HỌC VIẾTTriết lý cái đẹp

Bài giảng dành cho sinh viên nghệ thuật của Oscar Wilde (2 và hết)

Nhưng, có thể, bạn sẽ nói với tôi rằng vẻ đẹp bên ngoài của thế giới hầu như đã đi ngang qua chúng ta, rằng nghệ sĩ không còn trầm mình trong lớp sương mù của thế giới đẹp đẽ mà trong thời quá khứ đã từng là di sản tự nhiên của mỗi người, và thứ nghệ thuật ấy rất khó tồn tại trong đô thị xấu xí của chúng ta, nơi mà khi bạn đi làm vào mỗi sáng rồi về nhà vào buổi chiều, bạn phải đi từ phố này sang phố khác với thứ kiến trúc ngớ ngẩn và ngu ngốc nhất mà thế giới từng chứng kiến; cái thứ kiến trúc, nơi mọi chuẩn mực đẹp đẽ của Hy Lạp bị xúc phạm và bôi bẩn, còn mọi chuẩn mực đẹp đẽ của Gothic bị bôi bẩn và xúc phạm, gần ¾ số nhà ở Luân Đôn hiện nay, chỉ là, như những hộp khối của những tỉ lệ cân xứng hạ tiện, u ám đến mức đen đúa, thật nghèo nàn cũng như khoe khoang – cánh cửa đại sảnh luôn sơn sai màu, và những cửa sổ luôn sai kích cỡ, và ở nơi, thậm chí vào lúc phát chán với những ngôi nhà mà bạn phải đưa mắt thả hồn ngắm nghía trên phố, bạn cũng chẳng có gì để nhìn ngoài những chiếc mũ chóp cao (chimney-pot hats), những người đàn ông đi lại trên người mang bảng quảng cáo viết bằng chữ màu đỏ chót, và có thể bị những chiếc xe bus màu xanh lam ngọc cán phải.

Chắc bạn sẽ nói với tôi rằng thật khó để có nghệ thuật trong điều kiện sống như trên? Đương nhiên nghệ thuật là khó, nhưng xét cho cùng nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng; bản thân bạn không bao giờ mong nó là dễ dàng, và bên cạnh đó, không có điều gì đáng giá để làm ngoại trừ những điều thế giới nói là không thể.

Tuy nhiên, bạn không bao giờ hài lòng với một câu trả lời chỉ bằng một nghịch lý. Đâu là mối quan hệ giữa nghệ sĩ với thế giới bên ngoài, và sự thể sẽ ra sao khi cái đẹp đang biến mất xung quanh bạn, đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của nghệ thuật hiện đại; và chẳng có nghĩa gì khi ông Ruskin cố thuyết phục rằng sự suy đồi của nghệ thuật đến từ sự sa sút của những điều đẹp đẽ; và khi nghệ sĩ không thể nuôi con măt của anh ta bằng cái đẹp, cái đẹp sẽ rời khỏi tác phẩm của anh ta.

Tôi nhớ một trong số các bài diễn thuyết của ông ta, sau khi mô tả khía cạnh hèn mọn của một thành phố Anh vĩ đại, ông vẽ cho chúng tôi một bức tranh thể hiện thế nào là khung cảnh nghệ thuật đã từng có trước đó từ lâu.

Nghĩ, ông ta nói, bằng những ngôn từ về sự tượng trưng hoàn hảo và mỹ lệ, mà vẻ đẹp của nó ta chỉ có thể vọng lại một cách yếu ớt, nghĩ về khung cảnh tự biểu hiện, trong một buổi tản bộ chiều, đối với một nhà thiết kế của trường học theo phong cách Gothic ở Pisa – Nino Pisano hay bất kỳ học trò nào của ông ta (22):

Trên mỗi bờ của dòng sông ánh sáng mà ông ta nhìn thấy mọc lên một hàng những lâu đài sáng lóa, uốn lượn và nhiều cột trụ, được khảm đá quý đỏ và đá xà văn; chạy dọc theo bờ kè mà những toán kị sĩ đi tuần, với diện mạo và cung cách cao quý, lấp lánh ánh lên từ huy chương và tấm khiên; ngựa và người một mê cung màu sắc kỳ quái và luồng sáng lòe loẹt – sắc tía, và bạc, và viền tua hoe đỏ chạy theo những đường viền đậm và va đập vào trung tâm, như những đợt sóng vỗ vào bờ đá buổi hoàng hôn. Trải rộng trên mỗi bờ sông là những khu vườn, biệt thự, tu viện; nối tiếp những hàng cột trắng  giữa những giàn nho; nhú lên những mầm thạch lựu và cam: và vẫn dọc theo lối đi trong vườn, và xuyên qua dưới màu đỏ thắm của bóng thạch lựu, bước chậm, những cô gái trong trắng nhất mà Italia có thể thấy – trong trắng nhất, bởi vì sự thuần khiết và kín đáo; có học thức cao, như trong nghệ thuật lịch lãm – trong điệu vũ, trong bài hát, trong sự tuệ mẫn ngọt ngào, trong cái học cao thượng, trong lòng dũng cảm cao thượng, trong tình yêu cao lượng – có thể tất cả cùng mời chào, mê hoặc, hay cứu rỗi linh hồn của con người. Trên tất cả những cảnh tượng về đời sống hoàn hảo, mái vòm hoa hồng và tháp chuông, bùng cháy với cẩm thạch trắng và vàng ròng: mãi bên ngoài mái vòm và tháp chuông những sười đồi trải rộng lốm đốm sắc vàng lục; xa xa về phía bắc, nhấp nhô màu lam tím của dãy núi Apennine hùng tráng, những ngọn núi đôi Cararra nổi bật như dâng hiến ngọn lửa kiên định của đỉnh cẩm thạch lên bầu trời màu hổ phách; biển lớn cố gắng lan tỏa ánh sáng, trải dài từ chân núi đến những khu vườn Gorgonian; và trên tất cả, lúc gần lúc xa, nhìn xuyên qua tán lá nho, hay hình dung về những đám mây diễu hành trong suối của Arrno, hay lặn xuống tầng sâu dải màu xanh tương phản với tóc vàng và gò má ửng đỏ của các quý bà và kị sĩ – đó là bầu trời bình yên và bất khả xâm phạm, mà đối với tất cả mọi người, trong những ngày ngây thơ vô tội, và quả nhiên là nơi trú ẩn không thể thắc mắc của những tinh thần, bởi trái đất là nơi trú ẩn của con người; và nó mở thẳng qua những cánh cổng mây và màn sương tới sự kinh khủng của thế giới vĩnh hằng; – một thiên đường mà tại đó mỗi đám mây trôi qua chính là cỗ xe của một thiên thần, và mỗi tia nắng Sớm và Chiều hôm thì chiếu thẳng từ ngai vàng của Chúa.

Bạn nghĩ sao về điều này đối với một trường dạy thiết kế?

Và rồi hãy nhìn diện mạo thê lương và nhạt nhẽo của bất kể một thành phố hiện đại nào, những trang phục u ám của đàn ông và đàn bà, kiến trúc vô nghĩa và xơ xác, quang cảnh không màu và u ám. Thiếu đi một đời sống dân tộc đẹp đẽ, không chỉ điêu khắc, mà tất cả nghệ thuật sẽ chết.

Nói thật thì, xét về mặt cảm nghĩ tôn giáo nặng nề của đoạn trích trên, tôi không nghĩ rằng tôi cần phải nói về điều đó. Tôn giáo nảy nở từ cảm nghĩ tôn giáo, nghệ thuật nảy nở từ cảm nghĩ nghệ thuật: bạn chẳng bao giờ có được nghệ thuật từ cảm nghĩ tôn giáo; trừ khi bạn có cái hạt ươm đúng đắn nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ có được bông hoa bạn muốn; và, nếu một người nhìn thấy trên đám mây kia cỗ xe của một thiên thần, anh ta có thể sẽ vẽ ra một thứ khó mà giống một đám mây được.

Tuy nhiên, nếu xét về cái đại ý trong phần trước đó của đoạn trích về một đoạn văn ngắn thú vị, môi trường đẹp đẽ xung quanh có thật sự cần thiết đối với một nghệ sĩ? Tôi không cho là như vậy; tôi chắc chắn là không cần thiết. Thật vậy, đối với tôi cái điều thiếu nghệ thuật nhất trong kỷ nguyên của chúng ta không phải là sự thờ ơ của công chúng đối với những thứ đẹp đẽ, mà là sự thờ ơ của nghệ sĩ đối với những thứ mà bị coi là xấu xí. Bởi vì, đối với một nghệ sĩ thực sự, không có gì là đẹp hay xấu tự thân nó cả. Rõ ràng đối với các thông số của vật thể, kẻ nghệ sĩ không thể làm được điều gì cả, nhưng có thể làm chỉ với diện mạo của nó, và diện mạo chính là vấn đề về ánh sáng, bóng râm, khối lượng, vị trí, và giá trị.

Diện mạo, thực sự thì, chỉ là vấn đề hiệu ứng, và chỉ với hiệu ứng tự nhiên mà bạn phải đối mặt với, không phải là điều kiện thực của vật thể. Điều mà bạn, những hoạ sĩ, phải vẽ không phải là vật thể tự thân nó mà là vật thể có vẻ như nó, không phải vật thể tự thân nó mà là vật thể không phải là nó.

 

Người dịch: Lê Duy Nam

Oscar Wilde

Link bài tiếng Anh: http://www.wilde-online.info/lecture-to-art-students.html

Học Viết
Học Viết là chuyên trang về tuyển chọn các áng văn chương Việt Nam, qua đó giúp cho độc giả nắm được thế nào là một bài viết hoặc một tác phẩm hay.
Share:

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *