ĐIỂN TÍCH - ĐIỂN CỐ

NGUỒN GỐC CỤM TỪ “CỬU NGŨ CHÍ TÔN”

Người ta thường gọi các bậc đế vương cổ đại là “chân long thiên tử, cửu ngũ chí tôn” 真龙天子, 九五至尊. Tại sao gọi hoàng đế là “cửu ngũ chí tôn”?

Có thuyết cho rằng từ “cửu ngũ” bắt nguồn  từ Chu Dịch 周易. Bộ sách này được người Trung Quốc xem là trứ tác triết học kinh điển. Càn 乾 tượng trưng cho trời, Khôn 坤 tượng trưng cho đất, mà quẻ Càn đứng đầu 64 quẻ. Càn là cực dương cực thịnh. Trong quẻ Càn lại có hào “cửu ngũ” 九五 tức hào thứ 5 là tốt nhất. Cho nên người ta dùng “cửu ngũ” để đại biểu cho tướng đế vương  chí tôn. Ngoài ra, hào từ ở hào “cửu ngũ” của quẻ Càn là “phi long tại thiên” 飞龙在天, cho nên được đế vương dùng đến.

Còn có một thuyết khác, gọi hoàng đế là “cửu ngũ” là do bởi ở số học thời cổ phân làm số âm và số dương, chẵn là âm, lẻ là dương. Trong số dương thì số 9 là lớn nhất, số 5 ở giữa. Chữ “cửu” 九 (số 9) hài âm với chữ “cửu” 久 (lâu dài), mang ý nghĩa trường trường cửu cửu, vạn thế vạn đại. Nhân đó mà đã dùng từ “cửu ngũ” để chỉ sự chí cao vô thượng của hoàng đế, thiên tử chính chống, vạn thọ vô cương.

Mặc dù cách nói có khác nhau, nhưng cả 2 thuyết đều có ý nghĩa nêu bật hoàng quyền chí cao vô thượng, tôn quý tứ phương. Cho nên hậu thế theo đó mà dùng.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 27/10/2016

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *