Bình thơTHƠ HAYTuyển chọn tác phẩm

Những Người Rỗng – The hollowmen (Một bài thơ của T.S. Eliot 1888-1965)

  Kính tặng hương hồn nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh và nhà thơ Vũ Hoàng Chương.
 
Những Ngưi Rỗng (The Hollow Men, 1925) không phải là bài thơ hay nhất hay nổi tiếng nhất của T.S. Eliot (1888-1965), nhưngcũng không thể coi là một bài thơ nhỏ, mặc dầu tương đối ngắn (98 câu), của ông.
 
 
Thơ của Eliot nổi tiếng là khó, với cả các học giả và phê bìnhgia Anh – Mĩ. Không phải khó vì dùng những từ cầu kì, cổ kính, mà vì tư tưởng – ông tiếp nối truyền thống “thơ siêu hình” của Donne (John) thi sĩ Anh ở Thế kỉ thứ Mười Bảy, Mallarmé (Stéphane) thi sĩ Pháp thuộc phái Biểu tượng chủ nghĩa ở cuối thế kỷ thứ Mười Chín, và nhất là Dante Alighieri, thi sĩ Í, Thế kỉ thứ Mười Ba,tác giả Divinia Commedia, với Ezra Pound, thi sĩ Mĩ thời nay chủ trương thi pháp Vosticism và Imagism, tác giả các bài thơ lẻ tẻ gọi là Canto (Ca Khúc) viết từ 1917 đến 1959. Thơ của Eliot lại khó vì quan niệm của ông về thơ; ông viết rằng “thơ đích thực có thể truyền đạt trước khi được hiểu”(genuine poetry can communicate before it is understood). Tôi để cả câu tiếng Anh vì không dịch nổi câu tuyên bố rất giản dị trên ra tiếng Việt một cách đích xác và trung thực. Người ta hiểu trực tiếp nhờ chữ nghĩa và nhờ ngữ pháp. Người ta hiểu gián tiếp nhờ những biểu tượng, những tỉ dụ, những siêu dụ hay nhờ cái giọng và đồng văn. Sự truyền đạt bởi thơ đến trước chữ nghĩa, trước cú-pháp, trước cả hình ảnh. Thơ của Eliot có tất cả, nhưng che phủ, đảo lộn, lắt léo, có khi nghịch đảo nên nghĩa lí không bao giờ đến ngay, kể cả khi các từ được dùng có vẻ như bình dị, thông thường, như trong bài Những Người Rỗng. Sự hiểu được kìm lại và sự truyền đạt (communication) đến trước. Truyền đạt bằng ý định (ngay từ tựa đề và câu văn dẫn); bằng hình thức và trước hết là thể thơ, đây là thơ tự do. E. Pound viết rằng “hình thức của (các) bài thơ là hình thức sống và quan trọng nhất trong thờiđó” (The form of these poems is the most vital form of thatperiod). Chính Eliot cũng viết về thơ tự do khi giảng về thơ của Ezra Pound (tựa cho tuyển tập thơ của E.P, 1928) và thơ của thi sĩ Pháp Jules Laforgue, rằng thơ tự do làm cho nhịp cách cổ truyền (traditional measure)[1] bị căng, bị chun, bị uốn vặn vẹo (stretch, contract and distort). Truyền đạt bằng cảm năng của thi sĩ, mà Coleridge có lẽ đã gọi là tưởng-năng tổng-hợp (synthetic power imagination), nghĩa là như Eliot giải thích “biến chuyển tư tưởng thành cảm xúc, cải dạng một nhận xét thành một tâm trạng.” Và cuối cùng, truyền đạt bằng thi-nhạc, nhạc trong thơ, mà E. Pound giảng là có một giá trị đặc biệt để “soi sáng bài thơ vì làm cho chú ý đến chi tiết. Mỗi bài dân ca nào cũng có ít nhất là một câu mà ý nghĩa hoàn toàn trong sáng. Câu ấy hợp với nhạc. Câu ấy thường là câu nhạc” (Ezra Pound – ABC về phép đọc (thơ). Khi dịch thơ, ý nghĩa của thơ chỉ bị mất mát ít thôi, nhưng sức truyền đạt có thể bị mất đi nhiều lắm.
 
*
 
Giới thiệu T.S. Eliot với các độc giả Việt Nam, có lẽ tôi không nói gì hơn được rằng Eliot viết thơ, kịch thơ và phê bình không những thơ mà cả văn hóa, và ông đã được tặng Giải Nobel Văn Chương năm 1924.
 
Ông viết Những Người Rỗng vào lúc đó và hoàn thành bài thơ ấy để xuất bản, một bài riêng cho một cuốn thơ, năm 1925, một năm sau bài The Waste Land (Ðót khát, Ðất Hoang/Ðất Bạc/Ðất Tàn) là bài thơ đã đưa danh tiếng của T.S. Eliot lên như cồn trong thi đàn Âu-châu và thế giới.
 
Có lẽ Những Người Rỗng đã được thai nghén rất lâu và thành hình cũng chậm. Năm 1924, một đoạn 18 câu được đến tay thi sĩ St-John Perse ở Paris, như một bài thơ chưa xuất bản. St-John Perse (tên thực: M. R. A. A. St-Léger Léger) là một nhà chính trị[2] và một thi sĩ Pháp được Giải Nobel về Văn Chương (Thơ) năm 1960. Hai người đã là bạn văn thơ với nhau và (?) có thể S. J. Perse đã hỏi T. S. Eliot về bài thơ còn vô đề và chưa in này. Dầu sao, Persecũng tỏ ra rất thích thú, và đã dịch Eliot, rồi cho in cả nguyên văn lẫn bài thơ dịch của mình trên báo Commerce, hai bản văn đối chiếu nhau.
 
Tôi dịch bài thơ của Perse, vì cũng là một thi hào lớn, và cũng để hai bài dịch đối chiếu nhau, tuy tôi không phải là một nhà thơ.
 
Poème inédit
 
Aumône aux hommes de peu de poids.
Nous sommes les hommes sans substance
nous sommes les hommes faits de paille.
 
Pressés en foule fraternelle,
têtes bourées de paille. Hélas!
Nos voix stériles, si tout bas
nous murmurons en foule,
 
sont voix plus douces et plus vaines
que le souffle du vent parmi l’herbe stérile,
que la course des rats sur les débris de verre,
dans nos caves stériles.
 
Ombres sans forme, nuances sans couleur,
force sans mouvement et geste qui ne bouge…
 
Ceux qui s’en furent
droit devant eux, vers l’autre Royaume de la Mort,
songeant à nous, s’ils songent à rien, n’évoquent point
des âmes
violentes et perdues, mais seulement
les hommes sans substance,
les hommes faits de paille.
 
dịch bởi St-John Perse
Commerce, 1924
 
 
(Bài thơ chưa xut bản)
 
Tiền thí cho những người nhẹ cân
Chúng ta những ngưi vô cht liệu
Chúng ta là những ngưi bằng rơm.
Xúm nhau thành quần chúng anh em,
đầu nhồi những rơm rác. Ôi thôi!
Tiếng nói ta vô ích, nếu khe khẽ,
ta thì thầm cả đám,
thì còn êm dịu và vô tích
hơn là gió lướt trên cỏ héo khô,
là chân chuột chạy trên mảnh tinh vỡ,
trong các hầm rượu đã cạn sạch.
 
Bóng không hình, mầu không sắc,
Sức không chuyển và cử động không nhúc nhích…
 
Những kẻ đi
thẳng đằng trước, đến Vương quốc kia của Sự Chết
nghĩ đến chúng ta, nếu có nghĩ
đến một cái gì, không gợi lên những
linh hồn
dữ dằn và lạc mất, mà chỉ đến
những người không chất liệu,
những người làm bằng rơm.
 
Người dịch: Trần Ngọc Ninh 2001
 (dịch từ Pháp văn)
 
Bài thơ trên, của St-John Perse, là của một đại thi hào dịch một đại thi hào. Vì thế, sức truyền cảm rất mạnh, do thi tứ và thi từ của người dịch, với cái ý tứ hay là tư tưởng và ý định của người viết. Một phần nào. Phần còn lại sau khi dịch. Như Pierre Leyris, một nhà văn và dịch giả khác mà tôi sắp nói tới, đã viết năm 1956, bài dịch này là “Khi T. S. Eliot nói (tiếng) Perse.” Tên của thi sĩ dịch giả (Perse) cũng là tên của một nước thái cổ (nước Perse, ta gọi theo Hán tự là Ba Tư), và câu trên là một trò chơi chữ rất ý nhị (không dịch được)[3].
 
Vì lí do ấy, không ai có thể khen hay chê bài dịch của St-John Perse.Bài dịch ấy có, tự nó. Cũng như không ai khen hay chê Chinh PhụNgâm của Phan Huy Ích hay của Ðoàn Thị Ðiểm là đúng hay sai so với nguyên văn của Ðặng Trần Côn. Hay Tì Bà hành của Phan Huy Chú là sát hay lơi Tì Bà hành của Bạch Cư Dị. Ðó là những bản văn đứng hiên ngang một mình. Như Le Cid của Coneille, như Iphigénie của Racine. Như Faustcủa Goethe. Xa hơn nữa, như Ðám cưới Figaro của Mozart với Ðám cưới Figaro của Beaumarchais. Và như Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài-nhân.
 
*
 
Bài thơ dịch của St-John Perse hàm súc một tư tưởng xã hội và chính trị. Nous, chúng ta, là những người dân nghèo, nếu không phải là những người lao động. Còn “những kẻ” kia, đang “đi thẳng đến Vương quốc khác của sự Chết,” là bọn chủ, bọn tư bản, đầu rỗng không (“nếu chúng có nghĩ đến một cái gì,” đã không hiểu nổi những người rất “nhẹ cân” trong xã hội, “bóng không hình…,” chỉ biết “thì thầm” vô ích và vô tích.
 
Khi dịch bài thơ vô đề chưa xuất bản của T. S. Elito thì St-John Perse chỉ có Ðoạn I của bài thơ năm đoạn. Ðoạn I này có một cái nón đội bí hiểm trên đầu, là:
 
A penny for the Old Guy
mà St-John Perse đã dịch là
 
Aumône aux hommes de peu de poids
và tôi dịch theo là
 
Tiền thí (bố thí) cho những ngưi nhẹ cân
Khi bài thơ đã hoàn thành, thì người ta thấy nó có đến hai tựa đầu, một là
 
Mistah Kurtz – he dead (M.K., nó chết)
in dưới niên biểu 1925, ở tờ đầu để trắng, và hai là
 
A penny for the Old Guy (một xu cho Lão Guy)
 
ngay đầu bài thơ. Lại còn đầu đề THE HOLLOW MEN (Những Người Rỗng), chính thức trùm lên cả bài thơ, để định rõ ý nghĩa, nếu không phải là đối tượng thì cũng là của hình ảnh để qui chiếu đối tượng.
 
Mỗi đề từ này có một điển cố.
 
Ngưi rỗng, hollow men, được nói tới đầu tiên bởi Shakespeare,
trong kịch Julius Caesar
 
Khi tình yêu bắt đầu đau ốm và tan rã,
Thì dùng đến một nghi lễ bắt buộc phải theo.
Không có mẹo lừa chi cả, trong lòng tin thật thà giản dị,
Mà chỉ có những ngưi rỗng…
(Hồi IV, màn 2)
 
/Ngưi rỗng/ của Shakespeare là những người chỉ còn hình thức, đã hết tin và hết yêu, nhưng vẫn như còn yêu thương cho đến khi vào cuộc chiến thì lộ chân tướng “như ngọc giả, khi thử, thì xẹp lép.” Tuy nhiên không nhận điển cố ấy, và chỉ nhận rằng nhà phê bình G. Tillotson nói có phần đúng, người rỗng là kết hợp hai tựa đề sách, một của William Morris (The Hollow Land: Ðất Rỗng), một của Rudyard Kipling (The Broken Men: Những Người Ðã Gẫy Gục). Shakespeare là đại văn hào của Thế kỉ thứ Mười Sáu mà không một người Anh nào không biết, nhưng ít ai đọc nổi Julius Caesar (một kịch lịch sử về Roma) và càng ít người hơn nhớ đến /những người rỗng/ của Ông Sẩm Già ở Avon, tuy rằng phần lớn các cặp tình nhân đã ít nhiều “rỗng” sau một thời gian chung sống. Nhưng hai cuốn tiểu thuyết đương thời của hai tác giả thời danh thì chưa hoàn toàn bị lãng quên trong xã hội Anh quốc giữa hai Thế Chiến.
 
*
 
Tôi nói hơi dài dòng về một điển cố văn chương vì cũng vào khoảng này, trong những năm ba mươi của Thế kỉ thứ Hai Mươi, Phong trào Thơ Mới ra đời ở Việt Nam và các thi sĩ của Phong trào cùng với bạn bè đã kịch liệt đả phá sự dùng điển trong thơ văn. Thực ra thì đây chỉ là một cái cớ và một cách để quét Chinh Phụ Ngâm và Ðoạn Trường Tân Thanh vào thùng rác và rước Nàng Thơ (La Muse) của Alfred de Musset vào thơ Việt Nam sau vụ khởi nghĩa thất bại ở Yên Bái. Nhưng cả một nền văn-học song-ngữ hơn hai ngàn năm của một thời đại độc lập xưa không thể bị hất đi một cách dễ dàng như thế, mặc dầu thơ mới trong khoảng 15 năm sau đó cũng để lại được một số bài có thể còn sống sau một trăm năm. Và với Vũ Hoàng Chương cùng các thi hữu thuộc thế hệ thứ hai của Thơ Mới, điển-cố Hán-Việt cổ lại trở lại Văn đàn Việt Nam, những hình ảnh thanh nhã xưa của dân tộc lại về trong thơ, với thơ. Như hai câu lục bát của thi sĩ Ðinh Hùng:
 
Chèo đưa mây dáng ngập ngừng
Lao xao hoa nắng thủy cung in hình
(Thủy Mặc)
 
hay hai câu thơ trong Thơ Gởi Vợ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, viết từ Nhà tù Chí Hòa, tháng Sáu năm 1976, vài ngày trước khi chết:
Thm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non
 
Ðiển lông hồng/non Thái không cần phải giảng, không một người Việt Nam nào không biết, không phải từ uyên nguyên trong Sử Kí của Tư Mã Thiên (“tính mạng của ta, nặng như núi Thái, nhưng cũng có lúc phải coi nhẹ như một sợi lông tơ”), qua thơ của Lí Bạch mà bắt đầu từ những bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn (? -1745?).
 
Trương phu thiên lí chí mã cách
Thái sơn nht trịch khinh hồng mao.
 
mà Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) phiên là:
Trượng phu mã cách quản bao
Ra tay Non Thái dưng gieo lông hồng.
 
và Phan Huy Ích (1750-1822) dịch:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ nhữ hồng mao[4]
 
Dưới ngọn bút của Vũ Hoàng Chương, không những điển rất cổ kính và nghiêm trọng trên được chuyển thành tình cảm rất chân thực và thân mật của một người tự biết là sắp bị chết gửi cho vợ, mà còn nói ra sự thấm nhuần Ðạo Phật của thi sĩ và lòng thương xót vợ con của một con người. Ðiển cũ được đảo nghịch và nhân loại hóa để cá nhân hóa:
 
Sử kí và Chinh phụ : Thái Sơn –> Hồng mao
 ———————– :———————————
Vũ Hoàng Chương  : Lông hồng –> Non (Thái)
 
(Thi sĩ bóc cái nhãn hiệu made in China của điển đi)
 
Coi tính mạng của mình nặng như núi Thái là vì Nho giáo dạy rằng thân ta là của cha mẹ (Công cha như núi Thái sơn); nhưng khi có lệnh của vua thì phải coi nhẹ như một cái lông tơ (quân thần trên phụ tử). Ðó là đạo đức phong kiến. Miễn bình luận.
 
Coi cái tính mạng của chính mình như sợi lông hồng, vô thường, vô ngã, là cốt tủy của Ðạo Phật. Thi sĩ bình nhật vẫn không cho cái thân xác mình là quan trọng:
 
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
với thi gian lê vết máu qua đi (1963)[5]
 
và ngay cả thơ cũng mất:
vần điệu của Thi nhân chỉ còn là rơm rác
và chỉ nguyện được là rơm rác, (1963) (5)
 
nhưng trước cái chết (chết theo vào đến lưng chừng – 1976):
Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Ðêm về gic ngủ lại thương con, (1976)
 
thì lại thấy rằng cái mạng sống mà mình cho là nhỏ nhoi, nó nặng đến thế nào cho những người còn phải sống trong tình thương nỗi nhớ. Thi sĩ không viết mướn cho chính quyền, cũng không tâng bốc một giai cấp nào cho họ liều mình vì chúa. Thi sĩ thật với mình.
Thi sĩ trung với lòng mình, và với cái tâm có tình, có trí, của con người.
 
Những ai biết thi sĩ Vũ Hoàng Chương trước những ngày ông bị bắt, có lẽ còn có thể hiểu được bài thơ Thơ Gởi Vợ của thi sĩ nhiều hơn nữa, thực hơn nữa, bằng xương bằng thịt. Ông gầy như thể toàn thân chỉ còn là thơ, và thường chỉ từ Gác Bút ở Phường Cây Bàng qua đường Phan Thanh Giản đến Chùa Giác Minh đàm đạo về Thơ và Giáo lí với Thượng tọa Ðức Nhuận. Ở trong tù (vì cớ gì? có án lệnh không? có hỏi cung không? có “tự tự thú” như trong các Vụ Án Moscova không?), tôi cũng không hiểu làm sao thi sĩ có thể “xác mỏi mòn” hơn nữa sau một tháng “một manh chiếu bả” và “ba chén cơm rau”?
 
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non
 
không phải là một điển xưa tích cũ đã mòn được lộn ngược lại, mà là một sự thật cân được bằng cái mạng của nhà hóa học Lavoisier của thi sĩ André Chénier mà Cách Mệnh Pháp còn mang trong lương tâm cũng như trong đời sống, hơn hai trăm năm sau và mãi mãi khi đưa hai thiên tài vô tội ấy lên máy chém[6].
 
*
 
Tôi xin lỗi các độc giả vì đã ra ngoài đề, mà còn nợ hai điển cố với một bài thơ.
 
Bài thơ Những Người Rỗng của T.S. Eliot còn có hai cái chìa khóa, là hai đề-từ dùng làm tựa cho bài thơ, cho những ai chưa bằng lòng với sự truyền đạt của thơ và muốn tìm nghĩa lí của bài thơ.
 
Hai điển cố bị cắt rời ra trong bản in. Dưới đầu đề (tựa đề) 
Những Ngưi Rỗng (The Hollow Men) và niên biểu 1925 là:
 
Mistah Kurtz – he dead
M. K. – nó chết
 
Trên bài thơ, ở một trang khác trong thi tập, là:
 
A penny for the Old Guy
Một xu cho Ông Già Guy
 Lão Guy
 (Lão già)
 
Old Guy (đọc: [gai]) thường chỉ có nghĩa là “Lão Già” /Guy/, danh từ chung, đặc biệt của tiếng Anh (và tiếng Mĩ, T.S. Eliot là người gốc Mĩ, sinh tại St Louis, Missouri, học tại Harvard, trước khi sang học ở Cambridge, anh và Sorbonne, Paris, Pháp, rồi lấy quốc tịch Anh), là một từ của cấp bình dân, tương đương với Pháp /gars, garcon/; giống cái của /guy/ là /gay/, Pháp /garce/, ít dùng bởi giới gọi là “có học.”
 
/Guy/ viết hoa, là danh từ riêng. Người Pháp cũng có dùng tên này, nhưng hiếm khi, như Guy de Maupassant (nhà văn), Guy de Chauliac (giải phẫu gia Trung cổ).
 
The Old Guy là một người lịch sử, bất cứ người Anh nào cũng biết.
 
Tên thật của hắn là Guy Faukes. Sinh năm 1570, cha mẹ theo Ðạo Cải Cách (Tin Lành), nhưng hắn bị dụ trở về với Ðạo Catho; sang Ipanha đăng lính đánh Holan (bỏ Ðạo), trở thành một tên cuồng tín và bị một tên cuồng tín khác là R. Catesby tuyển về lại Anh quốc để âm mưu lật đổ vương quyền, khi ấy là do vua James I lãnh đạo, ngõ hầu lập lại Ðạo Catho ở nước Anh. Ngày 5 tháng 11, năm 1605, Guy đem thuốc súng vào Quốc Hội, chờ đúng lúc vua đến khai mạc Quốc Hội sẽ cho nổ chết hết. Nhưng bị bắt quả tang trong hầm Ðiện Westminster với thùng thuốc nổ, hắn đã bị tra tấn tàn nhẫn và bị xử giảo. Còn tên đầu đảng Catesby thì bị bắn chết khi chống cự lại lính đến bắt. Vụ này gọi là vụ âm mưu Thuốc súng (Gunpowder Plot).
 
Từ đó, ngày 5 tháng 11 thành một ngày hội trẻ con được đốt pháo, diễn lại vụ Thuốc súng ở Quốc Hội. Trẻ con nhà nghèo không có tiền mua pháo thì lấy những mụn vải may thành hình người, nhét rơm vào đem ra đường phố xin tiền; gặp ai cũng chặn lại, xin “a penny for the Old Guy,” “một xu cho lão Guy.” Có tiền mua pháo rồi thì các hình nhân chất lên để đốt. Tục này cũng giống như trẻ con Việt Nam ngày xưa, cứ tối ba mươi Tết thì dắt nhau đi các nhà, đến cửa nhà nào thì hát “Súc sắc súc sẻ / Nhà nào còn đèn còn lửa / Mở cửa cho anh em chúng tôi vào…” để chúc tụng và xin tiền mở hàng. Ðiển “Lão Guy” dĩ nhiên có một ý nghĩa khác.
 
Còn Mistah Kurtz, trong đề từ thứ nhất, thì là nhân vật chính trong truyện ngắn Heart of Darkness (Tim của Tối tăm, 1905) của J. Conrad, một tiểu thuyết gia gốc Polan, quốc tịch Anh, sống vào cuối Thế kỉ thứ Mười Chín. Chuyện xảy ra ở Congo, Africa. Kurtz là một người hung dữ, tàn ác, nhưng hắn không bị bắt và bị hành tội. Hắn cũng chết, nhưng được chết tự do. Heart of Darkness là một tác phẩm được đón nhận bởi các phê bình gia như một khai phá mới, kì diệu, trong văn thể truyện ngắn, và đã mở đầu cho một dòng sáng tác đặc sắc trong Thế kỷ thứ Hai Mươi.
 
Với những kiến thức ấy, đọc tác phẩm của T.S. Eliot, ta thấy Những Người Rỗng không còn truyền đạt sự tranh đấu nữa, mà truyền cảm một nỗi buồn mênh mang về những mập mờ trong sự sống và sự chết của người ta, mà tôn giáo chỉ cho những hình ảnh lạnh lẽo, vô tình trống không của một vương quốc hoàng hôn.
 
Tôi không đưa hết bản dịch Việt văn của tôi vào báo. Trước hết là vì tuy chỉ có 98 dòng, nhưng cũng quá dài với một tờ báo. Chính T.S. Eliot cũng viết từng đoạn một, năm đoạn để ở năm nơi trước khi gom lại thành một bài đầy đủ. Ngoài St-John Perse đã công bố bản dịch đầu tiên của Phần I (1925), còn có ba dịch giả Pháp nữa[7], và cả ba dịch giả đã đưa ra hai, ba và năm bản dịch, mỗi bản dịch có những đoạn hay những câu tuyệt hay, mỗi bản dịch có những khám phá kì diệu, nhưng không bản nào có thể gọi là toàn bích. Khi dịch The Hollow Men từ Anh ngữ sang Việt ngữ, tôi đã được tham khảo cả bản dịch đầy đủ và được đọc một số những lời phê bình của các học giả Anh và Pháp về mỗi bản dịch. Trong việc dịch cũng như việc tìm hiểu, tôi đã nhờ rất nhiều vào sách của G. Williamson (Hướng dẫn Ðộc giả vào T.S. Eliot , New York, 1949). Cuốn sách của bà J. F. Hooler (Những thơ của T.S Eliot dịch ra Pháp văn, UMI Research Press, Ann Arbor, 1983), thực là quí báu về tài liệu. Sau cùng, chính tập bài giảng của T. S. Eliot ở Cambridge và ở Ð.H. Johns Hopkins về Các Loại Thơ Siêu Hình (Faber-Faber, London, 1993) đã giúp tôi rất nhiều để hiểu được thơ siêu hình Anh, Pháp và chính thơ của T. S. Eliot, một cách gián tiếp.
 
Tôi không thể trích đăng được hết các bài dịch và bắt buộc phải chọn. Theo sự chỉ dẫn của Ô. Hayward (bạn thân của T.S. Eliot) và bà Hooker, một bản dịch của Pierre Leyris đã được lựa ra (bản cuối, 1976). Leyris là người cầm đầu ban Anh văn của Nhà xuất bản Seuil, Paris. Ông đã dịch được nhiều tác gia, từ Blake đến Yeats (hơn 20 người), qua E. Brote, Shakespeare… Ông lại đã được chính T. S. Eliot và bạn thân là Hayward chỉ dẫn để tìm từng chữ cho xác đáng và hay trong nhiều năm, từ 1947 cho đến khi Eliot chết (1965). Tôi hoàn thành việc dịch vào khoảng đầu năm 2000, và đã cất bản dịch ấy đi để xét lại một năm sau, với một sự hiểu có lẽ thâm sâu hơn về bài thơ của T.S. Eliot. Kết quả sau mấy tuần sửa chữa là bản dịch thứ hai. Tôi biết rằng vẫn chưa ổn khi so sánh với P. Leyris: từ 1936 đến 1976, ông đã cho ra năm bản dịch: đó là dịch từ Anh văn sang Pháp văn, hai, ngôn ngữ bà con gần như Hán văn với Việt văn, và với sự liên tục thảo luận với tác giả! Lời nói của Paul Valéry đúng, không những cho thơ sáng tác, mà cả cho thơ dịch: “một bài thơ không bao giờ có thể xong được.”
 
*
 
Hai bài dịch Việt ngữ đều là dịch thẳng từ Anh ngữ, nhưng với sự tham khảo mà tôi đã kể rõ ở trên. Trừ bài dịch thơ của St-John Perse, không có bài nào dịch từ các bài dịch Pháp văn.
 
Ðoạn I, 18 câu, được dịch theo từng dấu phẩy, vì chấm câu cũng như các khoảng cách và các điểm ngưng cũng là thơ. Tôi chưa thành công hẳn, vì nhiều chữ (từ) của nguyên văn có hai ba nghĩa mà tiếng Việt không dịch được hết. Tôi chỉ bằng lòng có một chữ /we/ dịch là /chúng ta/, nghĩa là “tôi + các bạn,” không phải là /chúng tôi/, nghĩa là tôi và (chúng) nó,” loại các bạn ra. /We/ cũng như /nous/ không có sự phân biệt ấy. Theo đồng văn, /we/ trong thơ là “chúng ta.” Chúng ta là những người rỗng, như những hình nhân bằng vải hình tượng Lão Guy. Ðối lại với những “kẻ đã đi rồi,” như Mistah Murtz (nó chết). Ðó là đối nghịch thứ nhất trong khung cảnh của một nhà thơ, chúng ta – những người nộm – họp nhau rầm rì cầu nguyện cho những người “ra đi.”
 
Hình nhân Lão Guy  :        Mistak Kurtz
 ————————-:———————-
Bị chết                       :         Chết                                                   
————————————————-        
 (Chúng ta) nộm        :       Người chết (chết thật)
                                 
    
Ðoạn II là một mộ địa, đối nghịch với cảnh giới của Ðoạn I, là thánh đường của nhà thờ:
 
Vương quốc (chết)    :       Vương quốc mơ (chết)
(viết hoa)                   :             (hoàng hôn)
——————————————————————
Tôi (không gần)        :      Các con mắt không hiện
   (hóa trang)              :      Các tiếng nói đang lu
 
 
Tôi chỉ gửi lời chào các bạn đọc vì chỉ giới thiệu thơ chứ không biết giảng thơ.
 
2001
Trần Ngọc Ninh
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
 

 


[1] Tôi không hiểu rõ T.S. Eliot muốn nói gì khi ông dùng danh từ “measure.” Từ này thuộc về âm nhạc nếu không phải là ngôn ngữ thông thường. Trong thi pháp danh từ meter (Pháp mètre), tôi thường dịch là thi thước.
[2] St-John Perse, thi sĩ Pháp (1887-1975), bắt đầu làm trong ngành ngoại giao (Tổng thư kí Bộ, 1933), bị cách chức và bị đuổi ra khỏi quốc tịch Pháp năm 1940 vì chống lại chủ nghĩa quốc xã của Hitler. Ông sang Hoa Kì và năm 1941, được Tổng thống Roosevelt mời làm cố vấn chính trị về nước Pháp. Sau Thế chiến II, năm 1957, ông trở về Pháp. Năm 1960, ông nhận Giải Nobel với quốc tịch Pháp.
[3]Anabase (1924) một bài thơ lớn của St-John Perse, cũngđược T.S. Eliot dịch sang Anh văn (1930). Eliot viết rằng ông chỉ có một mục đích, là “giới thiệu một nhà thơ lớn và mới cho một số độc giả nước ngoài, và giúp cho sự hiểu thơ của thi sĩ này được dễ dàng hơn, vì bài thơ này khó và không thể nào giảng giải được bằng cách nào khác là bằng chính nó.”
Ðó cũng là mục tiêu của bài này. Nhiều bài thơ, dịch may ra mới có thể nói được hết ý của một bài thơ hay. Sự truyền cảm là một vấn đề khác.
[4]Theo sách Chinh Phụ Ngâm Bị Chú của G.S. Hoàng Xuân Hãn.
Theo G.S. Lê Hữu Mục thì câu này phải được đọc là:
Gieo Thái sơn nhẹ nữa hồng mao
còn thông thường, học trò đời nay, không cần biết ngữ cổ, vẫn quen đọc là:
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
[5] Vũ Hoàng Chương – Lửa Từ Bi, Saigon, 1963.
[6]Antoine L. Lavoisier (1743-1794), hóa học gia Pháp, người đầu tiên đã dùng cái cân để cân các chất trước và sau mỗi thí nghiệm hóa học, và bác bỏ được một thiên kiến rằng nhiệt (heat, chaleur) là một chất; ông đặt ra nguyên lí về sự bảo tồn vật chất, khám phá ra chất oxygenum (dưỡng khí)… Hóa học khoa học nhận Lavoisier là ông Tổ. Cách mệnh Pháp giết.
NM. André Chénier (1762-94) là thi sĩ Pháp đầu tiên đem tình cảm vào thơ. Cách mệnh Pháp giết.
[7] Ngoài ba dịch giả có thể gọi là chuyên nghiệp này (P. Leyris), G. Cattaui, C. Moncheur) và thi sĩ St-John Perse, còn phải kể vài danh sĩ đã dịch một hai bài của T.S. Eliot, là André Gide, triết gia Jean Wahl, G.S. Cazamian.
Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *