GIỚI THIỆU SÁCHPhê bình

BIÊN NIÊN SỬ NARNIA – BÀI HỌC VỀ SỰ TRƯỞNG THÀNH

Nhiều bạn bè có hỏi tôi về những cuốn sách có thể cho con cái họ đọc. Tôi hỏi họ rằng họ muốn biến con cái họ sau này thành người như thế nào? Thế là họ im lặng. Ai cũng muốn điều tốt nhất cho con cái mình, nhưng điều tốt nhất ấy là gì, đó là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ, điều tốt nhất mà mỗi bố mẹ có thể mong muốn ở đứa con của mình, đó là sự trưởng thành. Trưởng thành, tức là ý thức cũng như chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ và hành vi của mình. Đây là điều mà ngay cả những bậc làm cha mẹ cũng chưa chắc đã đạt được. Trong số rất nhiều các tác phẩm cho thiếu nhi, “Biên niên sử Narnia” của C.S Lewis là tác phẩm vĩ đại nhất để nhắc nhở chúng ta về sự trưởng thành. Mặc dù, cuốn tiểu thuyết đã được Walt Disney dựng thành phim, nhưng phim chỉ khai thác được khung cảnh hoành tráng mà bỏ qua các ý nghĩa về nhân sinh trong câu chữ của C.S Lewis.

Ở Việt Nam, ít người biết đến bộ tiểu thuyết “Biên niên sử Narnia”, và cũng ít người biết được sự vĩ đại của C.S Lewis. Đây là bộ tiểu thuyết giả tưởng dành cho trẻ em thấm đẫm các yếu tố triết học, hàn lâm và tôn giáo. Tất cả các yếu tố ấy đều được ẩn trong cách suy nghĩ, cách mô tả về thế giới Narnia, và biểu tượng các nhân vật. “Biên niên sử Narnia” là một bộ 7 cuốn, với 7 cuộc phiêu lưu (con số 7 cũng mang nhiều ý nghĩa trong Kito giá), kể về hành trình của những đứa trẻ rơi vào thế giới Narnia, thế giới cổ xưa khi mà con người, vạn vật đều sống hồn nhiên và tràn ngập linh khí. Mô-típ người ở thời hiện đại rơi vào một thế giới khác là một mô-típ quen thuộc trong văn học giả tưởng phương Tây, thế nhưng C.S Lewis đã làm một điều đặc biệt khi để cho những đứa trẻ này thường xuyên qua lại giữa hai thế giới, thậm chí sống song song hai cuộc đời, với hai nhân cách. Tuy nhiên, hai nhân cách, hai cuộc đời, hai thế giới không khiến những đứa trẻ phát điên mà khiến chúng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.

Câu chuyện bắt đầu khi hai đứa trẻ Polly và Digory vì tò mò nên đã rơi vào thế giới khác. Đây là thế giới mà văn hóa cổ xưa thời đại phép thuật vẫn còn lưu giữ. Đó là câu chuyện ở thế giới khác, không phải quá khứ trên Trái Đất của chúng ta đâu nhé. Tại đây, các bạn nhỏ đã bắt gặp nữ hoàng Jadis độc ác, kiêu hãnh đầy phép thuật và bài thơ cổ đầy mời gọi:

“Lựa chọn đi, kẻ lạ thích phiêu lưu

Đánh tiếng chuông để đối mặt hiểm nguy

Hoặc băn khoăn cho tới khi phát dại

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngươi làm vậy”

Sau khi cản trở mưu đồ xấu của nữ hoàng Jadis và tham vọng của ông giáo sư khùng, các bạn trẻ được chứng kiến sự ra đời của thế giới Narnia. C.S Lewis đã dành cho khoảnh khắc sáng thế này những ngôn từ đẹp nhất:

“… Sư tử vẫn tiếp tục ca và bước chân vững chãi của nó vẫn đi tới đi lui, đi qua đi lại. Có một điều đáng chú ý hơn là mỗi lần quay mình, nó lại nhích đến gần mọi người hơn một chút. Polly thấy bài hát càng lúc càng hay vì nó nghĩ nó đang bắt đầu tìm thấy sự kết nối giữa âm nhạc và những thứ đang diễn ra. Khi hàng cây linh sam thẫm phủ lên một ngọn núi cách đó chừng trăm mét, nó cảm thấy hàng cây ấy gắn liền với loạt âm thanh sâu lắng ngân dài mà Sư tử vừa ca trước đó một giây. Còn khi Sư tử phát ra chuỗi âm thanh và nhẹ hơn thì con bé không ngạc nhiên khi thấy hoa anh thảo bỗng nở bừng khắp mọi nơi. Thế nên, với cảm giác rung động khó tả, nó cảm thấy khá chắc chắn rằng mọi thứ đang xuất hiện (như nó vẫn nói về sau) “đều tỏa ra từ suy nghĩ của Sư tử” Nghe bài ca của Sư tử chính là nghe những thứ mà nó sáng tạo nên: khi nhìn ra xung quanh sẽ thấy đúng những thứ đó…”

Thế giới Narnia được tạo ra bởi suy nghĩ của Sư tử Aslan, những suy nghĩ được nối kết theo dòng bằng âm nhạc, những suy nghĩ tạo ra các rung động tuyệt đẹp. Sự sáng tạo này, xuất phát từ các thần thoại cổ xưa, đặc biệt là Kinh Thánh, đưới ngòi bút của C.S Lewis đã được đẩy lên đến bước hoàn mỹ. Và chính từ sự sáng tạo hoàn mỹ ấy, nên thế giới Narnia đã xuất hiện với vẻ tinh nguyên, hoang sơ và hài hòa một cách tự nhiên. Đó là thực tại mà  những đứa trẻ trong tác phẩm của C.S Lewis hướng về, cảm thấy thực sự được sống, thực sự được biểu hiện hết mình, một nơi chúng được trưởng thành tự nhiên dưới sự bảo vệ và hướng dẫn của thủ lĩnh tinh thần Sư tử Aslan.

Bài học trưởng thành cho những đứa trẻ

Nếu có một cơ hội khác, tôi sẽ viết về các thực tại trong “Biên niên sử Narnia”, hẳn có nhiều điều thú vị để khám phá. Thế nhưng, đây lại là bài về về bài học trưởng thành. Trưởng thành không phải là chúng ta rập khuôn theo một lối mòn, để “sớm lại chiều đi lên cơ quan” hay ăn nói đạo mạo như cái thước kẻ, hay tỏ ra hoài nghi một cách thông minh. Như đã đó ở trên, trưởng thành là có ý thức và trách nhiệm về những điều mình làm. Và chỉ khi chúng ta có ý thức, có trách nhiệm với từng suy nghĩ, từng hành động, chúng ta mới thật sự có các phẩm chất tốt đẹp như dũng cảm, trí tuệ, hào hiệp, yêu thương… Chặng đường phiêu lưu của những đứa trẻ ở thế giới Narnia  và vấn đề tâm lý của chúng khi đối phó với đời sống thường nhật của thế giới hiện đại chính là chặng đường va chạm và khám phá các phẩm chất tốt đẹp ẩn sâu bên trong con người đời thường của chúng.

Trên thực tế, C.S Lewis viết tập “Sư tử, phù thủy và cái tủ áo” đầu tiên, dù nó là tập thứ 2 trong bộ truyện. Bốn đứa trẻ Peter, Edmund, Susan và Lucy một lần bước vào cái tủ áo, và chúng lạc sang Narnia. Lúc này, chúng dù rất ngoan nhưng cũng không tránh được  sự tham lam, ích kỷ và phù phiếm của tất cả trẻ em trên thế giới. Edmund vì tham kẹo và sợ hãi trước phù thủy tuyết nên đã phản bội anh em, Peter vì kiêu hãnh và muốn các em tuân thủ nên luôn khó tính và không chịu lắng nghe. Susan luôn hoài nghi, còn Lucy luôn tự ti. Thế nhưng, ở thế giới Narnia, khi chúng chứng kiến cảnh phù thủy tuyết tàn phá mảnh đất này, đàn áp các cư dân nơi đây, chúng đã tham gia cuộc chiến mặc dù lý do ban đầu rất ích kỷ: chiến đấu để về nhà. Tuy nhiên, khi chúng vượt qua mọi gian khó, chúng đã nhận ra rằng các phẩm chất tốt đẹp sâu bên trong mình, và cuộc chiến đã không còn là cuộc chiến tư lợi nữa. Cuộc chiến ấy đã trở thành cuộc chiến để bảo vệ cái đẹp và sự tự do. Từ bỏ sự ích kỷ và những toan tính tầm thường là bước đi đầu tiên trên con đường có ý thức và có trách nhiệm. Để có thể có ý thức và trách nhiệm, người ta cần phải tự vấn. Người ta không thể tự vấn nếu không biết nghĩ cho người khác hay điều gì đó khác ngoài bản thân mình.

Điều thực sự chấn động những đứa trẻ không phải là thế giới kỳ diệu và phép màu của Narnia mà chính là phẩm chất cao quý của Sư tử Aslan. Chúng phục thiện và dũng cảm đứng về cái thiện không phải bởi sợ uy lực hay thích thú lời nói của Aslan. Chúng hoàn toàn nói “vâng” với điều thiện, nói “vâng” với cuộc chiến đấu bảo vệ tự do và cái đẹp ở Narnia, nói “vâng” với quá trình tự vấn để trưởng thành, khi chúng chứng kiến sự hi sinh của Aslan. Chuyện là, Edmund vì dại dột, tham lam, ghen tị và sợ hãi, đã phản bội để theo phù thủy tuyết. Thế nhưng, sau khi được Aslan cảm hóa, Edmund đã quay trở về chính đạo. Thế nhưng, những gì cậu gây ra vẫn là tội lỗi, và tội lỗi phải bị trừng phạt, theo đúng luật đã được định ra từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa. Với những ai hiểu về thuyết Nhân Qủa trong Bà La Môn giáo và Phật giáo sẽ nhận ra rằng, luật thiêng mà C.S Lewis nhắc đến khi bà chúa tuyết đòi trừng phạt Edmund chính là luật Nhân Qủa. Thế nhưng, những ai nhân danh luật Nhân Qủa để thực thi mục đích của mình, như bà chúa tuyết, thì đó chính là kẻ ác. Chỉ có sư tử Aslan, vị thần đã tạo lập nên Narnia mới đủ bao dung và thấu hiểu rằng có một luật thiêng khác còn mạnh mẽ hơn cả, đó là sự hi sinh và lòng thương cảm. Aslan đã hi sinh sự sống của mình để đổi chuộc tội cho Edmund trong lặng lẽ, không đòi hỏi báo ơn. Cảm được tấm lòng và nghĩa cử của Aslan, Edmund  cùng các anh chị em của mình đã chiến đấu hết mình, thậm chí sẵn sang hi sinh vì Narnia. Phù thủy tuyết đắc thắng vì cho rằng Aslan đã qua đời tức là bà ta có pháp thuật mạnh nhất mảnh đất này. Thế nhưng, bà ta không biết rằng, khi những đứa trẻ khóc vì Aslan thì Aslan cũng phục sinh. Pháp thuật mạnh nhất Narnia chính là pháp thuật của tình yêu, đức hi sinh và sự cao cả. Nhờ đó, những gì đã bị đóng băng trong cái chết lại được hồi sinh. Đây chính là bài học trưởng thành cho những người lớn, những người dẫn đường cho trẻ nhỏ. Hãy hi sinh không vụ lợi, cùng với sự hiểu biết và tình yêu, bạn sẽ tạo ra những đứa trẻ với phẩm chất tốt đẹp.

Sau khi chiến thắng lẫy lừng và trở thành huyền thoại của Narnia, bốn đứa trẻ lại quay trở về với đời sống hiện đại của mình. Chúng nhận ra rằng đời sống của học hành, tranh giành và cười nói giả vờ ở trường thật sự là nhảm nhí. Chúng luôn nhớ về Narnia. Khí chất vua chúa trong nhân cách của chúng ở thế giới Narnia đã khiến chúng thấy khó sống hơn ở thế giới này. Cũng phải thôi. Một khi bạn nhận ra sự cao quý của mình, nhưng bạn lại phải chung sống với sự tầm thường, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp. Sự phân biệt ấy đã tạo nên lòng ngạo mạn bên trong những đứa trẻ, trừ Lucy – cô em út. Và đó là lúc, họ phải trở về Narnia để học bài học mới. Có lúc, họ phải học bài học về sự trung thành, có lúc về sự hoài nghi, có lúc về sự kiêu ngạo… Dần dần, những đứa trẻ đã  lớn lên (có người trưởng thành, có người lãng quên) và sống một đời sống bình thường. Nhưng mỗi khi Narnia cần chúng, chúng vẫn có thể trở về để cứu Narnia và để hoàn thiện mình.’

Tập truyện “Cuộc chiến cuối cùng” là tập cuối của bộ truyện. Trong tập này, một con lừa đã đóng giả Aslan để ra các quyết định kinh khủng, gây ra tình trạng hỗn loạn của Narnia. Chiến tranh khốc liệt diễn ra và Narnia bị tàn phá. Lúc này, Peter, Edmund và Lucy, dù đã trưởng thành, nhưng vẫn quay lại Narnia để cữu vãn tình hình. Thế nhưng, theo quy luật sinh diệt, Narnia đã đến ngày tàn. Thế rồi, Narnia bị phá hủy sau nhiều năm chiến tranh, loạn lạc. Sự xuất hiện của Aslan lần này không phải để cứu vãn mà để kết thúc. Sự kết thúc này bản chất là sự khải huyền trong Kinh Thánh, những gì xấu xa, nhu nhược, chết chóc sẽ bị thay thế bởi sự tươi mới và tinh nguyên. Và cái kết của câu chuyện gợi cho tôi nghĩ đến bài học sâu xa hơn thế, điều mà tôi mơ hồ cảm thấy từ sách Khải Huyền.

Giải mà bài học sâu sắc về sự bất tử

C.S Lewis ở một tác phẩm khác đã viết: “Bạn không có linh hồn, bạn là linh hồn, bạn có cơ thể” Cái gì thuộc bản thể thì tồn tại mãi mãi, cái gì là thứ bên ngoài mà mình sở hữu thì sẽ bị hủy diệt theo thời gian. Cái nhìn này của C.S Lewis được thể hiện rõ nét từ tập 5 cho đến những chương cuối của tập “Cuộc chiến cuối cùng”.

Trong câu chuyện, Lewis để cho các em nhỏ của mình chuyển đổi liên tiếp giữa thế giới hiện đại bên ngoài, nơi các em sống, và thế giới Narnia – một thế giới song song tồn tại. Đây là hình ảnh tượng trưng cho hai thực tại. Thực tại thứ nhất là thực tại của các hành động biểu hiện: thế giới của cuộc sống thường nhật, của hiện hữu, của vật chất. Thực tại thứ hai là thực tại của tinh thần, là nơi chúng ta tự do phát triển các phẩm chất tốt đẹp của mình, kết nối với những tàng thức cổ xưa của nhân loại. Hai thực tại này luôn song song tồn tại và có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Ở tập 5, “Trên con tàu hướng đến bình minh”, Lewis đã để cho Eustace – một chú bé ngỗ ngược và chỉ tin vào thế giới hiện hữu, thế giới vật chất, chỉ tin vào trường thực nghiệm, rơi vào thế giới Narnia. Eustace ban đầu là một kẻ hoài nghi, ngỗ  nghịch, khắc nghiệt, hèn nhát, ích kỷ… Thế nhưng, sau khi phiêu lưu trong thế giới Narnia, cậu bé đã nhận ra sự tốt đẹp bên trong mình. Đây là một ẩn ý: chỉ khi con người ta dám xông pha vào cõi tinh thần của mình, người ta mới biết thế nào là tốt đẹp. Dường như, qua chặng đường phiêu lưu của Eustace, Lewis muốn nhẹ nhàng lên án lối dậy thực dụng, chỉ tôn thờ các giá trị vật chất của các trường thực nghiệm phương Tây đang ngày càng nở rộ ở thời của ông.

Ở chương cuối của tập “Trận chiến cuối cùng”, sự hồi sinh của Narnia đã cho chúng ta thấy thực sự Narnia là gì, thế giới chúng ta đang sống là gì. Sau khi Aslan hồi phục lại linh khí và sự sống cho Narnia, một cuộc đoàn tụ đã diễn ra giữa những đứa trẻ, hai vị vua đầu tiên của Narnia, những sinh vật đầu tiên đã giúp bốn đứa trẻ… tất cả những gì đại diện cho các phẩm chất tốt đẹp nhất của linh hồn. Lúc này, Aslan mới cho biết, những đứa trẻ cùng với gia đình đã qua đời trong một tai nạn đường sắt và giờ đây chúng đã hoàn toàn thuộc về thế giới Narnia. Điều đáng chú ý ở đây chính là tất cả những gì đẹp đẽ nhất, thân thương nhất gắn bó với lũ trẻ, với những ai đã từng biết đến Narnia đều không hề mất đi. Ngay cả ngôi nhà ở nước Anh, nơi lũ trẻ có nhiều kỷ niệm, dù đã bị phá hủy nhưng vẫn tồn tại ở đây. Qủa vậy, trong thế giới của tinh thần, không cái gì có thể mất đi, tất cả đều tồn tại nếu chúng ta nghĩ tới chúng với sự rung cảm. Đúng như thần rừng Tummus đã nói:

“Nhưng giờ đây các cậu đang nhìn vào nước Anh ở trong nước Anh, một nước Anh thật đúng như Narnia thật này vậy. Trong cái nước Anh ở phía trong ấy, không có thứ tốt đẹp nào bị hủy hoại.”

Những cuộc chiến trong Narnia cũng giống như cuộc chiến trong tâm trí của mỗi người. Chúng ta chiến đấu chống lại sự tối tăm, xấu xa, độc ác, đớn hèn từng ngày, từng giờ trong tâm trí. Chúng ta càng lớn lên, đối diện với cuộc đời nhiều hơn, cuộc chiến ấy càng trở nên gay gắt. Rồi cũng đến một lúc nào đó, cuộc chiến bên trong và cuộc chiến bên ngoài đều phải chấm dứt. Đó là sự khải huyền cho mỗi cá nhân. Sự hồi sinh chỉ cần đến bởi một suy nghĩ và rung cảm. Hồi sinh, thực chất là đánh thức tất cả những gì tốt đẹp, và tất cả điều tốt đẹp đều không hề bị hủy hoại.

Bộ sách kết thúc trong sự bắt đầu, giống như luân hồi, tất cả đều chấm hết cho khởi đầu mới. Sự bất tử nằm ở chỗ, chúng ta nhận ra một cách sâu sắc rằng sẽ không có cái gì là thực sự kết thúc. Một khi nhận thức ra điều ấy, bạn sẽ đối diện với sự kết thúc một cách bình thản. Và đó là khi bạn nhận thức được sự bất tử bên trong linh hồn của mình. Thế giới nào cũng bắt đầu và kết thúc, số phận nào cũng sinh ra rồi chết đi, nhưng linh hồn của mỗi người thì tham gia hết vòng quay này đến vòng quay khác mà không bao giờ mệt mỏi với vai trò của mình. Linh hồn của chúng ta thì bất tử và vòng luân hồi thì luôn bất diệt.

Biết tất cả những điều này có quá sức với những đứa trẻ hay không? Nếu chúng ta cho rằng những đứa trẻ không nên tiếp cận với tri thức cao siêu, chúng ta đã lầm lẫn. Thứ nhất, đây là vấn đề mang tính quy luật, tức là không có sự cao siêu hay giản lược, tức là bất cứ ai đều có thể tiếp nhận được. Thứ hai, chúng ta đã đánh giá quá thấp trẻ thơ. Chúng ta dậy dỗ trẻ thơ theo công thức, trong khi, con đường tốt nhất là đánh thức. Và muốn đánh thức tiềm năng ở trẻ đó là cho trẻ học cách chiêm nghiệm những gì mang tính quy luật. Rốt cuộc, đó là bài học trưởng thành sâu xa nhất, không phải chỉ có ý thức hay trách nhiệm, người trưởng thành là người hiểu được quy luật của mọi sự, mỉm cười và đối diện bình thản.

Hà Thủy Nguyên

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *