ÁNG VĂN HAYGóc hồi ký

Đốt lò hương cũ (5): Cơn say chưa tỉnh

Những cơn say như thế cứ liên miên tiếp diễn, suốt một năm trời. Không mấy ngày, từ căn nhà nhỏ bên bờ hồ Tây, không vang lên những tiếng cười, những tiếng ngâm thơ, có khi cả tiếng đàn, nhịp phách cùng tiếng hát đào nương. Dạo ấy Nhất Linh chưa trốn sang Tàu, Khái Hưng chưa bị bắt đưa đi Vụ-Bản, Thế Lữ vẫn còn ở cùng một khu, Trần Tiêu ở Hải Dương mỗi tháng thường lên Hà Nội vài ba chuyến, Nguyễn Tường Bách tuy sắp thi ra Bác sĩ nhưng thực chất cũng nghệ sĩ khỏng kém gì mấy ông anh ruột : Giữa những người đó, cuộc tụ họp nhau hàng ngày tại nhà Thạch Lam đã hầu thành một cái lệ cần thiết, từ khi nhóm Tự Lực Văn Đoàn nghỉ ra báo. Riêng Huyền Kiêu vả tôi, gần Thạch Lam rồi thân với Thạch Lam giữa thời kỳ anh phải ngừng hoạt động về báo chí, mối giao tình của chúng tỏi càng thuần khiết hơn, nhất là càng có hoàn cảnh và thì giờ để kết chặt thêm những niềm cảm hòa điệu từ tâm linh thầm kín. Chúng tôi ăn, ngủ tại nhà Thạch Lam như ở gia đình mình. Hơn thế nữa, vì có khi ở chính gia đình mình còn không được… say sưa nghiêng ngả bằng.

Tới đây, tôi không thể không nhắc tới chị Thạch Lam mà chúng tôi vẫn gọi là «Chị Lân » và thành thực quý mến như một bà chị ruột. Chị quả là một bậc hiền phụ, một người đàn bà Việt Nam điền hình, theo kiểu bà vợ Tủ Xương :
« Nuôi đủ năm con với một chồng… »
Chính nhờ bàn tay nội trợ đảm đang của chị mà Thạch Lam mới sống được trọn vẹn cuộc đời nghệ sĩ phóng dật của mình. Và chị cũng phải thuần hậu lắm mới có thể chịu đựng nổi lũ « thiếu niên tửu quỷ » trong số bè bạn « vô công rồi nghề » của chồng. Không những luôn luôn chị phải bận rộn làm thức ăn ngon, món nhắm tốt cho họ thưởng thức, mà tới khi họ say, chị còn phải lo… dọn dẹp, nếu họ nôn mửa, và chuẩn bị xoa dâu nóng, bôi vôi, nếu họ trúng gió. Hơn nữa, có nhiều khi chị còn phải lo cả cái việc phiền toái mà thông thường nhất ở đời là cái việc… chạy tiền, cái việc điều hòa ngân quỹ gia đình mà tác giả « Hà Nội băm sáu phố phường» có thể quên lãng ! Chao ôi ! Với nếp sống thanh bạch của một nhả văn chỉ sống chuyên bằng ngòi bút tiểu thuyết – mặc dầu được tiếng có tài rất nhiều, nhưng sách lại bán rất ít – chị Thạch Lam ngày ấy hẳn đã từng phen phải hy sinh cực nhọc bao nhiêu để giữ cho chồng nguyên vẹn cái tiết tháo của một « phong lưu hàn sĩ », đế rồi lại gây được cả cái mỹ hiệu là tay « hào sĩ » một thời. Là vợ của một văn sĩ chưa hề nhân quan trước triều đình như Mạnh Thường Quân hay Bình Nguyên Quân thưở xưa, chị cũng vẫn tạo được cái tác phong « năm ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ », và “mỗi ngày một… bữa rượu thường xuyên », dù chỉ rau đậu sơ sơ, nhưng thịnh tình đôn hậu và không khí chân thành của ngôi nhà bé nhỏ ở đây là những yếu tố mà Bình Nguyên Quân và Mạnh Thường Quân chưa dễ đã tạo nổi một cách hồn nhiên, không vụ lợi như chị !

Nếu sông nước Hồ Tây đã có lần hòa lẫn với rượu, thì tấm lòng biển rộng của chị Thạch Lam cũng phải thông cảm bao dung lắm với lũ người say chúng tôi, mà chính anh Thạch Lam là một kiện tướng. Thạch Lam saỵ cùng chúng tôi cợn say dài, trước khi nhập vào Đại mộng. Như vậy, có nghĩa là anh mang theo cả cơn say sang thế giới bên kia, để không bao giờ tỉnh lại nữa. Có lẽ linh tính hay linh giác anh đã đoán thấy, cảm thấy trước cái ngày tịch diệt của thề chất – sự hùy thể không thể tránh được. Anh đi vào cơn say như ngao du tới những phương trời huyền mặc, hay đúng hơn, như tìm về quê hương quen thuộc – quen thuộc nhưng không bao giờ hết kỳ bí.

Tôi tin rằng trong những cơn say, Thạch Lam đã bắt gặp được những cái gì lạ lắm. ít nhất, trong lúc say, người ta sống với cái thần trí phiêu diêu bên ngoài cả không gian và thời gian. Cho nên Thạch Lam không muốn tỉnh, vì những lúc tỉnh, anh nhìn thấy không gian thì tù hãm, thời gian ngắn quá, chẳng vô cùng. Anh lo sợ « thời gian đi mất » đó. Một năm trước khi chết, thái độ sống của anh là một thái độ sống hào phóng, khoáng đạt, vì chính ở trong nếp sống đó, anh đã thấy mình sống được « nhiều » hơn, « bao trùm » hơn. Sống như vậy, anh đã nắm giữ được phần nào cái « thời gian sắp mất », và khi thời gian ấy đi mất hẳn, thì anh cũng không còn tiếc hận gì, vì anh đã từng hòa đồng vào nó rồi – nghĩa lả trong phút giây xuất thần nảo đó, anh đã hòa mình vào vĩnh-cửu.

Đừng vội bảo Thạch Lam hưởng lạc, cũng đừng luận rằng Thạch Lam muốn tạo lại nếp sống « tài tử » để nếm cái “phong vị hàn nho” như Nguyễn Công Trứ, khi thấy tác gỉa « Hả Nội băm sáu phố phường » thận trọng vả tinh vi trong việc chọn từ miếng ăn, thức uống, từ món quà nhỏ mọn hương vị quê mùa của đất nước.

Không, bình thường thì Thạch Lam hồn nhiên hơn Nguyễn Công Trứ, và cũng không phiền toái như một Tản Đà trong nghệ thuật sống, tuy rằng theo Thạch Lam, muốn sống cho có nghệ thuật, tất nhiên không thể buông tuồng.

Nhưng, vào giai đoạn chót cuộc đời, thì cái phóng túng, cái buông thả của Thạch Lam là biểu thị của một thái độ, một triết lý sống phần nào có nhuốm màu sắc siêu hình và thần bí. Trước khi chết, chính Thạch Lam nhiều lúc thường nói với chúng tôi bằng một giọng bí mật:
– Những lúc say, thú vị thực! Vì lúc đó, giả cos chết ngay cũng không biết mình chết…

Phải chăng vì thế mà căn nhả tranh bên Hồ Tây đầu lảng Yên Phụ đã chứng kiến những « cơn say suốt sáng, trận cười thâu đêm », trước khi tất cả chìm vào tịch mịch ?

Sự thực, tất cả đã lắng vào tịch mịch vài ba tháng trước khi Thạch Lam lìa bỏ cõi đời.

Nhất Linh, sau một đêm « hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề » họp mặt lần cuối cùng vời chúng tôi bên bàn rượu kề gốc liễu, tảng sáng bỗng ra đi biệt tích.

Khái Hưng bị bắt đưa đi Vụ Bản, Thế Lữ sợ liên can cũng lẩn trốn mất dạng. Huyền Kiêu về ở quê nhà tại Vân Đình. Bạn bè thân sơ không còn mấy lai vãng tới căn nhả « cửa trúc cài phên gió » nữa. Trong nhả quạnh vắng, chủ nhân cũng bắt đầu ngọa bệnh. Chỉ có Nguyễn Tường Bách là em ruột Thạch Lam, vả tôi vốn ở gần thỉnh thoảng còn lui tới. Khi đó bệnh tình của anh có vẻ chưa nặng, chính Tường Bách bác sĩ cũng không ngờ!
Một hôm Thạch Lam bảo tôi :

— Các anh Tam và anh Lễ (Thế Lữ) phải lánh mặt cả, vì có báo động. Mật thám giăng lưới và rình mò quanh nhà này. Anh hãy tạm ngưng lui tới một thời gian, kẻo bị liên lụy.

Một thời gian qua. Buổi tối hôm ấy, ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời về phía nhà Thạch Lam, tôi chợt nghe thấy một điệu nhạc văng vẳng, một điệu kèn clarinette. Rõ ràng tịểng kèn clarinette của Nhất Linh ! Dạo trưởc, Nhất Linh vẫn thường đem kèn tới nhà Thạch Lam thổi chơi. Ngoài Nhất Linh, không có người nào khác biết thôi clarinetie ở khu này.

Tôi liền khoác áo, vùng xuống đường, rảo bước theo điệu nhạc, vòng ngõ vào Ịàng Yên Phụ, tiến về phía nhà Thạch Lam. Tiêng kèn vẫn hắt hiu trầm bổng, đứt quãng. Tới gần nhà Thạch Lam, tiếng kèn chợt im bặt. Tôi ngỡ ngàng trong bóng tối. Nhưng đã tới trước cổng ngôi nhà có khóm tre xào xạc. Cổng không cài then. Tôi đẩy tấm cánh gỗ, bước vội vào căn nhà yên lặng. Chỉ có một ngọn đèn dầu hỏa le lói. Và góc nhà, một chiếc giường, màn buông kín mít. Thạch Lam nằm trong mản đó, vả bên mép giường, chị Thạch Lam ngồi lo âu. Chẳng có tiếng kèn clarinette nào vọng lên ở chỗ này. Và cũng chẳng lảm gì có Nhất Linh ở đây! Có lẽ tôi đã bị lầm vì một ảo tưởng âm thanh nào đó.

Chị Thạch Lam cất tiểng :

– Chú sang chơi (chị vẫn gọi Huyền Kiêu và tôi là Chú Kiều và Chú Hùng). Anh ấy mới giở bệnh, nặng lắm !

Tỏi vạch màn, vặn đèn sáng thêm, và cổ tôi bỗng như nghẹn lại : Thạch Lam nằm đây, nhưng trên sắc mặt trắng bạch của anh, tôi tưởng như đã nhìn thấy bóng dáng tử thần.

Vậy mà anh còn cố gượng ngồi dậy, bắt tay tôi, nắm thật chặt, cặp mắt lim dim như vẫn còn nặng chĩu những con say ngày nào, miệng anh vẫn mỉm nụ cười khoan hòa như mọi khi. Nhưng rồi anh lại nằm xuống, không nói được lời nào, vì anh đang mệt.

Mấy hôm sau anh từ trần. Tôi đã thức suốt một đêm bên quan tài anh, để nghĩ rằng: Thạch Lam vẫn còn say chưa tỉnh, anh đã mang theo cả những hình ảnh tuyệt vời của cơn say dài bất tận về hư vô. Trong khi chúng tôi ở lại, chẳng còn chất men kỳ diệu nào để mà say, nên cứ phải dương mắt ra nhìn đời giữa lúc rất tỉnh – sự tỉnh táo vô vị của những con người đại bất hạnh.

Trích hồi ký “Đốt lò hương cũ” – Đinh Hùng

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *