đã về. 
Một đôi bướm trắng, 
Phần phật cánh, bay đến với hoa.


VŨ LÂM THU VÃN

Hoạ kiều đảo ảnh trám khê hoành, 
Nhất mạt tà dương thuỷ ngoại minh. 
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc, 
Thấp vân hoà lộ tống chung thanh.

Dịch nghĩa:

Chiếc cầu chạm vẽ đảo bóng vắt ngang dòng suối, 
Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước. 
Nghìn núi lặng tờ, lá đỏ rơi, 
Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng.


KỆ VÂN (TRÍCH “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ”)

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên, 
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. 
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, 
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch nghĩa:

Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo 
Đói thì ăn, mệt thì ngủ 
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác 
Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa.


HỮU CÚ VÔ CÚ

Hữu cú vô cú, 
Đằng khô thụ đảo. 
Kỷ cá nạp tăng, 
Chàng đầu hạp não, 

Hữu cú vô cú, 
Thể lộ kim phong. 
Căng già sa số. 
Phạm nhẫn thương phong. 

Hữu cú vô cú 
Lập tông lập chỉ. 
Đả ngoã toàn quy, 
Đăng sơn thiệp thuỷ. 

Hữu cú vô cú, 
Phi hữu phi vô. 
Khắc chu cầu kiếm, 
Sách ký án đồ. 

Hữu cú vô cú, 
Hỗ bất hồi hỗ. 
Lạp tuyết hài hoa, 
Thủ chu đãi thố. 

Hữu cú vô cú, 
Tự cổ tự kim. 
Chấp chỉ vong nguyệt, 
Bình địa lục trầm. 

Hữu cú vô cú, 
Như thị như thị. 
Bát tự đả khai, 
Toàn vô ba tị. 

Hữu cú vô cú, 
Cố tả cố hữu. 
A thích thích địa, 
Náo quát quát địa. 

Hữu cú vô cú, 
Điêu điêu đát đát. 
Tiệt đoạn cát đằng, 
Bỉ thử khoái hoạt.

 

Dịch nghĩa 

Câu hữu câu vô, 
Như cây đổ, dây leo héo khô. 
Mấy gã thầy tăng, 
Đập đầu mẻ trán. 

Câu hữu câu vô, 
Như thân thể lộ ra trước gió thu. 
Vô số cát sông Hằng, 
Phạm vào kiếm, bị thương vì mũi nhọn. 

Câu hữu câu vô, 
Lập công phái, ý chỉ. 
Cũng là dùi rùa, đập ngói, 
Trèo núi lội sông. 

Câu hữu câu vô, 
Chẳng phải hữu, chẳng phải vô, 
Khác nào anh chàng khắc mạn thuyền mò gươm, 
Theo tranh vẽ đi tìm ngựa ký. 

Câu hữu câu vô, 
Từ xưa đến nay, 
Chỉ chấp ngón tay mà quên vầng trăng, 
Thế là chết đuối trên đất bằng. 

Câu hữu câu vô, 
Như thế như thế! 
Tám chữ mở ra rồi, 
Hoàn toàn không còn điều gì lớn nữa. 

Câu hữu câu vô, 
Quay bên phải, ngoái bên trái. 
Thuyết lý ầm ĩ, 
Ồn ào tranh cãi. 

Câu hữu câu vô, 
Khiến người rầu rĩ. 
Cắt đứt mọi duyên quấn quít như dây leo, 
Thì hữu và vô đều hoàn toàn thông suốt.

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *