GIỚI THIỆU SÁCHPhê bình

KẾT CẤU GIẤC MƠ TRONG TRUYỆN NGẮN “GIẤC MƠ” CỦA FRANZ KAFKA

1.  Lặng lẽ và cô đơn, Franz Kafka ( 1883 –1924 ) gửi niềm đam mê cùng nỗi lo âu của mình vào trong những sáng tác. Ông rụt rè giữa thế kỷ XX đầy biến động, âm thầm dệt nên công trình vĩ đại bằng ngôn từ, đâu ngờ, chính những tác phẩm ấy, rồi đây, sẽ cắm những cột mốc cao vọi trên văn đàn thế giới. Và ông, dù muốn dù không, sẽ là “ một hiện tượng tới hạn không lặp lại” (1), nhà tiên phong của những cách tân nghệ thuật đầu thế kỷ.
Nói đến cái mới của nghệ thuật Kafka, giới nghiên cứu thường nhắc đến thủ pháp diễn đạt cái không thể diễn đạt, sự khai mở đề tài phi lý, “ tính chất mở” (Umberto Eco )… Milan Kundera lại phát hiện ra “ sự tưởng tượng bị ngủ quên trong thế kỷ XIX đã được F. Kafka thình lình đánh thức” (2) và ông trân trọng gọi các tác phẩm của Kafka là “ tiếng gọi của giấc mơ” (3). Tiếng gọi ấy đâu chỉ vọng vào trong các tiểu thuyết như Kundera đã nói, nó còn leo thang sang mảnh đất của truyện ngắn. Nhìn lại những tác phẩm của Kafka, Giấc mơ vừa là tên gọi của một chương trong tiểu thuyết Vụ án ( chương XVI theo cách sắp xếp của nhà nghiên cứu người Đức Helmut Richte) vừa được xem như một truyện ngắn độc lập trong tuyển tập truyện Biến dạng. Với tư cách truyện ngắn, Giấc mơ là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, gợi lên được những điều cốt lõi trong thế giới nghệ thuật của Kafka.

2.  Từ thuở hồng hoang, giấc mơ đã đi liền với con người. Như điệu luân vũ đêm ngày làm nên nhịp thời gian, cõi thực và cõi mộng song hành giúp người hiện hữu cả trong hai thế giới. Với người cổ đại, giấc mơ là bức thông điệp được gửi từ các vị thần, mang theo bao sức mạnh tiên tri về những điều sẽ tới. Giấc mơ là cánh cửa diệu kỳ, như cách nói của Kahlil Gibran : “ Hãy kỳ vọng vào giấc mơ, nơi đó đang ẩn giấu cánh cửa để đi đến điều trường tồn bất diệt”.  Khi nhà Phân tâm học Pierre Daco đặt bút viết về những cơn mơ, những người nằm mơ : “ Người ấy liên hệ với những con người, những nơi chốn, những đồ vật, những con thú… mà trong lúc nằm mơ, người ấy coi là những thực thể, cũng giống như những hiện tượng trong đời sống thực khi tỉnh thức” (4 ) hẳn ông luôn hiểu rằng : Mơ mộng là một đặc trưng của con người, của cả cuộc đời này, và những giấc mộng chính là “ hành lang nối liền” giữa vô thức và ý thức, giữa cõi mộng và cõi thực,  “ Không gì có tính cá nhân hơn là giấc mộng… Giấc mộng lôi kéo chúng ta vào những ngóc ngách hiểm hóc của nó mà chúng ta không thể cưỡng lại được” (5)

Với những đặc trưng của nó, đặc biệt là tính mãnh liệt của những tưởng tượng, giấc mộng đi vào văn chương nghệ thuật như một tất yếu. Bàn về mối quan hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và chiêm bao, Sigmund Freud cho rằng : “ Những hình ảnh biểu hiện  (explicit) trong chiêm bao và trong tác phẩm nghệ thuật chỉ là những hình ảnh tượng trưng để ngụy trang những ham muốn tiềm ẩn (latent)”( 6). Theo Freud : “Phải giải mã những hình ảnh tượng trưng để hiểu được những ham muốn thực sự của người chiêm bao và tác giả tác phẩm nghệ thuật” (7)

Trong dòng chảy của những cuộc cách tân văn học, Kafka là nhà văn tiên phong đã hoà kết được nghệ thuật và giấc mơ để thực hiện một “ tham vọng mỹ học” ( Kundera) : Hoà trộn cái mơ và cái thật. Không những thế, người ta cũng đã nói đến “ kết cấu giấc mơ” trong một số tác phẩm của Kafka như Lâu đài, Vụ án, Hoá thân… Đấy là khi “ Kafka xây dựng toàn bộ cốt truyện kiểu trần thuật của mình một cách có phương pháp theo nguyên tắc hình thành “ tiểu cốt truyện” của giấc mơ” (8 ). Nghĩa là, từ một hiện tượng, một con người, một ám ảnh nào đó được nhớ đến trong mơ, những mối liên kết với các hiện tượng, với những con người khác được hình thành trên nền của sự liên tưởng sẽ tạo nên một “ cốt truyện phi lí”, mà nơi đó,  giấc mơ làm bầu khí quyển cho cả tác phẩm. Truyện ngắn Giấc mơ của Kafka cũng thấm đẫm một bầu không khí như thế.

Đây là một tác phẩm ngắn, dung lượng khoảng chừng hai trang giấy mà sức gợi mở  thật lớn. Cốt truyện hết sức giản đơn : Anh chàng Joseph K. nằm mơ thấy mình bị chôn sống. Nhưng cái cốt truyện trần trụi ấy chuyên chở theo nó biết bao biểu tượng, cả một cuộc phiêu lưu trong vô thức giữa cái không khí ngột ngạt đặc trưng của cơn ác mộng. Tạm chia cuộc phiêu lưu ấy của Joseph K.  thành 3 chặng : nhập mộng – giữa mộng – tỉnh mộng, ta men theo 3 chặng để tìm cách hiểu về giấc mơ của K. trong tác phẩm này, cả cách kết cấu truyện dựa vào giấc mơ ấy của Kafka.

Truyện mở đầu bằng một thông báo: “ Joseph K. đang mơ”. Cũng như trong Hoá thân, Vụ án… câu mở đầu ấy ẩn chứa trong nó một sức mạnh kinh hoàng. Bằng cách xoá bỏ không gian, thời gian, chỉ giữ lại một thực tại K. “ đang mơ”, câu mở đầu đã chuyển hẳn câu chuyện từ cõi thực sang cõi mộng. Nó giúp người đọc nhập mộng cùng K., K. ấy có thể là anh, là tôi, là tất cả chúng ta vì trong đời, ai mà chẳng có lúc nằm mơ.

Joseph K. lạc vào giấc mơ của mình, cái thế giới ấy, như Karelski đã nói : “ Chỉ cần trong mơ các bạn nghĩ về một hiện tượng hoặc một người nào đó thì lập tức nó hoà lẫn vào bức tranh của giấc mơ đang diễn ra của bạn và nó móc dính với các đồ vật hoặc những người khác, điều trong đời thực là không thể có” (9), dòng liên tưởng ấy tạo nên một “ cốt truyện phi lí”. Với  Giấc mơ,  cái cốt truyện phi lí ấy hiện lên trong tấm phông nền của một ngày đẹp trời và Joseph K. “ cảm thấy thích đi dạo”. Nhưng khốn nỗi “ đi chưa được vài bước thì anh đã đến nghĩa địa”, anh trượt vào “ những lối đi ngoằn ngoèo”, gặp nấm mồ, ngã khuỵu trước nó. Rồi anh lại thấy hai người đàn ông giữ một tấm bia lơ lửng, người hoạ sĩ xuất hiện “ từ trong bụi cây”, anh đứng nhìn gã viết chữ trên mộ, nghe tiếng chuông nhà nguyện, oà khóc và cuối cùng “ dùng cả hai tay đào sâu xuống lòng đất đã tơi”, chìm xuống hố, lưng lướt nhẹ theo độ sâu tàn nhẫn trong khi “ tên anh chạy ngang qua phiến đá phía trên bằng dòng chữ bay bướm kỳ vĩ”. Riêng cái cốt truyện phi lí ở đây đã hàm chứa trong nó bao nỗi lo âu bởi cái phi lí bỗng nhiên trở thành cái có lí,  và con người ta dần dần thích nghi với nó. Còn gì phi lí hơn khi con đường dẫn Joseph K.  đi vài bước đã đến nghĩa địa, tấm bia mộ lơ lửng trên không, gã hoạ sĩ quần áo xốc xếch bỗng đâu nhảy ra từ bụi rậm, chuông nhà nguyện gióng không đúng lúc và con người phải tự chôn mình vì một mệnh lệnh ngu xuẩn nào đó. Nhưng đây là giấc mơ, giấc mơ vốn không có đường biên, nó chấp nhận cả những mối liên hệ “ cóc nhảy”, phi lôgich giữa các sự vật, sự việc. Điều quái đản nằm ở chỗ :  Cả nhân vật và người đọc đều cảm thấy những điều phi lí ấy là có lí. Vì con đường đi  cũng có thể dẫn đến nghĩa địa lắm chứ, rồi nghĩa địa làm liên tưởng đến những nấm mồ, những người giữ bia mộ và viết chữ trên mộ, tiếng chuông nhà nguyện… Như vậy, bầu không khí ngột ngạt của cơn ác mộng ấy đã được Kafka tạo nên bằng cách xê nhích hiện thực đôi chút, thay vì sử dụng nhiều yếu tố kỳ ảo. Đây cũng là cách làm quen thuộc của Kafka để tạo nên những huyền thoại.

Xen vào cái cốt truyện phi lí ấy là hàng loạt trạng thái, cách ứng xử của K. đối với những gì xảy ra xung quanh. Lúc đầu, anh “ đĩnh đạc, thăng bằng, không chao đảo”, thậm chí mỉa mai trước những lối đi ngoằn ngoèo; khi “ vội nhảy lên vạt cỏ” và ngã khuỵu trước nấm mồ, anh mơ hồ ý thức về hoàn cảnh của mình. Sau đó, K. chăm chăm nhìn vào tấm bia, tò mò muốn biết nốt phần dang dở của dòng chữ “ Nơi đây an nghỉ”. Rồi anh cảm thấy khó hiểu tột độ khi người hoạ sĩ dừng bút, khi cái chuông nhỏ trong nhà nguyện gióng lên không đúng lúc “ K. thấy khổ sở vì tình huống khó xử của nghệ sĩ”, anh oà khóc “ và thổn thức hồi lâu trong hai bàn tay khum lại”. Khi K. lấy lại bình tĩnh và gã nghệ sĩ giẫm mạnh một bàn chân lên nấm mồ, K. mới hiểu ông ta nhưng “ đã quá muộn để nói lời xin lỗi”. Và K. tự “ chìm xuống hố” như nhận sự trừng phạt tất yếu. Ở đây, trạng thái tâm lý của K. đã đi từ “ mê” đến “ ngộ”, nhưng điều khôi hài là cái “ ngộ” ấy chỉ làm cho cái “ mê” thêm phần bi kịch, vì nó không giúp K. tìm ra lối thoát, cuối cùng người “ ngộ” cũng như người “ mê”, người tỉnh cũng như người mộng, tất cả đều bị dẫn đến cái chết hoặc sự tha hoá. Có lẽ, những giấc mơ trong tác phẩm của Kafka cũng là một dạng mê cung, để thoát ra nó, mỉa mai thay, con người phải bước vào. Và anh sẽ không bao giờ đi hết chiều dài của nó, vì mê cung này sẽ dẫn đến mê cung khác, giấc mơ nọ sẽ nối tiếp giấc mơ kia, muốn thoát thì phải ngừng mơ, nhưng điều đó đồng nghĩa với cái chết : “ Chết là đi vào một giấc ngủ không mộng mị” ( Socrates).

Tóm lại, có thể nói : Chính cái dòng liên tưởng kỳ lạ xuất phát từ một nỗi ám ảnh đã tạo nên kết cấu cho truyện. Nỗi ám ảnh ấy, phải chăng chính là “ sự tha hoá, nỗi lo âu, sự lưu đày và cái chết” (Trương Đăng Dung). Thêm vào đấy, hàng loạt hình ảnh có tính biểu tượng hiện lên trong giấc mơ của K. góp phần làm cho bầu không khí của cơn ác mộng thêm phần ngột ngạt : con đường heo hút, nghĩa địa, đám đông cầm cờ, nấm mồ, tiếng chuông nhà nguyện… Tất cả đều gợi lên ý niệm về cái chết và sự tha hoá. Không những vậy, có cả những biểu tượng còn ngầm gợi thân phận cô đơn và nỗi mặc cảm, tự ti của Joseph K. “ Đám đông thường xuất hiện trong các giấc mộng mà những mặc cảm tự ti, cô đơn, phạm tội thống trị… Nó cho ta cảm giác bất lực không thể chế ngự những tình huống của đời sống” (10).

Nếu so sánh nhân vật Joseph K. qua hai tác phẩm : Giấc mơ và Vụ án, ta thấy đó không chỉ đơn thuần là sự lặp lại một cái tên, mà còn là sự gặp gỡ trong hành trình của “ sự trừng phạt đi tìm tội lỗi” và “ đã tìm thấy tội lỗi” (M. Kundera). Đắm mình trong cơn ác mộng, Joseph K. trong hai tác phẩm, từ chỗ vô tội đã thích nghi với cảm giác có tội, từ đó dẫn đến hệ quả “ kẻ bị kết tội đi tìm tội lỗi của mình”. Ở đây, như vừa có một lực đẩy tự bên ngoài lẫn một lực hút từ bên trong đưa nhân vật đến “ nấm mồ” và “ bản án”. Tuy nhiên, Giấc mơ không phải là Vụ án thu nhỏ, có lẽ, trong cơn ác mộng kéo dài ở Vụ án, Kafka đã chọn cái khoảnh khắc khủng khiếp nhất, khoác cho nó tấm áo mới và gọi tên nó là Giấc mơ chăng !

Với một giấc mộng, khi niềm hưng phấn hoặc sự ức chế lên đến tột độ, trạng thái hớn hở hoặc lo âu vỡ oà, con người sẽ tỉnh mộng. Chặng cuối cùng trong cuộc phiêu lưu, với Joseph K. trong Giấc mơ là trở về cõi thực bằng một niềm hưng phấn như thế : “ Hớn hở bởi cảnh tượng ấy, anh thức giấc”. Các nhà nghiên cứu đã nói nhiều đến “ sức nặng của câu kết” trong tác phẩm Kafka, câu kết của tác phẩm này cũng không nằm ngoài điều đó. Câu kết chuyển cõi mộng về lại cõi thực, ở đây, ta có thể đưa ra nhiều giả định : trạng thái hớn hở đến trước, cùng lúc hay sau khi K. thức giấc? Vì sao K. hớn hở ?  Kafka không nói mà chỉ đưa người đọc đứng trước một giao lộ, để họ nhìn vào tâm hồn mình mà tự tìm lấy câu trả lời.

Như vậy, câu kết của truyện khép mộng nhưng lại mở ra bao nhiêu cơn ác mộng khác. Những cơn ác mộng trong cuộc đời thực mới càng gớm ghê, vì trong mơ, thức dậy là thoát mộng, nhưng trong cuộc đời thực ( nhất là giữa một Châu Âu thời “ mất Chúa”, hiểm hoạ phát xít đang rình rập, sự chuyên quyền dần dần chế ngự và đè bẹp con người…), nếu không trốn vào mộng, anh sẽ về đâu ? Hơn nữa, đặt Vụ án, Hoá thân và Giấc mơ trong sự so sánh, ta thấy : Vụ án, Hoá thân mở đầu bằng sự thức tỉnh “ Một sáng tỉnh giấc băn khoăn” rồi sau đó, nhân vật dần dần nhập mộng còn Giấc mơ mở đầu bằng mộng “ Joseph K. đang mơ” rồi tỉnh giấc ở cuối truyện, nhưng số phận nhân vật ở các tác phẩm vẫn không thay đổi. Vậy giữa tỉnh và mê, thực và mộng đâu có gì khác nhau ! Đó chẳng qua là cái vòng tuần hoàn giam giữ nhân vật của Kafka trong ấy, nó giết chết họ sau khi đã cho họ một ảo tưởng đi – về, nhập mộng – tỉnh mộng mà thôi.

3.  Nhận định về thế giới nghệ thuật của Kafka, Trương Đăng Dung viết : “ Đọc bất kì cái gì ông viết : thư từ, nhật ký, hoặc các tác phẩm văn xuôi khác, ta đều cảm thấy không khí căng thẳng đặc trưng mà ta thường gặp trong cơn ác mộng. Con người chạy trốn khỏi nỗi kinh hoàng mà chân thì cứ bám dưới đất, càng cựa quậy càng lún sâu xuống hơn… Ông đã không đưa giấc mơ vào phục vụ nghệ thuật mà ngược lại, theo cách riêng, Kafka đã đưa nghệ thuật của mình “phục vụ” những giấc mơ” (11). Bằng kết cấu giấc mơ, bằng những hình ảnh thuộc về “một thế giới đầy mơ hồ” (Umberto Eco) trong truyện ngắn  Giấc mơ nói riêng cũng như bao tác phẩm khác, Kafka đã nối tiếp và mở rộng cái vũ trụ huyền hoặc của Dostoievski, hoà trộn nhuần nhuyễn cái thực và cái ảo, để vừa thực hiện được một “tham vọng mỹ học”, vừa khơi mở cho dòng văn học hiện thực huyền ảo bàng bạc đến mai sau trong những sáng tác của Garcia Marquez, Carlos Fuentex…Có thể nói, cánh cửa văn chương của cuộc đời Marquez do chính Kafka mở ra, khi đọc những dòng văn đầu của tác phẩm Hoá thân, Marquez cảm thấy “ như bị đánh bật ra khỏi giường”, ông tự nhủ với mình “ Tôi đã không biết con người ta được phép viết kiểu văn như thế. Nếu biết trước thì tôi đã viết từ lâu rồi. Vậy nên, ngay lập tức tôi bắt tay vào viết truyện ngắn” (12)

Franz Kafka là nhà văn  Tiệp Khắc, gốc Do Thái và viết văn bằng tiếng Đức. Bởi lẽ không thuộc hẳn về một quốc gia, một nền văn hoá nào, Kafka thường rơi vào tâm trạng lưu đày của một người luôn thấy “ thiếu quê hương” ( chữ dùng của Nguyễn Tuân). Tâm trạng ấy, cùng với “cái tôi cô đơn, bệnh tật, đầy uẩn khúc” (Lê Huy Bắc) giữa một Châu Âu hỗn mang như vậy khiến Kafka thường xuyên vật lộn trong những cơn ác mộng, những băn khoăn về bản thể : “ Tôi có vẻ như ngủ bên cạnh mình–còn trong khi đó, chính tôi lại đang phải vật lộn với những giấc mơ” (Nhật kí ngày 2 – 10 – 1911). Hơn nữa, Kafka là người đã “tiếp xúc nhiều với nền văn hoá Trung Hoa” (13). Ông đặc biệt thích Đạo giáo, nên chắc chắn đã hấp thu phần nào chủ nghĩa hư vô, xem cuộc đời là “giấc mộng lớn” ( Xử thế nhược đại mộng). Và tích Trang Chu nằm mộng hoá bướm ắt hẳn sẽ tác động ít nhiều đến một tâm hồn nhạy cảm, một ngòi bút siêu việt như Kafka bên cạnh những ảnh hưởng khác của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo. Để rồi, với tư cách là một nhà văn, ông đã đưa những giấc mơ ấy lên trang sách, trộn lẫn thực và mơ trong cái thế giới mà ông đang nhào nặn, tìm cách biến tác phẩm thành giấc mơ rồi phả vào trong nó những lời văn giản dị mà “ mở” đến vô cùng. Truyện của Kafka cũng như cuộc đời Kafka vậy, thường không có những giấc mơ vui.

Có lần, một nhà nghiên cứu người Pháp đã gọi Kafka là “ người nằm mơ bừng tỉnh”. Cuộc đời đối với Kafka có phải chỉ là mộng hay không, ta không rõ. Chỉ biết, đối với ông “ Cuộc sống là điều bí ẩn và đáng kinh ngạc, cũng như đầu máy xe lửa đối với một đứa trẻ…” ( Milena Exenskaia). Giống như lần đầu ta bỡ ngỡ bước chân vào khu vườn lạ, lắng nghe tiếng gió vi vu,  nhìn cỏ cây hoa lá bảng lảng trong một chiều sương diệu huyền như vậy,  ta tự hỏi lòng mình : Đây là thực hay mơ ?

Lê Minh Kha

————————
(1)    Dẫn theo Nguyễn Văn Dân : Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka. Nxb. Hội nhà văn. H.2003.tr.6.
(2), (3) Milan Kundera : Nghệ thuật tiểu thuyết. Nxb.Đà Nẵng. ĐN.1998.tr.22.
(4), (5), (10) Pierre Daco : Giải mã những giấc mộng qua ánh sáng Phân tâm học. Nxb.Trẻ. TPHCM.1999.tr.9, 10, 227.
(6),(7) Hoàng Ngọc Hiến: Triết lý văn hoá và triết luận văn chương.Nxb.GD.H.2006.tr
216-217.
(8), (9) Dẫn theo A.Karelski : Về sáng tác của F. Kafka. In trong Những bậc thầy văn chương. Nxb.Lao động.H.2006.tr.911.
(11) Dẫn theo Trương Đăng Dung : Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka. In trong Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka.Sđd
(12), (13) Dẫn theo Lê Huy Bắc : Nghệ thuật Franz Kafka. Nxb.GD. H.2006.tr.229.

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *